Lúng túng xử lý rác thải cồng kềnh

(ĐTTCO)-Hiện nay hầu hết các công ty dịch vụ công ích quận, huyện đều tiếp nhận thu gom rác thải cồng kềnh. Tuy nhiên, đa số người dân phải tự thỏa thuận giá với đơn vị thu gom.
Một điểm tập kết rác thải rắn cồng kềnh tại UBND phường 10, quận Phú Nhuận, TPHCM
Một điểm tập kết rác thải rắn cồng kềnh tại UBND phường 10, quận Phú Nhuận, TPHCM

Từ tháng 9-2020, UBND TPHCM đã giao công ty công ích các quận, huyện xây dựng đề án, đơn giá và cung ứng dịch vụ thu gom, xử lý rác thải rắn cồng kềnh trên địa bàn thành phố; đồng thời công bố số điện thoại liên hệ và cách thức thu gom để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tuy vậy, rất ít người dân liên hệ cơ quan chức năng để thu gom, xử lý loại rác thải kích cỡ lớn này.

Cần có quy định cụ thể về giá 

 Chất thải rắn có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn ghế, salon, tranh (được gọi chung là chất thải rắn cồng kềnh) không có khả năng tái chế và được quản lý như chất thải sinh hoạt thông thường. Theo thống kê của Sở TN-MT TPHCM, mỗi ngày thành phố phát sinh khoảng 9.000-9.500 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, rác thải cồng kềnh, rác thải xây dựng gần 1.700 tấn, nhưng thực tế chỉ có một số ít rác thải rắn cồng kềnh được thu gom, xử lý đúng quy trình.

Dù lượng rác thải cồng kềnh phát sinh ngày càng nhiều, nhưng người dân và đơn vị thu gom đều lúng túng trong xử lý vì chưa có mức giá cụ thể. Theo quy định, muốn thu gom các loại rác thải cồng kềnh, cá nhân, gia đình, chủ nguồn thải phải trả thêm phí dịch vụ vận chuyển và tự thỏa thuận giá với đơn vị cung ứng. Do giá dịch vụ thu gom còn khá cao nên khi xây dựng, sửa chữa nhà cửa hay thay đồ nội thất, nhiều người dân thường thuê xe ba gác chở đi thải bỏ hoặc vứt lăn lóc bên vỉa hè, gầm cầu, bờ kênh…

“Đợt tết vừa rồi, gia đình tôi sửa nhà, thay trần, bàn ghế và cả bồn cầu. Chỗ dịch vụ thu gom rác dân lập vận chuyển báo giá 600.000 đồng/lần, thấy giá cao quá nên tôi gọi xe ba gác chở đi bỏ giúp với giá 200.000 đồng. Họ chở rác bỏ đi đâu, thú thật tôi cũng không biết”, anh Nguyễn Văn Tính (ngụ quận Tân Bình) kể.

Mỗi năm, khi thải những loại rác cồng kềnh, gia đình chị Bùi Thị Lan (ngụ quận 12) phải chia nhỏ, bỏ theo rác thải sinh hoạt, đôi lần thuê xe ba gác chở bỏ đại bên bãi rác lề đường. “Gia đình không còn cách nào. Nhiều lần tôi bỏ cạnh thùng rác nhưng đơn vị thu gom không mang đi. Nếu muốn thu gom, phải trả thêm phí vận chuyển với giá khá cao. Nên có khung giá phù hợp hơn để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ chính quy”, chị Lan bày tỏ.

Thiết lập mạng lưới thu gom

 Theo Quyết định số 12/2019 của UBND TPHCM, người dân phải tự vận chuyển, hoặc nếu không có khả năng vận chuyển thì liên hệ các dịch vụ thu gom rác để thỏa thuận phí chuyển rác thải quá khổ, rác cồng kềnh đến điểm tập kết rác do UBND quận, huyện quy định. Việc người dân vứt rác ra vỉa hè, lòng đường là hành vi vi phạm, sẽ bị phạt hành chính 5-7 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định 155/2016.

Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết, hiện nay hầu hết các công ty dịch vụ công ích quận, huyện đều tiếp nhận thu gom rác thải cồng kềnh. Tuy nhiên, đa số người dân phải tự thỏa thuận giá với đơn vị thu gom. Chi phí vận chuyển vẫn còn khá cao và mỗi nơi mỗi giá, dẫn đến nhiều người tự ý vứt bỏ rác thải ra môi trường. Công ty có đủ khả năng tiếp nhận rác thải cồng kềnh của người dân thành phố, nhưng thời gian qua, số lượng người dân chở rác đến rất thấp.

Để thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy TPHCM về việc vận động người dân không xả rác ra đường, kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước, trong khi một số nơi than khó triển khai thì cũng có nơi làm khá tốt. Trong đó, quận Phú Nhuận là địa phương tiên phong trong việc tuyên truyền, thu gom rác cồng kềnh cho người dân trên địa bàn. Mỗi phường có một điểm cố định để người dân đem rác đến, sau đó công ty dịch vụ công ích thu gom, xử lý. Thậm chí, UBND phường 10, quận Phú Nhuận, đã triển khai việc tuyên truyền đến người dân và nhận thu gom rác thải cồng kềnh, rác thải nguy hại, pin đã qua sử dụng từ đầu năm 2022, với tần suất 1-2 lần/tháng. 

Ông Lê Đình Thanh Sơn, công chức Địa chính xây dựng - đô thị - môi trường, phường 10, quận Phú Nhuận, chia sẻ: Từ khi tuyên truyền và vận động người dân mang rác đến phường, tình trạng xả rác bừa bãi trên địa bàn giảm rõ rệt.

“Để giải bài toán xử lý rác thải cồng kềnh trên địa bàn TPHCM, tôi nghĩ nên có đề án thiết lập mạng lưới thu gom, thống nhất ở tất cả quận, huyện và TP Thủ Đức. Theo đó, mỗi địa phương nên có điểm tiếp nhận rác thải cồng kềnh cố định trong khu dân cư, sau đó công ty dịch vụ công ích từng quận, huyện và TP Thủ Đức thu gom, vận chuyển về nhà máy để xử lý đúng quy định. Triển khai có lộ trình, giá thu gom hợp lý sẽ tạo sự hợp tác, thuận tiện cho người dân. Công ty cũng sẵn sàng đầu tư công nghệ, máy móc, dây chuyền để xử lý lượng lớn rác thải cồng kềnh này”, ông Cao Văn Tuấn (Trưởng Phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM) nêu ý kiến.

Các tin khác