Ông NGUYỄN QUỐC THẬP, Chủ tịch Hội Dầu khí VN:
Đừng “kéo” Chính phủ vào các tranh chấp
Chủ đề quy định vai trò, chức năng và nhiệm vụ cho PVN như thế nào trong dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi đã được bàn thảo rất nhiều lần. Bởi trong quá trình triển khai thực hiện đã xuất hiện một số phát sinh, như NĐT nước ngoài cho rằng PVN chỉ đứng ra ký kết, còn khi tranh chấp xảy ra lại kéo Chính phủ vào.
Điều này cũng do Chính phủ không tách ra được khỏi trách nhiệm của các hợp đồng dầu khí. Tôi cho rằng PVN là DNNN 100%, làm được nhiều nên Chính phủ giao nhiều, làm được ít Chính phủ giao ít. Do vậy về mặt pháp lý nếu Chính phủ không muốn liên quan đến tranh chấp, kiện tụng nên cân nhắc việc ủy quyền chức năng cho PVN.
Theo tôi, kế hoạch chung của dự án điều tra, thăm dò, khảo sát cơ bản thông thường vẫn giao cho PVN. Bởi trong điều tra cơ bản về dầu khí khác với điều tra cơ bản bên địa chất, đó là các NĐT tư nhân rất ít so với NĐT nước ngoài chiếm đến 80%. Nhưng hiện dự thảo luật đang giao Bộ TN-MT với những định mức cụ thể, tôi cho rằng sẽ rất khó khả thi.
Luật sửa đổi cũng cần cân nhắc, bổ sung chính sách ưu đãi. Chẳng hạn bổ sung thêm trường hợp kết thúc giai đoạn tìm kiếm thăm dò, NĐT thấy cần ưu đãi cao hơn để chuyển sang giai đoạn khai thác sẽ trình hồ sơ xin thay đổi, Bộ Công Thương thẩm định. Nếu bổ sung điểm này, luật ra đời sẽ thể hiện tính bao quát, ưu đãi cho NĐT, đảm bảo hài hòa lợi ích.
Ông NGUYỄN VĂN VY, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam:
Ông NGUYỄN VĂN VY, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam:
Mở rộng vai trò đầu tư cho PVN
Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi đã đưa một số nội dung của Nghị định 95/2015/NĐ-CP, nâng cấp chức năng nhiệm vụ của PVN, có thể xem như là luật mới, nên cần 2 nghị định để hướng dẫn thực hiện chi tiết hơn. Sau khi xem xét dự thảo, tôi cho rằng cần những quy định cụ thể hơn nữa.
Thứ nhất, về điều tra, khảo sát, thăm dò cơ bản, nên phân định giai đoạn 1 về điều tra sơ bộ do PVN thực hiện, giai đoạn 2 mới giao thầu, khoan thăm dò cho đối tác. Phương pháp điều tra cần có quy định về các định mức để kiểm soát được chi phí.
Thứ hai, về hợp đồng dầu khí có quy định PVN cần báo cáo Bộ Công Thương để trình Chính phủ phê duyệt, khi có điều tra cơ bản mới lập dự thảo hợp đồng để mời thầu và ký hợp đồng. Quy định này rất sơ bộ, chưa đi vào chi tiết, cần được cụ thể hóa hơn nữa. Về thẩm quyền phê duyệt của Chính phủ, nên phân cấp thêm cho PVN để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Với vai trò của PVN, có thể rộng hơn nữa không chỉ bó hẹp trong dầu khí. Sau này nếu có bước phát triển ngoài lĩnh vực truyền thống, vẫn có thể phát triển điện gió, hydro, công nghệ năng lượng tái tạo theo định hướng của Chính phủ cam kết tại Hội nghị COP 26.
Hiện vai trò của PVN vẫn còn yếu, các đơn vị thuộc PVN phát triển chậm so với đòi hỏi từ thực tế, dù nhiều đơn vị thuộc ngành mũi nhọn. Do đó, từ luật này có thể mở rộng phát triển thêm các điều luật khác hỗ trợ tốt hơn cho các DN trong lĩnh vực dầu khí để tạo điều kiện phát triển lớn mạnh.
TS. NGUYỄN VĂN TUÂN, Ủy viên BCH Hội Luật gia Việt Nam:
TS. NGUYỄN VĂN TUÂN, Ủy viên BCH Hội Luật gia Việt Nam:
Phân định rõ ràng vai trò PVN
Luật Dầu khí sửa đổi cần loại bỏ rào cản để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho NĐT. Khi sửa đổi, nguyên tắc phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi. Phải nhận diện được đặc thù của ngành để đưa vào luật hóa. PVN là DNNN có chức năng quản lý nhà nước hay không, dù theo dự thảo luật là giúp Nhà nước quản lý nguồn tài nguyên quốc gia, nên lần sửa đổi luật cần phân định rõ.
Chẳng hạn trong tương lai sẽ phát triển PVN là công ty dầu khí quốc gia hay theo mô hình công ty dầu khí quốc tế, việc xác định địa vị pháp lý rõ ràng giúp rõ hơn chức năng quản lý nhà nước, minh bạch trong quá trình thực hiện.
Luật sửa đổi cần quy định rõ trách nhiệm của PVN trong ký kết với NĐT nước ngoài, thực hiện hợp đồng dầu khí, xử lý phát sinh trong quá trình khi thực hiện vai trò theo ủy quyền của Chính phủ.
Theo thông lệ quốc tế, có 2 mô hình công ty dầu khí trên thế giới. Một là công ty dầu khí quốc gia, thực hiện các mục tiêu, chiến lược của nhà nước. Đây cũng là mô hình hoạt động của PVN hiện nay. Hai là mô hình công ty dầu khí quốc tế, có mục tiêu chính là kinh doanh. Trong tờ trình dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi có nói đến 2 vai của PVN, cần quy định rõ ràng hơn nữa.
Thí dụ, trong dự thảo luật có nói PVN “thực hiện ủy quyền của Chính phủ”, theo tôi là không đúng. PVN là DNNN, với vai trò đó DN có chức năng quản lý (thay/giúp) Nhà nước hay không? Cần xem xét và rõ ràng hơn trong góc độ giúp Chính phủ và trong hoạt động kinh tế nên phân rõ ràng.
Dự thảo luật mới sáng ý và gọn nhưng vẫn còn nhiều vấn đề, chưa thấy toát lên được lý luận thực tiễn, chưa có lập luận. Đặc biệt, trong chương IX của dự thảo luật vẫn chưa rõ vai trò của PVN.