“Mắc cạn” điện mặt trời, điện gió - Điện gió… đói gió

(ĐTTCO) - Ngồi trên những chuyến bay ra miền Trung hay lên Tây Nguyên, về đồng bằng sông Cửu Long khi trời trong, nhìn xuống mặt đất thấy những cánh quạt gió khổng lồ trắng xóa trên nền đất nâu thẫm, trông thật thơ mộng.

 Nhưng mấy ai biết rằng, nhiều dự án vì hoàn thành trễ hạn nên không được mua điện, cõng trên lưng gánh nợ khổng lồ hàng ngàn tỷ đồng.

Dự án điện gió ở xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã thi công xong nhưng chưa thể phát điện. ẢNH: HỮU PHÚC

Dự án điện gió ở xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã thi công xong nhưng chưa thể phát điện. ẢNH: HỮU PHÚC

Khi quạt ngừng quay

Có mặt tại xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), chúng tôi thấy xen giữa những đồi chè, cà phê xanh mướt là những trụ điện gió khổng lồ đâm thẳng lên không trung. Trụ điện cao hàng chục mét, cánh đứng yên, tiếng động cơ im bặt. Hỏi chuyện bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn về những trụ điện gió nằm phía sau UBND xã, bà nói: “Quạt điện gió không quay nghĩa là không hoạt động. Cả 2 dự án trên địa bàn xã hiện đã hoàn thành mà không hoạt động thì lãng phí nhiều mặt”.

Hai dự án điện gió đó là dự án Nhà máy điện gió phát triển Miền Núi và dự án Nhà máy điện gió chế biến Tây Nguyên với tổng công suất 100MW, thi công năm 2020 và hoàn thành sau ngày 31-10-2021. Hai dự án này có tổng cộng 30 trụ điện gió, trong đó 28 trụ nằm ở xã Bàu Cạn, 2 trụ còn lại ở xã Thăng Hưng, đều đã… ngừng quay. Theo lãnh đạo UBND xã Bàu Cạn, quá trình thi công điện gió cũng gây ra những ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân. Khi xã yêu cầu giải quyết đền bù, đơn vị thi công điện gió than thở do chưa bán được điện nên gặp khó khăn tài chính để thanh toán.

Từ UBND xã Bàu Cạn, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Văn Quang, cán bộ địa chính xây dựng xã, băng cắt qua những đồi chè để vào nhà điều hành của 2 dự án điện gió nói trên. Nhà điều hành 2 dự án điện gió nằm lọt thỏm giữa cánh đồng lớn, cổng làm kiên cố và kiểm soát chặt chẽ người ra vào. Một nhân viên ở đây nói, dự án thi công xong sau thời hạn quy định nên chưa được đấu nối lên hệ thống điện nhà nước để bán điện.

Trải dài theo quốc lộ 1A thuộc tỉnh Ninh Thuận, dọc hai bên đường là những trụ điện gió nhấp nhô theo đồi núi, nhưng không phải cánh quạt nào cũng quay. Đó là nhiều trụ điện gió có ghi dòng chữ Hanbaram nằm ở phía Bắc tỉnh. Ông Đặng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Điện gió Hanbaram kể, các trụ điện gió của dự án thuộc các xã Lợi Hải, Bắc Phong, huyện Thuận Bắc; xã Xuân Hải, Tân Hải huyện Ninh Hải. Công suất của dự án là 117MW, gồm 27 trụ gió 4MW và 2 trụ gió 4,5MW, cùng với đó là hệ thống điện, trạm biến áp, đường giao thông, nhà điều hành và các hệ thống phụ trợ kèm theo. Tổng vốn đầu tư toàn bộ dự án gần 5.000 tỷ đồng, vốn tự có của chủ đầu tư chiếm 30% (tương đương 1.500 tỷ đồng), còn lại là vốn vay. 

Ông Đỗ Nguyễn Hải Đăng, Chánh Thanh tra huyện Thuận Bắc (tỉnh Ninh Thuận) cho biết, dự án khởi công từ tháng 10-2020, theo kế hoạch đến ngày 31-10-2021 đã lắp đặt và kết nối 29/29 trụ turbine; hoàn thành toàn bộ đường dây và trạm biến áp đấu nối lên hệ thống lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, chỉ có 6/29 trụ của nhà máy hoàn thành kịp thời để được bán điện, những trụ còn lại bị trễ hạn đang chờ giải quyết.

Chờ tháo gỡ cơ chế

Tỉnh Gia Lai là địa phương có rất nhiều dự án điện gió rơi vào tình trạng “đói gió”. Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai, cho biết, đối với 16 dự án điện gió đã triển khai thi công, có 4 dự án điện gió đã vận hành thương mại một phần với tổng công suất 117MW (tương ứng 31 trụ turbine) và một phần chưa được vận hành thương mại với công suất 287MW (tương đương 72 trụ turbine); 5 dự án điện gió chưa được vận hành thương mại toàn bộ với tổng công suất hơn 341MW (tương đương 88 trụ turbine). Tính ra, hiện có 629/1.192MW điện gió (tương ứng 160/297 trụ turbine) với tổng vốn đầu tư khoảng 25.500 tỷ đồng dù đã được thi công xây dựng hoàn thành nhưng chưa được công nhận vận hành thương mại và chưa được đấu nối phát điện lên hệ thống điện quốc gia. Nguyên nhân không bán được điện là do đến hết ngày 31-10-2021, giá bán điện đối với các dự án điện gió tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 19-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực thi hành và chưa có giá bán điện cho các dự án điện gió được ban thành sau ngày này. 

Theo ông Phạm Văn Binh, việc các dự án điện gió không thể hoàn thành để đưa vào vận hành thương mại đúng tiến độ là do dịch Covid-19 nên việc thi công bị gián đoạn. Các dự án điện gió không được vận hành thương mại đã làm giảm hiệu quả kinh tế, gây lãng phí đầu tư xã hội, còn chủ đầu tư không có nguồn thu để trả lãi ngân hàng, dẫn đến khó khăn về tài chính. Trước tình hình đó, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội vào tháng 8, tỉnh Gia Lai kiến nghị Chính phủ sớm ban hành giá bán điện chuyển tiếp sau ngày 31-10-2021 cho các dự án điện gió; trong thời gian chưa ban hành giá bán điện vẫn cho nghiệm thu đóng điện, vận hành thương mại và ghi chỉ số công tơ, sau này có giá bán mới thanh toán cho nhà đầu tư.

“Riêng với Sở Công thương, ngày 10-10, thực hiện theo chỉ đạo của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, UBND tỉnh về đề xuất các ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, sở đã có văn bản kiến nghị các nội dung nói trên để tỉnh báo cáo Quốc hội, các bộ ngành Trung ương nhằm sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư điện gió”, ông Phạm Văn Binh cho biết.

Giải thích về việc triển khai dự án điện gió không theo kịp tiến độ trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, nguyên nhân chính vẫn là do dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021. Cụ thể, turbine gió chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài, việc lắp đặt phụ thuộc vào các chuyên gia, kỹ sư người nước ngoài nhưng do dịch bệnh nên hạn chế nhập cảnh, thực hiện cách ly y tế đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, thí nghiệm và nghiệm thu. Mặt khác, các thiết bị điện gió thuộc loại siêu trường, siêu trọng nhập từ nước ngoài về cảng biển Việt Nam phải vận chuyển qua nhiều nơi, nhưng do nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên thời gian vận chuyển bị kéo dài so với kế hoạch. Do vậy, việc các dự án điện gió chậm thời gian hoàn thành phải được xem là tình huống bất khả kháng, áp dụng theo Bộ luật Dân sự năm 2015, phải kéo dài thời hạn mua điện đến tháng 4-2022.

Ông PHAN TẤN CẢNH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận:Điện mặt trời, điện gió thay cho điện hạt nhân

Sau khi Trung ương có chủ trương ngưng triển khai nhà máy điện hạt nhân thì Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-TTg ngày 31-8-2018 dành riêng cơ chế, đặc thù cho Ninh Thuận, trong đó có định hướng thành trung tâm năng lượng tái tạo cả nước (điện gió, điện mặt trời).

Từ đó, tỉnh ban hành nghị quyết, xác định lĩnh vực này là một trong 5 nhóm ngành trụ cột, đến năm 2025 sẽ đóng góp 22% tăng trưởng GDP của tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 53 dự án đạt công suất 3.400MW. Về hiệu quả kinh tế, khoảng 3 năm qua, ngành năng lượng đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, riêng nộp ngân sách là 1.880 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lĩnh vực này đang gặp khó khăn, việc đầu tư chững lại, năm nay không có dự án nào triển khai. Tỉnh rất mong muốn Trung ương tháo gỡ khó khăn cho những dự án đã thi công hoàn thành nhưng không bán được điện; đồng thời sớm có quy định mới về giá điện để các dự án đã có chủ trương tiến hành đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà.

62 dự án chưa bán được điện

Ngày 21-7-2022, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Văn bản 126/BC-BCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: Hiện vẫn còn nhiều dự án/phần dự án điện gió đã triển khai trên thực tế nhưng không kịp thời hạn được hưởng giá FIT (giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên điện lưới), trong đó có 62 dự án điện gió, tổng công suất 3.479MW đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhưng chưa có giá bán điện, một số dự án khác cũng triển khai dở dang.

Đề xuất giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, để tránh lãng phí đầu tư xã hội, cần thiết phải xác định cơ chế về giá điện cho các dự án này. Nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công thương ban hành.

Mới đây, ngày 3-10, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 15/TT-BCT quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Văn bản yêu cầu, các chủ đầu tư nhà máy điện này đã ký hợp đồng mua bán điện nhưng chưa được mua điện nộp hồ sơ về EVN để xử lý…


LẠC PHONG

Các tin khác