Lý thuyết trò chơi ứng dụng trong quản trị kinh doanh

(ĐTTCO) - Cuốn sách “Lý thuyết trò chơi và ứng dụng trong quản trị kinh doanh” của TS. Lê Hồng Nhật giúp độc giả tìm thấy nhiều kiến giải cho những thực tế họ thường xuyên giáp mặt, nhiều gợi mở cho các giải pháp hoặc hướng đi họ đang tìm kiếm.
Lý thuyết trò chơi ứng dụng trong quản trị kinh doanh

Thông qua cuốn sách này độc giả có thể thu nhận được vô số thứ cho mình - tri thức, cách tiếp cận, cách nhìn nhận và lý giải các vấn đề của chính mình hoặc trong cuộc sống xung quanh.

TS. Lê Hồng Nhật không dùng những mô hình toán học rối rắm, không dùng những thuật ngữ chuyên môn phức tạp, chỉ bằng một cách diễn giải đầy trí tuệ mà thư thái, nhẹ nhàng, đã dẫn dắt người đọc đến với một lý thuyết thật hay, truyền đạt cho người đọc những tư tưởng, nội dung cốt lõi của lý thuyết đó, giúp người đọc nắm được vấn đề và cảm nhận được lý thuyết này có thể ứng dụng rộng rãi đến nhường nào trong công việc và cuộc sống của họ.

Đặc biệt, những câu chuyện hoặc tình huống giả định được chọn lọc từ nhiều nơi, nhiều bối cảnh khác nhau và đưa vào các chương của cuốn sách thật sự rất hữu ích: chúng vừa minh họa rất thuyết phục cho lý thuyết trò chơi, vừa là những bài học thực tiễn rất phong phú và gần gũi đối với người đọc Việt Nam.

Cấu trúc cuốn sách được tác giả lần lượt chỉ ra cách ứng dụng của lý thuyết này trong chiến lược cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường, tiếp đó là đàm phán, hợp tác trong kinh doanh với nhiều thí dụ cụ thể để cho các doanh nghiệp nghiên cứu, học hỏi. Như câu chuyện của Nokia thâm nhập thị trường Việt Nam những năm 1990 khi Siemens đang độc quyền. Nokia phải ra quyết định có thâm nhập thị trường đầy tiềm năng này hay không trước sự đe dọa về cuộc chiến giá cả Siemens có thể mở ra để bảo vệ thị trường.

Nokia nên làm gì? Ban lãnh đạo Nokia Việt Nam có thể nghĩ rằng khả năng bị lâm vào cuộc chiến giá cả với Siemens là 50-50. Như vậy Nokia có lẽ nên đứng ngoài thị trường Việt Nam. Nhưng liệu việc tính toán khả năng nổ ra chiến tranh giá cả với Siemens như vậy có đúng không? Cơ sở nào để tin rằng xác suất đó là 1/2?

Để trả lời cho câu hỏi này Nokia phải bỏ sức ra nghiên cứu lợi nhuận của Siemens theo từng kịch bản khác nhau. Bây giờ Nokia có thể dự đoán được, liệu lời đe dọa mở chiến tranh giá của Siemens là có cơ sở hay không. Đặt mình vào vị trí của Siemens, sẽ thấy khả năng lớn là vì lợi ích của mình, Siemens sẽ không bao giờ dám gây chiến.

Vì vậy chiến lược tốt nhất của Nokia là bước ngay vào vào Việt Nam, và họ đã thực hiện đúng như vậy. Đến nay cuộc chiến giành thị trường của họ vẫn là bài học, một hoạt động nghiên cứu sâu trong một sự việc thực tế trên vẫn là tiêu biểu cho bất cứ lãnh đạo doanh nghiệp nào muốn hiểu lý thuyết trò chơi được ứng dụng ra sao trong cuộc chiến giành thị trường.

Trong cuốn sách độc giả cũng sẽ được giới thiệu ứng dụng của lý thuyết trò chơi trong chiến lược sàng lọc khách hàng, đánh tín hiệu về chất lượng sản phẩm. Cuối cùng là ứng dụng của lý thuyết này trong lĩnh vực cấu trúc sở hữu và thể chế cụ thể là quản lý đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, chống tham nhũng... vô cùng hữu ích với các chuyên gia và các nhà quản lý đang làm việc và gánh vác trọng trách trong các lĩnh vực liên quan.

Các tin khác