Ngành kinh tế quan trọng của đất nước
Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, cho rằng BĐS là 1 trong 21 ngành kinh tế chủ lực của đất nước khi đóng góp 13-14% vào GDP. Theo số liệu 2015-2022, thu từ đất là chiếm 13,1% tổng thu ngân sách nội địa. Theo ông Châu, thống kê như vậy chưa đầy đủ do phải tách phần xây dựng, nếu tính luôn phần xây dựng thì tỷ lệ đóng góp sẽ tăng cao hơn nữa.
Tuy nhiên, thời gian qua BĐS gặp rất nhiều khó khăn, dư nợ tín dụng tăng cao. Tới thời điểm này chỉ có BĐS công nghiệp là giữ đà tăng trưởng, các phân khúc khác đều rất khó khăn, hàng trăm dự án vướng mắc pháp lý không triển khai được.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, cho biết giai đoạn vừa qua cũng như thời gian sau dịch covid cho đến nay TP đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS và có nhiều dự án đã được khơi thông. Hiện nay thị trường BĐS đã chuyển qua giai đoạn phát triển tốt hơn.
Nhận định việc chấp hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn và những kiến nghị của TPHCM đối với Đoàn giám sát Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết các biện pháp quản lý và kiểm soát thị trường BĐS được tăng cường; các biện pháp và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến BĐS được cải thiện; các công cụ kiểm soát thị trường BĐS được áp dụng để điều chỉnh quy mô và phân phối của thị trường… Các giải pháp này đã phát huy hiệu quả và hiệu lực trong việc giải quyết các vấn đề, cải thiện tình hình quản lý thị trường BĐS.
Đối với phát triển nhà ở xã hội (NoXH), TPHCM đã ban hành chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở từng giai đoạn, đảm bảo triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án NoXH, phù hợp quy định pháp luật về nhà ở; ban hành quy định cụ thể và công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng và điều kiện được thuê, mua NoXH sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn.
Trong giai đoạn 2015-2023, TPHCM đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 24 dự án NoXH, với quy mô 18.708 căn hộ, tổng diện tích sàn 1,58 triệu m2, là nỗ lực rất lớn của chính quyền TP trong việc giải quyết nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở. Mặc dù kết quả đạt được tương đối khả quan, nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu rất lớn về noXH của nhóm đối tượng thu nhập thấp.
TPHCM cũng đã kiến nghị hàng loạt vấn đề. Đối với Quốc hội, do các luật (Luật Kinh doanh BĐS 2024, Luật Đất đai 2024…) đến nay chưa có hiệu lực thi hành và cần có thời gian tổ chức thực hiện để đánh giá, tổng kết những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế nên sẽ có kiến nghị sau với Quốc hội về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý thị trường BĐS.
Đối với Chính phủ, bộ ngành, cần tăng cường thực thi pháp luật về thị trường BĐS. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS thông qua việc hỗ trợ về vốn, hỗ trợ pháp lý và tạo điều kiện để họ hoạt động một cách minh bạch và bền vững. Thúc đẩy phát triển bền vững trong lĩnh vực BĐS bằng cách ưu tiên các dự án BĐS có tác động tích cực đến môi trường, đảm bảo các dự án xây dựng tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường, an toàn lao động.
Phải khơi thông thị trường BĐS
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, thời gian qua thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên với nhiều chính sách mới liên quan có hiệu lực từ ngày 1-8 hy vọng thị trường sẽ khởi sắc. Ông Nghị đánh giá cao những góp ý của TPHCM đối với các dự thảo luật, nghị định liên quan đến nhà ở trong thời gian qua để Bộ Xây dựng và Chính phủ hoàn thiện sát với thực tiễn.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, cho biết nhiều dự án nhà ở đang vướng mắc pháp lý trên địa bàn TPHCM có nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của TP thì cứ mạnh dạn tháo gỡ, vấn đề là tháo gỡ làm sao để không thất thoát tài sản của Nhà nước.
Phát biểu kết thúc buổi giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, nhận xét qua buổi làm việc, bên cạnh những kết quả đạt được cũng cho Đoàn giám sát thấy rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NoXH của TPHCM. Một số bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật và cũng có những bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NoXH. Đây là căn cứ quan trọng để Đoàn giám sát xây dựng, hoàn thiện báo cáo giám sát, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội, lưu ý TPHCM là đô thị đặc biệt, là động lực, đầu tàu, dẫn dắt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Cùng với nỗ lực của TPHCM, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, nghị quyết để phát triển TP. Cụ thể, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM Đồng thời, tại kỳ họp lần thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua luật sửa đổi một số điều Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng. Nhóm luật này có hiệu lực sớm hơn sẽ giúp tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc hiện nay trong đó có tháo gỡ cho thị trường BĐS.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị TPHCM khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành được giao trong các luật; tập trung thời gian, nhân lực, trí tuệ để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98; đồng thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường BĐS và NoXH. Đây là 2 lĩnh vực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.