Mạch máu đồng bằng
Giao thông là mạch máu, điều kiện vật chất và là yếu tố tạo ra không gian thông suốt để thực thi liên kết nội vùng, liên vùng. Phát triển hạ tầng giao thông là 1 trong 3 khâu đột phá của ĐBSCL được tập trung đầu tư.
Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, hàng hải và hàng không, các trục dọc huyết mạch, đường ngang, đường vành đai ven biển phía Đông và phía Tây, các trục mới Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, tuyến N1, N2, các đoạn tuyến cao tốc được đầu tư mới. Rồi những cây cầu vượt sông lớn như Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống, Cao Lãnh, Đầm Cùng, Năm Căn, như những chiếc đũa vàng nối đôi bờ sông xanh… là những mảng sáng đáng ghi nhận trong bức tranh giao thông vùng đất Chín Rồng.
Cùng với đó, các công trình xây dựng mới như sân bay quốc tế Phú Quốc, nâng cấp sân bay quốc tế Cần Thơ, đầu tư các cảng biển trong cụm Cảng biển 6… tạo ra diện mạo mới.
Đặc biệt từ cuối năm 2020 đến nay, liên tục những tin vui liên quan việc quy hoạch, ban hành kế hoạch trung và dài hạn, quyết định chủ trương đầu tư, bố trí vốn, khởi công và chạy nước rút các công trình giao thông trọng điểm ở miền Tây.
Đó là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận về đích, khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và hướng đến mục tiêu hoàn thành 830km đường cao tốc vào năm 2025. Theo quy hoạch vùng, hệ thống đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề (Sóc Trăng) khoảng 400km, sẽ được ưu tiên đầu tư giai đoạn đến 2025 để tạo ra trục xương sống cao tốc mới.
Nhìn từ các quy hoạch đường bộ, đường thủy, hàng hải, hàng không của cả nước, tích hợp với quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL từ bản quy hoạch cấp vùng đầu tiên theo Luật Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cho thấy mảng sáng giao thông vùng càng rõ ràng hơn.
Nối thông mạch máu đồng bằng là các công trình cầu mới vượt sông: Mỹ Thuận 2, Rạch Miễu 2, cầu Châu Đốc - chiếc cầu thứ 3 nối đôi bờ sông Hậu. Tiếp đến sẽ khởi công cầu Đình Khao nối Vĩnh Long - Bến Tre. Theo quy hoạch, sắp tới tuyến đường sắt TPHCM-Cần Thơ được đầu tư, khi đưa vào khai thác sẽ là sự kiện lịch sử, kết nối 2 nút kép phát triển liên vùng, góp phần quan trọng giải quyết bài toán giao thông cho các tỉnh miền Tây và TPHCM, tạo liên hoàn với các phương thức giao thông khác, là mạch nối mới để phát triển kinh tế liên vùng ĐBSCL - TPHCM và miền Đông Nam bộ.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể giao thông vùng này, nút thắt lớn là thiếu vốn, thi công chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ, thiếu kết nối khiến mạch máu giao thông vận tải của vùng chưa thông suốt. Tình trạng đường chờ cầu nâng tải trọng, cảng chờ luồng thôi ách tắc, đường thủy vướng tĩnh không cầu vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi.
Vẫn đang tồn tại những “cổ chai” trên tuyến huyết mạch giao thông đường bộ như Quốc lộ 1 đoạn TPHCM - Cần Thơ, nút thắt trên tuyến phía Đông khi cầu Rạch Miễu thường xảy ra tắc nghẽn. Các tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau vẫn còn những vùng nguyên liệu nông sản trong tình trạng “khuất nẻo”…
Cung đường rộng mở, cầu lớn tiếp tục vượt sông
Giai đoạn 2021-2030, Chính phủ quyết tâm tập trung đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu cho khu vực ĐBSCL. Trong đó, theo kế hoạch 2021-2025, Bộ GTVT xác định tập trung vào các tuyến giao thông mang tính chất đột phá của vùng với 7 tuyến đường bộ cao tốc.
5 năm tới ưu tiên phát triển các trục giao thông xương sống Bắc Nam, tuyến ven biển, các trục ngang kết nối vùng, liên vùng, tạo ra các hành lang kinh tế để mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất mới để xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại, các khu công nghiệp, khu dân cư xung quanh, tạo thành động lực phát triển mới.
Theo đó, hình thành tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông và phía Tây cùng với 3 tuyến cao tốc khu vực phía Nam (Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), với tổng chiều dài khoảng 998km. Kết nối và phát huy hiệu quả các công trình trọng điểm mới, hoàn thành các cầu Mỹ Thuận 2, Rạch Miễu 2, Châu Đốc, Đình Khao, Đại Ngãi; cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu…
Kỳ vọng về diện mạo mới cho giao thông miền Tây, nhưng cần nhận diện và vượt qua các thách thức, vừa giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn vừa có cách tiếp cận mới. Việc phát triển giao thông phải gắn liền với yêu cầu phát triển hạ tầng logistics, kết nối với các công trình đầu tư phát triển khác của vùng và các địa phương.
Cần xác định quan điểm phát triển rõ ràng, tư duy hệ thống, đảm bảo yêu cầu tích hợp trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch, không cục bộ địa phương. Cần sắp xếp không gian và nguồn lực đầu tư phù hợp với yêu cầu phối hợp đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình.
Theo đó, cần ưu tiên: (1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách hấp dẫn, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải và dịch vụ logistics. (2) Khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ mới vào ngành, nhất là công nghệ thông tin, tự động hóa, số hóa, giao thông thông minh. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành thúc đẩy chuyển đổi số. (3) Cần chương trình tín dụng đầu tư phát triển ngành, xem như chính sách hỗ trợ phát triển chứ không đơn thuần là cho vay thương mại để thu hút khu vực tư nhân bên cạnh nguồn lực công.
Xác định đúng nhu cầu bức xúc, nhận diện điểm nghẽn giao thông là quan trọng, nhưng quyết tâm và giải pháp khả thi để tháo điểm nghẽn, là mệnh lệnh phát triển. Phải tìm ra lời giải cho bài toán khó giao thông bằng huy động vốn đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên, đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình và kết nối các phương thức giao thông.
Đó cũng chính là việc khơi thông mạch máu giao thông miền Tây, tạo ra diện mạo mới cho bức tranh giao thông đất Chín Rồng giai đoạn mới.