Bán nhà xong “quên” luôn công viên
Khu dân cư An Sương, phường Tân Hưng Thuận, quận 12, có quy mô 66ha được triển khai gần 20 năm nay. Đến thời điểm này khu dân cư đã hình thành, đường sá rộng rãi, các căn nhà được xây dựng đồng bộ và người dân đã bắt đầu dọn về ở.
Tuy nhiên, phần đất làm công viên có diện tích 5ha vẫn để hoang hóa. Cách đây vài năm, một phần diện tích đất công viên được cho tư nhân thuê làm khu vui chơi cho trẻ em như đu quay, cầu trượt, xe điện… Nhưng hơn 2 năm qua toàn bộ khu vui chơi này bị dẹp bỏ, công viên trở thành nơi thả diều, tập lái xe ô tô. Hiện nay chủ đầu tư dùng lưới B40 rào xung quanh, bên trong cỏ mọc um tùm.
Nhiều dự án được xây dựng bán cho người dân vào ở nhưng chủ đầu tư vẫn chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh. Một số chủ đầu tư còn cố tình không đền bù giải tỏa phần đất công viên, hoặc chỉnh trang đất công viên thành đất khác. Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở xây dựng TPHCM |
Trao đổi với ĐTTC, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, cho biết dự án khu dân cư An Sương do Công ty Kinh doanh nhà TP làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này đã cổ phần hóa, việc triển khai hạng mục công viên chậm do gặp khó khăn. Quận sẽ đốc thúc để doanh nghiệp triển khai. Quan điểm của quận phần diện tích nào đã quy hoạch đất công viên không được chuyển mục đích.
Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở xây dựng TPHCM cho biết, tính đến cuối năm 2018, TPHCM có 491,16ha đất công viên (369 công viên, bao gồm các công viên công cộng và các công viên trong các dự án nhà ở, diện tích bình quân đạt 0,49m2/người, quy mô dân số 10 triệu người). Trong đó, diện tích công viên khu vực nội thành cũ (13 quận) là 273.13ha chiếm 55,6%, đạt bình quân 0,67m2/người; diện tích công viên khu vực quận mới (6 quận) là 172ha, chiếm 35% toàn TP, đạt bình quân 0,72m2/người. Khu vực ngoại thành (5 huyện) có 46ha công viên, chiếm tỷ lệ 9,4%, đạt bình quân 0,3m2/người.
Hiện trạng 5ha xây công viên của dự án khu dân cư 66ha An Sương, quận 12.
Số liệu trên cho thấy sự phân bố công viên trên địa bàn TP không đồng đều, các quận nội thành có diện tích công viên lớn hơn các quận huyện còn lại. Thậm chí các quận 12, 9, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh chưa có công viên công cộng nào. Đối với xây dựng mới công viên công cộng trong 7 năm chỉ tăng thêm 10,7ha. Việc chậm đầu tư xây dựng cũng ảnh hưởng đến đời sống của người dân nằm trong khu vực đất quy hoạch xây dựng công viên.
Đối với các khu nhà ở mới, số lượng công viên đã xây dựng bàn giao cho nhà nước quản lý rất hạn chế. Nhiều dự án được xây dựng bán cho người dân vào ở nhưng chủ đầu tư vẫn chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh. Một số chủ đầu tư còn cố tình không đền bù giải tỏa phần đất công viên, hoặc chỉnh trang đất công viên thành đất khác.
Thiếu chế tài chủ đầu tư
Thiếu chế tài chủ đầu tư
Theo các chuyên gia, công viên là phúc lợi của xã hội. Do đó Nhà nước phải ưu tiên ngân sách để đầu tư phát triển, duy trì hoạt động của công viên. Cùng với đó khuyến khích các tổ chức cá nhân xây dựng, cải tạo công viên và khai thác các dịch vụ công viên theo hình thức xã hội hóa.
Tuy nhiên, công tác này phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng mặt bằng công viên và các quy định về đầu tư, khai thác. Các loại hình đầu tư kinh doanh, khai thác trong công viên như bãi xe, dịch vụ… là những công trình phụ trợ. Việc lắp đặt các công trình này không được làm thay đổi chức năng chính của công viên. TP cần dành nguồn vốn mỗi năm 100-200 tỷ đồng cho việc phát triển công viên công cộng, đặt mục tiêu phát triển tối thiểu 10-20ha đất công viên công cộng…
TS. Võ Kim Cương, chuyên gia quy hoạch, cho biết thực trạng đáng buồn là nhiều công viên được quy hoạch ngay từ đồ án quy hoạch chung đầu tiên (còn gọi là quy hoạch Tổng mặt bằng) từ năm 1993, đến nay sau 26 năm vẫn chưa thực hiện được. Ngoài ra, nhiều công viên bị thu hẹp diện tích hoặc xóa xổ, như Công viên Đồng Diều, Công viên Rạch Bà Lào… Những bất cập trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch đã tạo nên những bất cập về chỉ tiêu cây xanh và chỉ tiêu thụ hưởng cây xanh của người dân TP.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2, cho biết bên cạnh những doanh nghiệp làm rất tốt, cũng có nhiều dự án trên địa bàn quận chủ đầu tư không quan tâm đầu tư công viên như quy hoạch. Nhưng hiện nay chưa có chế tài đủ mạnh để hạn chế những chủ đầu tư nói trên.
Hầu hết công viên sau khi nghiệm thu phải bàn giao cho cơ quan chức năng quản lý, người dân nào cũng có thể thụ hưởng, không phải dành riêng cho cư dân của dự án. Tuy nhiên, theo đại diện các chủ đầu tư, cũng cần có những quy định riêng chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo trật tự, cũng như bảo vệ mảng xanh cho dự án, tức đảm bảo quyền lợi của cư dân mua nhà tại dự án.