Đợt hàng Tết Giáp Thìn 2024 thời tiết gặp không ít bất lợi, thị trường cũng dự báo không nhiều khả quan, nhưng nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa các nông hộ trong việc chia sẻ thị trường, mai vàng Bình Lợi tiếp tục đồng hành cùng các bạn hàng truyền thống mang lại mùa xuân ấm áp đến khắp mọi miền.
Mai vàng hợp lực
Những ngày cận Tết, gia đình anh Dương Đức Xuyên, ấp 3, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM tất bật cắt tỉa lá, chăm cây, bó rễ và vào chậu cho cây mai để xuất đi các tỉnh phía Bắc. Không khí vui vẻ hơn khi có sự tham gia của nhiều nông hộ lân cận sang hỗ trợ gia đình anh chuẩn bị đơn hàng xuất sớm.
Gia đình anh Xuyên thuộc một trong những cụm nông hộ đầu tiên chuyển đổi cây trồng lúa, mía để khởi xướng nghề trồng mai và có công hình thành làng mai lớn nhất TP này. Riêng anh Xuyên từ 2.600m2 đất được cha mẹ cho để khởi nghiệp, sau 20 năm nhờ bàn tay vun đắp, đến nay đã phát triển thêm hơn 16ha diện tích mai vàng, trở thành một trong những vườn mai lớn nhất tại khu vực này.
Từ ngày vùng mai Bình Lợi hình thành, cây mai vàng không chỉ mang lại cuộc sống sung túc, đủ đầy cho nhiều người dân bản địa mà kể cả những hộ từ những địa phương lân cận sang khởi nghiệp trên mảnh đất Bình Lợi những năm gần đây cũng có cuộc sống khấm khá hơn.
Anh Xuyên chia sẻ, mỗi cây mai vàng được xuất đi không chỉ mang dấu ấn của chủ vườn mà đó còn là truyền thống, sự chung tay vun đắp, sẻ chia của cộng đồng nhà vườn Bình Lợi. Ngoài sự hỗ trợ về chuyên môn của chính quyền, hội nông dân địa phương, người trồng mai Bình Lợi thường xuyên tương tác về thị trường, hỗ trợ lẫn nhau về nguồn lực tài chính để cùng nhau phát triển.
Anh Xuyên cho biết: "Lúc đầu mới lập nghiệp không có nguồn vay vốn, chưa tiếp cận được ngân hàng thì tôi phải đi vay mượn và được bà con giúp. Lúc đó mọi thứ đều thuê mướn từ đất thuê rồi tới cả nhân công… Rồi trước nhu cầu thị trường cao hơn, cây đẹp mới bán được, tôi phải đi học hỏi và được chỉ dạy từ các anh, các chú".
Đam mê cây mai vàng từ thời niên thiếu, bén duyên với nghề mai ghép, để trở thành một nhà vườn chuyên nghiệp diện tích 3ha với hàng ngàn cây mai lớn nhỏ, anh nông dân Thái Trạch Học, ấp 3, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh đã được sự giúp đỡ của nhiều nhà vườn khác từ làng mai Bình Lợi. Đến với làng mai Bình Lợi những năm gần đây không còn cảnh mạnh ai nấy làm, nấy sản xuất ồ ạt, thay vào đó là sự hợp lực, liên kết và sẻ chia từ cộng đồng nông hộ đã và đang giúp chất lượng sản phẩm mai vàng thương hiệu Bình Lợi ngày càng nâng cao, lan tỏa và luôn có nhiều đơn hàng ổn định mỗi dịp xuân về.
Nông dân Thái Trạch Học thường xuyên cùng người trồng mai Bình Lợi tương tác về thị trường, hỗ trợ lẫn nhau về nhân lực, nguồn lực cùng vươn lên. (Ảnh Nguyễn Quang)
Anh Học phấn khởi: "Mấy năm nay bà con đều hỗ trợ lẫn nhau, ngay từ nguyên vật liệu cho tới nguồn sản xuất… kể cả chia sẻ cho nhau mối hàng đầu ra. Đối với sản phẩm mai thì đa dạng khi khách hàng tới loại nào mình không có thì trong hội nhóm nhà vườn hỗ trợ. Nhà vườn liên kết với nhau, nên khách, thương lái đến làng mai Bình Lợi khi tìm các mặt hàng đều có hết"
Bình Lợi đậm bản sắc mới
Diện tích Làng mai Bình Lợi, Bình Chánh, TP.HCM hiện đã phát triển quy mô rất lớn, trên 520ha với hàng trăm nông hộ, nhà vườn, trở thành vùng trồng mai vàng lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ở khu vực phía Nam, nhiều tỉnh thành lân cận như Long An, Bình Dương, Tiền Giang… diện tích sản lượng mai vàng cũng tăng mạnh những năm gần đây. Các vùng trồng mai trong đó có Bình Lợi đang đối diện với bài toán lớn khi cung vượt cầu. Đặc biệt thị trường, sức mua đang thu hẹp, ở mức rất thấp dẫn đến sự cạnh tranh thị trường đầu ra, giá cả trở nên gay gắt.
Theo bà Phan Thị Thanh Công, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM, dù đối diện với nhiều khó khăn xong mai vàng thương hiệu Bình Lợi hiện vẫn có lượng bạn hàng ổn định. Nhiều nhà vườn duy trì ổn định đơn hàng truyền thống nhờ sự tương tác lâu năm. Theo bà Công, sự gắn kết giữa các nhà vườn cũng như vai trò của HTX mai vàng Bình Lợi đang góp phần tạo sự ổn định của thị trường, mang lại thu nhập, cuộc sống ổn định cho nông dân.
Làng mai Bình Lợi, những năm gần đây không còn cảnh mạnh ai nấy làm mà đã có sự liên kết và sẻ chia từ các nông hộ (Ảnh Nguyễn Quang)
"Ngoài thực lực của nông dân và công tác quảng bá của hội cũng như kêu gọi hỗ trợ về đầu ra, thì nhà vườn, thành viên HTX mai vàng Bình Lợi cũng chung tay với hội nông dân tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng chính vẫn là từ nhu cầu thị trường, nét đặc trưng là cộng đồng nhà vườn đã tạo được điểm nhấn chung cho làng mai Bình Lợi" - bà Công cho biết.
Ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM, thương hiệu mai vàng nay còn gắn liền những giống mai đột biến, mai siêu bông, mai bonsai đặc biệt chỉ có ở địa phương. Nét riêng này đang là thế mạnh để giữ bạn hàng, giúp nhà vườn có thu nhập ổn định không chỉ cao điểm mỗi dịp Tết, mà hoạt động du lịch sinh thái, ăn uống nghỉ dưỡng gắn với mô hình làng nghề trồng mai, nuôi cá koi xuất khẩu đang được đẩy mạnh để tiếp tục tạo sinh kế ổn định quanh năm cho nông dân. Những hoạt động này được kỳ vọng tạo nên bản sắc mới cho làng mai Bình Lợi trong tương lai.
Thương hiệu mai vàng Bình Lợi gắn liền những giống mai độc, lạ chỉ có ở địa phương. (Ảnh Nguyễn Quang)
Ông Nguyễn Phạm Minh Giảng, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết: "Hiện nay UBND huyện Bình Chánh đã có đề án phát triển du lịch sinh thái trong đó lựa chọn du lịch gắn với cây mai vàng để giúp ngành nông nghiệp có hướng phát triển thêm những góc độ phát triển khác nữa. Huyện Bình Chánh đang thực hiện, cũng như đề xuất thêm các đề án con chi tiết hơn nhằm tạo ra những điểm đến du lịch gắn với sản phẩm cây mai".
Khó khăn chung của tình hình kinh tế khiến thị trường mai vàng dịp Tết cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Trong khi nhiều nhà vườn khắp nơi đang tìm cách "xổ" hàng, thoát ế, thì nhà vườn ở Bình Lợi, Bình Chánh vẫn đang nỗ lực tạo sự ổn định cho thị trường cây mai bằng sự đồng lòng chung tay kết nối chặt hơn sợi dây liên kết trong tiêu thụ, san sẻ một phần thị trường, để cùng nhau vượt khó mang mùa xuân phương Nam đến khắp mọi miền.