Gần 87.700 các loại phương tiện giao thông, từ xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng… ở TPHCM tạm ngưng hoạt động trong thời gian thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Trong khi nhu cầu đi lại, nhất là người lao động vẫn phải đến cơ sở, doanh nghiệp làm việc, nên vẫn còn tình trạng xe máy đông đúc trên một số nơi, tại những thời điểm nhất định.
Chủ yếu ra vào cảng, khu chế xuất-khu công nghiệp
* Phóng viên: Ngành GTVT của TPHCM đã thực hiện những biện pháp cấp bách nào trong tổ chức đi lại cho người dân trên địa bàn để phòng chống dịch bệnh, thưa ông?
Ông TRẦN QUANG LÂM: - Triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và chỉ đạo của UBND TPHCM về thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Sở GTVT có thông báo về tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ trong thời gian dịch Covid-19.
Thông báo yêu cầu tạm ngưng vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng (kể cả xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động thông qua ứng dụng công nghệ) và xe du lịch hoạt động trên địa bàn TPHCM trong 15 ngày, kể từ 00 giờ ngày 1-4.
Ngoài ra, từ ngày 1-4, Sở GTVT phối hợp với các lực lượng chức năng lập chốt kiểm tra tất cả phương tiện tại các cửa ngõ ra, vào TPHCM. Song, để giải quyết các nhu cầu cấp thiết của người dân, từ ngày 4-4, Sở GTVT phối hợp với Sở Y tế và doanh nghiệp đã bố trí 200 xe taxi thương hiệu Mai Linh chở bệnh nhân nặng, người dân sau khi xuất viện mà không đi lại được bằng xe 2 bánh. Tính đến cuối ngày 7-4, có hơn 1.500 chuyến xe taxi Mai Linh phục vụ người bệnh miễn phí.
*Trong thời gian thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, tình hình đi lại trên địa bàn như thế nào?
- TPHCM đang quản lý khoảng 8,05 triệu phương tiện giao thông (gồm gần 755.500 ô tô và gần 7,3 triệu xe môtô). Đó là chưa kể một số lượng rất lớn các phương tiện mang biển số các tỉnh hoạt động trên địa bàn TPHCM.
Qua thống kê, lượng phương tiện giao thông trong giờ cao điểm ở các đường trục trên địa bàn (thông qua hệ thống đo đếm tự động tại 3 thời điểm) có sự chênh lệch. Vào giờ cao điểm trước khi có dịch (số liệu ngày 19-11-2019), tại các trục đường chính đều có số phương tiện lưu thông rất lớn. Nhiều tuyến đường đã trở nên quá tải so với khả năng khai thác, đặc biệt các đường xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngày 1-4, số lượng phương tiện trên các tuyến đường chính giảm rất nhiều so với trước khi có dịch bệnh
Ngày 1-4, số lượng phương tiện trên các tuyến đường chính giảm rất nhiều so với trước khi có dịch bệnh, như các đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Pasteur, Điện Biên Phủ, Trường Sơn, Hoàng Minh Giám… giảm trên 60%.
Ngày 7-4, số lượng phương tiện có chiều hướng tăng. Đặc biệt, các tuyến đường vành đai, quốc lộ, đường ra vào các cảng, các khu chế xuất-khu công nghiệp và một số đường khu vực trung tâm (như đường Lê Duẩn, Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai, Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng…) tăng khoảng 50% so với ngày 1-4. Tuy nhiên, số lượng này cũng chỉ tương đương khoảng 40% lưu lượng phương tiện so với thời điểm trước dịch.
Hạn chế đi lại khi không thực sự cần thiết
* Vì sao hiện nay cả nước vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng ngừa lây lan dịch bệnh nhưng ở một số tuyến đường, lượng phương tiện lưu thông vẫn còn đông?
- Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, từ ngày 1-4, UBND TPHCM yêu cầu cơ quan Nhà nước chỉ bố trí tối đa 30% cán bộ, công chức, viên chức đi làm tại cơ quan và tăng cường làm việc trực tuyến tại nhà. Một số loại hình dịch vụ cũng được yêu cầu tạm ngưng hoạt động.
Tuy nhiên, các nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu...); ngân hàng, kho bạc, những cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, khám - chữa bệnh, tang lễ... vẫn được tiếp tục hoạt động.
Trong khi đó, việc tạm dừng hoạt động các loại phương tiện giao thông công cộng (chiếm khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân) đã phần nào ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, nhất là những người lao động làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp. Từ đó, người dân chuyển sang sử dụng phương tiện cá nhân mà hầu hết là xe gắn máy hoặc xe ôm công nghệ.
Ngoài ra, các dịch vụ mua hàng trực tuyến và dịch vụ giao hàng tại nhà tăng cao nên số lượng phương tiện giao hàng tăng. Đây là những lý do dẫn đến hiện nay vẫn còn tình trạng xe máy trên đường còn nhiều.
* Trước việc người dân, nhất là người lao động vẫn phải lưu thông để đi làm việc thì Sở GTVT có khuyến cáo gì, để khi đi lại vẫn đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, thưa ông?
- Sở GTVT đề nghị người dân tiếp tục chấp hành tốt Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng như chỉ đạo của UBND TPHCM về hạn chế đi lại khi không thực sự cần thiết. Khi phải tham gia giao thông thì cần chấp hành các quy định theo hướng dẫn của ngành y tế, đồng thời cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông và thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị.
Thực hiện yêu cầu tạm ngưng vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, trên địa bàn TPHCM có khoảng 87.690 phương tiện không hoạt động trong 15 ngày, kể từ 00 giờ ngày 1-4. Trong số này có hơn 2.090 xe tuyến cố định, hơn 2.760 xe buýt, hơn 8.540 xe taxi, gần 73.310 xe hợp đồng và gần 990 xe du lịch, xe trung chuyển. |