Một đạo luật nhằm ngăn cấm các doanh nghiệp Hoa Kỳ hối lộ cho các quan chức nước ngoài đã mang lại hơn 3 tỷ USD các khoản tiền giải quyết những vụ cáo buộc. Tuy nhiên, có một khía cạnh đáng chú ý: trong danh sách những vụ việc lớn nhất thiếu vắng bóng dáng các công ty Hoa Kỳ.
Trong số những thỏa thuận dàn xếp lớn nhất dưới “Đạo luật các hành vi tham nhũng nước ngoài” (FCPA) bao gồm Siemens - người khổng lồ kỹ thuật Đức, Daimler - nhà sản xuất xe Mercedes-Benz, Alcatel-Lucent - công ty viễn thông Pháp và JGC - một công ty tư vấn của Nhật Bản.
Công ty Hoa Kỳ duy nhất trong top 10 là KBR - chi nhánh của Tập đoàn dịch vụ dầu mỏ Halliburton. Tính chung, top 10 đã trả gần 3,2 tỷ USD dàn xếp các vụ cáo buộc hối lộ. Kể từ khi đạo luật được ban hành vào năm 1977, định nghĩa “American” (thuộc Hoa Kỳ) đã mở rộng rất nhiều bao gồm cả các công ty nước ngoài được niêm yết trên TTCK Hoa Kỳ, bán chứng khoán hoặc kinh doanh ở Hoa Kỳ.
Đồng thời, các công ty nước ngoài có những hành vi hối lộ các quan chức địa phương đều bị xem là vi phạm luật FCPA bất kể do nhận thức khác biệt trong văn hóa kinh doanh hoặc do không nhận ra tầm bao phủ của đạo luật.
Các công ty nước ngoài chiếm 9/10 vụ dàn xếp lớn nhất |
Trường hợp nổi tiếng nhất là của Siemens, một công ty của Đức. Dù hành vi hối lộ xảy ra tại nước ngoài, những người đưa hối lộ không phải dân Hoa Kỳ, những người đòi hối lộ là các quan chức nước khác. Siemens bị “móc” vào FCPA vì cổ phiếu Siemens được giao dịch tại Hoa Kỳ.
Trong trường hợp Daimler, công ty thừa nhận rằng chi nhánh ở Nga đã hối lộ các quan chức địa phương, một chi nhánh Đức đã hối lộ các quan chức Croatia thông qua một công ty vỏ bọc Hoa Kỳ và những khoản hối lộ tương tự cũng được trao cho các quan chức Trung Quốc. Một phần tiền này chảy qua các tài khoản ngân hàng Hoa Kỳ nên Daimler cũng bị chi phối bởi FCPA.
Trên một phương diện nào đó, có thể nói các trường hợp nước ngoài “dễ nhằn” hơn đối với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vì các hành vi vi phạm khá rõ ràng, dễ tóm cổ. Nhiều vụ dàn xếp liên quan đến những sự việc xảy ra cách đó cả một thập niên, trước khi các công ty, đặc biệt là những công ty nước ngoài, nhận thức đầy đủ về mức độ bao trùm của luật FCPA hoặc nhận ra rằng nó áp dụng cho họ.
Do mất nhiều năm cho quá trình truy tố nên một số trường hợp tới giờ mới đi đến bước dàn xếp, ngay cả khi công ty đã dừng những hành vi vi phạm. Michael Koehler, trợ giảng tại trường Đại học Southern Illinois, nhận xét: “FCPA là một chương trình làm lợi cho Bộ Tài chính Hoa Kỳ”.
Trong lúc đó, các quan chức Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho rằng nước này có nghĩa vụ đạo đức phải truy tố hành vi hối lộ của các công ty bất kể nó diễn ra ở đâu. Các giám đốc điều hành Hoa Kỳ từ lâu đã phàn nàn rằng họ ở thế bất lợi khi cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài có đưa hối lộ.
Bộ Tư pháp nói rằng bằng cách truy tố các công ty nước ngoài, họ sẽ tạo ra sân chơi công bằng và chấm dứt sự than phiền của các giám đốc doanh nghiệp Hoa Kỳ. Tuy các công ty nước ngoài chiếm 9/10 vụ dàn xếp lớn nhất, nhưng trong số 78 công ty đang bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm luật FCPA, hầu hết là công ty Hoa Kỳ, trong đó có Alcoa, Goldman Sachs, Pfizer và Wal-Mart, Avon…