Trong một tuyên bố, ông Mamady Doumbouya cũng đồng thời khẳng định sẽ duy trì các dịch vụ xã hội như bình thường cho đến khi chính phủ mới được thành lập.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo các dịch vụ xã hội tiếp tục vận hành cho đến khi Chính phủ mới được thành lập. Chúng tôi cũng sẽ để ngỏ tiến trình tham vấn quốc tế nhằm lý giải những điểm chính trong quá trình chuyển tiếp và sau đó, một chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ được lập ra để thúc đẩy quá trình chuyển tiếp này. Chúng tôi cũng muốn đảm bảo các hoạt động tài chính và kinh tế sẽ tiếp tục như bình thường ở Guinea”, ông Doumbouya nói.
Ông Mamady Doumbouya. Ảnh: BBC
Vụ đảo chính ở Guine là vụ binh biến thứ 3 tại khu vực Tây và Trung Phi từ tháng 4 vừa qua, làm dấy lên quan ngại khu vực này sẽ quay trở lại thời kỳ quân sự cầm quyền như đã từng diễn ra hồi năm 1990 của thế kỷ trước. Vụ binh biến ở Guinea được người dân nước này đón nhận song lại vấp phải sự chỉ trích của quốc tế, đồng thời khiến giá bô-xít bị đẩy lên cao do lo ngại nguồn cung kim loại này bị gián đoạn trên thị trường. Guinea là quốc gia có trữ lượng bô-xít lớn nhất thế giới.
Sau vụ đảo chính, giao thông cũng đã được nối lại. Một số cửa hàng cũng đã được mở cửa hoạt động. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin nhân chứng, giao tranh vẫn xảy ra ở một số khu vực giữa lực lượng quân đội đảo chính và những binh sĩ trung thành với ông Conde.
Trong một diễn biến có liên quan, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cho biết sẽ tổ chức cuộc họp đặc biệt về tình hình Guinea vào ngày 9/9 tới.