Làm theo đơn đặt hàng
Từ khi bài hát này ra đời (năm 1961) đến nay, giá trị tinh thần của bài hát vẫn vẹn nguyên trong lòng nhiều thế hệ người dân Nam bộ. Có điều, chiếu Cà Mau nay đã có nhiều thay đổi, ghe chiếu Cà Mau không còn tấp nập “cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy”…
Trước đây, tỉnh Cà Mau có nhiều làng nghề dệt chiếu như Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi), Tân Lộc (huyện Thới Bình), Tân Thành (TP Cà Mau). Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm, hiện giờ ở Cà Mau chỉ còn làng chiếu Tân Thành duy trì hoạt động nhưng quy mô ngày càng giảm dần.
Đến làng chiếu Tân Thành vào những ngày cận Tết Quý Mão 2023, chúng tôi gặp vợ chồng ông Đặng Chí Linh - Trần Thị Chính (cùng 54 tuổi, ngụ xã Tân Thành, TP Cà Mau) đang cần mẫn dệt chiếu bên hiên nhà. Đây là những đôi chiếu cuối cùng vợ chồng ông Linh dệt để giao cho khách đã đặt hàng. Vợ chồng ông dự kiến dệt đến ngày rước ông bà (30 tết) sẽ nghỉ để ăn tết.
Trong quá trình dệt chiếu, bà Chính đảm nhiệm công đoạn dập, còn ông Linh lo việc lẫy. Ông Linh cầm cây truồi quấn lác ở đầu đưa vào khung trân, vừa kéo ra thì bà Chính kéo cây không dập cho cọng lác đan khít lại với nhau, sau đó bẻ bìa 2 đầu chiếu. Khi dập xong, bà Chính kéo cây không ra, cứ thế ông Linh lấy cây truồi đưa cọng lác vào khung trân, quy trình cứ thế lặp đi lặp lại liên tục. Với chiếu lẫy chữ, lẫy bông, hoa văn thì thao tác chậm hơn. Vì khi lẫy, phải dùng các ngón tay để nhận trân rồi mới chuồi từng cọng lác vào để chiếu nổi hoa, chữ, hoa văn theo ý muốn. Để dệt những chiếc chiếu đẹp, bền, chắc, phải dập đều tay, chắc và phải kinh nghiệm lâu năm. “Hai vợ chồng làm từ 7 giờ và đến khoảng 15 giờ thì xong một đôi chiếu. Trong quá trình dệt, chúng tôi cũng tranh thủ nghỉ ngơi và lo cơm nước cho gia đình. Hiện giờ, tùy loại chiếu mà giá cả khác nhau, thông thường giá khoảng 550.000-1 triệu đồng/đôi, cao nhất là chiếu bông lẫy chữ. Do chiếu Tân Thành có giá cao nên chúng tôi chỉ làm chiếu khi có người đặt mua”, bà Chính chia sẻ.
Nguyên liệu chính làm chiếu ở Cà Mau là cây lác (còn gọi là cói) và bố (còn gọi là đay). Hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch, khi cây lác trổ bông và cao hơn đầu người trưởng thành (khoảng 2m) thì được người dân cắt về, chẻ nhỏ, phơi khô. Các cọng lác sau đó được nhuộm với 3 màu cơ bản là đỏ, xanh, vàng; còn màu trắng không cần nhuộm vì là màu tự nhiên của cọng lác. Những năm gần đây, nguồn nguyên liệu ngày càng hiếm nên nhiều người làm chiếu phải mua nguyên liệu từ nơi khác.
Người làm chiếu ở Tân Thành cho biết, công đoạn làm chiếu vẫn theo phương pháp thủ công truyền thống hàng trăm năm qua. Dụng cụ dệt chiếu gồm: cây không dùng để dập, 2 cây trục (ở 2 đầu để neo trân, căng trân), con ngựa ở giữa (để đỡ trân) cây truồi dùng để quấn lác, đưa lác vào khung trân để dệt. Chấp trân cũng là một công đoạn đau đầu khi bắt đầu dệt chiếu. Vì vậy, người đứng ra chấp trân cần tỉ mỉ và lành nghề. Những sợi bố sau khi được đánh lại mắc vào những khung dệt phải thẳng và đều, tạo thành khung sườn cố định cho quá trình dệt chiếu…
Ngày càng ít người dệt chiếu
Theo những người dệt chiếu cố cựu ở Tân Thành, trước đây, vào mùa tết, nhà nhà đều dệt chiếu nên không khí rất nhộn nhịp và khẩn trương. Nhiều gia đình có đến 4-5 đời đều sống bằng nghề dệt chiếu. Bà Hồ Thị The năm nay 61 tuổi, gia đình 4 đời làm nghề dệt chiếu, nhớ lại: “Tháng 9 hàng năm là bắt đầu vào vụ, nhộn nhịp nhất là khoảng 1 tháng trước Tết Nguyên đán. Các lái chạy ghe tấp nập trên sông rạch trong vùng để lấy chiếu, sau đó đưa đi bán khắp nơi. Chiếu Cà Mau không chỉ bán khắp sông nước miền Tây, mà còn chở lên tận miệt Sài Gòn, vùng Đông Nam bộ”.
Danh tiếng chiếu Cà Mau vang lừng nên rất nhiều gia đình khi cưới dâu hay đặt đôi chiếu mới đem về trang điểm trong phòng tân hôn. Thường những đôi chiếu này, người ta phải chọn những thợ lành nghề và uy tín. Có lẽ vì thế mà khi viết bài vọng cổ Tình anh bán chiếu nổi tiếng, soạn giả Viễn Châu đã lấy hình ảnh chiếu Cà Mau làm cái tứ trong lời ca.
Cũng theo bà The, dù nghề này không đem lại sự giàu sang nhưng giúp người dân đủ ăn, đủ mặc, lo cho con cái được học hành đàng hoàng. Tuy nhiên, do xã hội ngày càng phát triển, không chỉ đô thị mà cả vùng nông thôn, đra, nệm dần thay thế chiếu trên những bộ ván, giường ngủ. Do người dân ít sử dụng chiếu trong sinh hoạt hàng ngày nên làng chiếu Tân Thành cũng ngày càng thưa vắng dần thợ dệt. Hiện, bà con trong vùng thường dệt chiếu những lúc rảnh rỗi, nông nhàn. Nghề dệt chiếu giờ chỉ là công việc phụ để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình. Nhiều thợ dệt chiếu lành nghề chỉ toàn người lớn tuổi, vì lớp trẻ rất ít người theo nghề này.
Dù vậy, nhiều người dân miền Tây vẫn dùng chiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Đó là những lúc giao lưu đờn ca tài tử hay trải chiếu bông đón tết, tiếp khách. Mọi người sum họp uống trà, ăn bánh, tiệc tùng… như một nét văn hóa đặc trưng của nhiều gia đình vùng nông thôn miền Tây lâu nay. Chính vì vậy mà làng chiếu Tân Thành vẫn còn duy trì dệt chiếu.
Ông Trương Huỳnh Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành (TP Cà Mau), cho biết, nghề dệt chiếu là nét đẹp truyền thống và là bản sắc văn hóa của địa phương. Hiện cả xã vẫn còn khoảng 60 hộ dân duy trì nghề dệt chiếu truyền thống. Dù vậy, nhu cầu thị trường ngày càng giảm nên những hộ dân sống bằng nghề dệt chiếu đối diện nhiều khó khăn. Mỗi khi có chương trình hỗ trợ, giúp đỡ của hội phụ nữ, hội nông dân, địa phương luôn ưu tiên duy trì nghề dệt chiếu Tân Thành. Trong quy hoạch, TP Cà Mau có định hướng phát triển du lịch sinh thái, phát triển các làng nghề. Vì vậy, khi có dự án, địa phương ưu tiên đưa nghề dệt chiếu Tân Thành vào chương trình để góp phần phát triển du lịch và giữ gìn làng nghề truyền thống này.
Chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2022 (Miss Universe 2022, diễn ra tại Mỹ), hoa hậu Ngọc Châu chọn chiếu Cà Mau làm trang phục dân tộc dự thi. Phiên bản trang phục dân tộc “chiếu Cà Mau” là tác phẩm của nhà thiết kế Nguyễn Quốc Việt, đoạt giải nhất cuộc thi Trang phục dân tộc của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022. Bộ trang phục lấy cảm hứng từ nét đẹp văn hóa và con người từ làng nghề dệt chiếu Cà Mau.