Theo báo cáo của Phòng VH-TT TP Hội An, tính đến hết năm 2018, toàn thành phố có 645 cơ sở lưu trú với 10.545 phòng (bao gồm khách sạn 1-5 sao, biệt thự du lịch, nhà nghỉ, homestay…).
Trong đó, homestay chiếm gần 47% với 302 nhà, tuy nhiên số lượng phòng chỉ chiếm 11,25% tương đương 1.187 phòng. Báo cáo cũng cho biết, dù chiếm 47% trong tổng số cơ sở lưu trú toàn thành phố, nhưng năm 2018, homestay chỉ đón 84.655 lượt khách lưu trú tại Hội An (chiếm 4,88%).
Đặc biệt, dù đa phần homestay đảm bảo các trang thiết bị, tiện nghi tối thiểu phục vụ khách theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7800:2017 (thậm chí, khá nhiều nơi trang thiết bị phòng lưu trú đạt tiêu chuẩn từ 1-2 sao), tuy nhiên công suất sử dụng phòng của homestay lại khá thấp, khoảng 28,8%, rất thấp so với con số bình quân các cơ sở lưu trú khác là 53,88%.
Chưa kể, bình quân số ngày lưu trú khách cũng chỉ đạt 2,21 ngày, nhích hơn một chút so với bình quân chung của các loại hình lưu trú còn lại là 2,20 ngày và doanh thu chỉ chiếm 0,33% so với phần còn lại.
Ông Lê Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do số lượng homestay phát triển quá “nóng”, dẫn đến sự cạnh tranh về giá và chất lượng dịch vụ không đảm bảo.
Chưa kể, khả năng, kinh nghiệm trong việc tiếp thị, quảng cáo tìm kiếm nguồn khách của các homestay còn khá hạn chế, các hoạt động quảng cáo để thu hút khách chỉ dừng lại ở việc xây dựng website riêng của gia đình, brochure...
Đặc biệt, sản phẩm trải nghiệm văn hóa cho khách của các homestay khá nghèo nàn. Một số homestay nếu có tổ chức hoạt động cho khách cũng chỉ tập trung vào một số nội dung như: hướng dẫn khách nấu ăn và mời dùng bữa cơm thân mật cùng gia đình, dẫn khách đi chợ, đi dạo phố cổ, mời khách tham gia đám giỗ, đám cưới; tổ chức tiệc cho khách vào các dịp lễ như Tết Nguyên đán, Giáng sinh, tổ chức sinh nhật cho khách.
“Giá trị văn hóa nghèo nàn nên một số homestay ở Hội An hiện đã biến dạng thành những cơ sở lưu trú rẻ tiền với giá bán phòng một đêm chỉ trên dưới 10USD. Thay vì là một sản phẩm du lịch đặc thù thì homestay hiện đã biến tướng trở thành một nhà nghỉ rẻ tiền”, ông Thuận nhìn nhận.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Dung, Phó Trưởng phòng VH-TT TP Hội An, việc đăng ký homestay của TP Hội An có một số quy định bắt buộc, như: chủ hộ kinh doanh homestay có hộ khẩu đăng ký thường trú tại Hội An hoặc đang sinh sống tại ngôi nhà kinh doanh; hộ gia đình đảm bảo các tiêu chuẩn gia đình văn hóa, có từ 2 thế hệ cùng sinh sống; diện tích khu đất xây dựng homestay tối thiểu đạt 100m2 (80m2 tại vùng đảo Cù Lao Chàm); không cho phép phát triển tại khu vực 1, 2A khu phố cổ; có không gian sinh hoạt, lưu trú cho gia đình và cho khách du lịch; giúp du khách trải nghiệm và tìm hiểu đời sống văn hóa người dân Hội An...
Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, chủ homestay chỉ cần có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, đáp ứng các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về PCCC, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật, đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách theo quy định tại Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch thì có thể dễ dàng mở homestay. Điều này đã dẫn đến những hệ lụy như thời gian qua”, bà Dung nói.