“Dại gái” và vượt qua tai nạn
Mạc Can là con người đa năng. Trước khi viết văn ông làm xiếc ảo thuật, đóng phim, đóng kịch, diễn hài, ký giả tự do. Khi đã thành công với văn chương ông vẫn tiếp tục với nghề diễn để mưu sinh và thỏa mãn niềm đam mê. Ở giữa tuổi thất tuần Mạc Can sống một mình trong căn nhà trọ nhỏ vừa đủ để cái giường ngủ, giá sách và bàn làm việc. Ông sống cô đơn, không gia đình, không người thân, nhưng lại giao du rộng rãi với đồng nghiệp văn nghệ nên được nhiều người yêu quý.
Đầu tháng 9-2019, giới văn nghệ sĩ bất ngờ hay tin Mạc Can lâm nạn. Ông bị tai nạn giao thông phải nhập viện, bác sĩ phát hiện xuất huyết dạ dày hơi nặng. Trong hơn 2 tháng điều dưỡng ông nhận được sự quan tâm ủng hộ của nhiều bạn bè văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, các cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp của TPHCM. Ra viện, vừa có thể đi xe máy trở lại, ông liền chạy tới địa chỉ quen thuộc cà phê Văn Nghệ trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3 để gặp đồng nghiệp.
Ở tuổi thất tuần, nhà văn Mạc Can vẫn cặm cụi viết.
Thoáng thấy bóng dáng Mạc Can, mọi người cùng ồ lên chúc mừng ông tai qua nạn khỏi. Mạc Can cho biết mình đã khỏe trở lại, có thể tự đi xe máy, nhưng ăn uống còn khó khăn. Ông nói hài rằng, nếu có cô gái nào trẻ đẹp ở bên cạnh chăm sóc chắc chắn bệnh tình sẽ nhanh qua khỏi. Mạc Can nổi tiếng “dại gái” chẳng kém làm xiếc, đóng phim hay viết văn. Có điều ông diễn hay viết thì tiền vào túi, còn mê gái có lúc trong túi chẳng còn một xu. Mạc Can bảo rằng mình có thể kiêng nhiều thứ nhưng riêng chuyện mê phụ nữ thì “đánh chết cái nết chẳng chừa”.
Mỗi vai diễn một niềm vui
Mỗi vai diễn một niềm vui
Nhà văn - nghệ sĩ Mạc Can tên thật Lê Trung Can sinh năm 1945 trên chiếc xuồng neo dòng sông Bảo Định ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Cha ông là ảo thuật gia Lê Văn Quý, còn mẹ là Mạc Thị Hào, một phụ nữ miệt vườn chơn chất. Tuổi thơ ông gắn liền với chiếc xuồng lưu diễn mưu sinh, cho tới khi người cha giang hồ phiêu bạt mất hút chân trời nào đó. Các anh em ông sống nương tựa vào mẹ và nghệ danh Mạc Can bắt đầu xuất hiện khi gia đình lưu lạc lên định cư ở Sài Gòn.
Từ nhỏ phải chèo xuồng lưu diễn nên Mạc Can không có cơ hội đến trường. Ông nhờ cha chỉ dạy và tự học là chính. Vào một mùa mưa dài lê thê không thể biểu diễn, tình cờ Mạc Can quen một họa sĩ và được ông ta kêu tới nhà phụ vẽ để được học chữ. Nhà có rất nhiều sách, họa sĩ lấy đại trên giá cuốn Don Quichotte và cối xay gió mở ra chỉ cho Mạc Can cách đọc. Nhờ thông minh, Mạc Can nhanh thuộc mặt chữ, đọc tới đâu hiểu tới đó, rồi tiếp tục đọc các cuốn sách văn học khác, như Thằng gù nhà thờ Đức bà Paris, Những người khốn khổ… Khi gia đình chuyển lên Sài Gòn, ngoài những cuốn sách mua được hay đi thuê nhờ dành dụm tiền ăn sáng, còn lại chủ yếu Mạc Can đến các nhà sách đọc “cọp”. Mê sách, ngộ chữ. Đó cũng là ngọn lửa cảm ứng âm thầm cháy trong huyết quản Mạc Can để sau này ông bước vào nghề văn.
Đối với nghề diễn viên, Mạc Can từng tham gia đóng mấy mươi bộ phim, như Ván bài lật ngửa, Người đẹp Tây Đô, Xích lô, Đất phương Nam, Đất khách, Dưới cờ đại nghĩa, Vó ngựa trời Nam, Áo lụa Hà Đông, Khi đàn ông có bầu... và bộ phim nhiều tập Cổ tích Việt Nam cho thiếu nhi. Dù ông đạt kỷ lục về đóng vai phụ trong phim nhưng ít dấu ấn xuất sắc, đến nay cũng chẳng được phong tặng giải thưởng hay danh hiệu gì đáng kể. Tuy nhiên, chất hài ánh trên gương mặt của Mạc Can là “bảo bối” giúp ông dễ có vai diễn và neo lại trong lòng người xem.
Chính trải nghiệm qua bao thăng trầm, Mạc Can hiểu sâu sắc sự phù phiếm hư danh của nghiệp diễn, càng về sau ông càng nhập vai tự nhiên như ngoài đời thực, không khiên cưỡng giả tạo. Mỗi bộ phim ông xuất hiện là một niềm vui cho khán giả. Nhờ đó Mạc Can ngày càng được nhiều người thích phim yêu mến, nhất là các bạn thiếu nhi mê cổ tích và xiếc ảo thuật từ phố đến làng quê xa xôi.
Tài sản tinh thần lớn nhất
Tài sản tinh thần lớn nhất
Nhờ vốn sống của một nghệ sĩ lang bạt kỳ hồ vất vả gian truân, Mạc Can đã hồi tưởng, ghi chép, sáng tác nên hàng chục tác phẩm được xuất bản và bạn đọc nồng nhiệt đón nhận. Khởi đầu với tiểu thuyết tự truyện Tấm ván phóng dao, ông nhanh chóng gặt hái thành công bằng nhiều tác phẩm khác. Về truyện ngắn, nhà văn Mạc Can có các tập Món nợ kịch trường, Tờ 100 đôla âm phủ, Cuộc hành lễ buổi sáng, Người nói tiếng bồ câu, Ba... ngàn lẻ một đêm, Nhớ. Ngoài ra ông còn có tập Tạp bút Mạc Can và 4 tiểu thuyết Tấm ván phóng dao, Phóng viên mồ côi, Những bầy mèo vô sinh, Quỷ với bụt và thần chết. Vốn sống ngồn ngộn chi tiết kỳ lạ, văn phong giản dị, cách dựng truyện kỳ khu, tác phẩm của Mạc Can có sức hấp dẫn riêng của một cây bút rặt Nam bộ với ngôn phong riêng biệt.
Nổi bật nhất trong số tác phẩm đó của nhà văn Mạc Can là tiểu thuyết mang tính tự truyện Tấm ván phóng dao, được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng về cuộc thi tiểu thuyết năm 2005. Mới đây Tấm ván phóng dao là 1 trong 2 tác phẩm của ông được NXB Trẻ tái bản. Nhà văn Mạc Can xem cuốn sách này như món quà tặng cho cô em gái bất hạnh từ nhỏ phải theo nghề diễn nguy hiểm để kiếm sống: đứng làm nhân vật cho trò phóng dao xung quanh thân thể để mua vui cho người xem, mà những tiếng khóc sợ hãi của cô em ám ảnh mãi ông về sau. Đồng thời, tiểu thuyết Tấm ván phóng dao còn là “bùa hộ mệnh” cho Mạc Can, đưa ông chính thức bước vào làng văn, mang lại cho ông nguồn thu nhập lớn nuôi sống và cùng ông chu du từ Đông sang Tây quả địa cầu.
Từ 200 bản in xuất bản lần đầu, sau nhiều lần tái bản, Tấm ván phóng dao đã lên hàng chục ngàn bản đến tay bạn đọc. Đó cũng là niềm hạnh phúc cho nghệ sĩ già nhà văn trẻ chuyên gây cười Mạc Can. Và dù bây giờ ở giữa tuổi thất tuần Mạc Can vẫn lặng lẽ cặm cụi viết để mưu sinh. Nhưng có lẽ tiểu thuyết Tấm ván phóng dao mãi mãi sẽ là tài sản tinh thần lớn nhất trong suốt cuộc đời tài hoa lận đận của ông.
Chính trải nghiệm qua bao thăng trầm, Mạc Can hiểu sâu sắc sự phù phiếm hư danh của nghiệp diễn, càng về sau ông càng nhập vai tự nhiên như ngoài đời thực, không khiên cưỡng giả tạo. |