Mạnh tay chống cờ bạc online

(ĐTTCO) - Việc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Phan Văn Vĩnh (nguyên Trung tướng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) để điều tra hành vi liên quan đến đường dây đánh bạc xuyên quốc gia, đã thực sự gây chấn động dư luận trong những ngày qua.

 Câu hỏi đặt ra vì sao cờ bạc online dễ dàng tồn tại và làm sao để ngăn chặn được vấn nạn này?

Tệ nạn nhức nhối
Vấn đề cờ bạc online không hề mới, thậm chí đã được cảnh báo từ lâu. Những năm qua hàng loạt vụ cờ bạc, cá độ trực tuyến từ vài chục tỷ đồng đến hàng ngàn tỷ đồng bị phát giác, triệt phá trên cả nước. Thế nhưng khi vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố” được công bố, dư luận mới giật mình vì tính quy mô, số tiền thanh khoản và lượng người tham gia quá lớn.
Quan trọng hơn, hệ thống cờ bạc online này được các cán bộ công an ở Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) tiếp tay bảo kê, trực tiếp là ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng C50. Cao hơn nữa là ông Phan Văn Vĩnh, bị khởi tố về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự. Công an tỉnh Phú Thọ xác định ông Phan Văn Vĩnh trong thời gian đương nhiệm Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, có dấu hiệu “bật đèn xanh”, “tiếp tay” cho đường dây đánh bạc ngàn tỷ đồng xuyên quốc gia hoạt động do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu.
Mạnh tay chống cờ bạc online ảnh 1 Ảnh minh họa.
Sau khi Bộ Công an công bố thông tin vụ án trên, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (PTTH-TTĐT) của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), cho biết đã dừng cấp phép game sử dụng lá bài và mô phỏng các trò chơi giống sòng bạc từ nhiều năm nay. Trước đây, Cục PPTTH-TTĐT có cấp phép cho 2 cổng game là Ongame của VDC và Zingplay của VNG. Trong 2 cổng game này có nhiều game và một số game bài đến nay vẫn hoạt động.  Sau 2 cổng game nói trên, Bộ TT-TT đã dừng cấp phép tất cả các thể loại game bài. Vì vậy, việc phát hành, kinh doanh các loại hình game đánh bài chưa được cấp phép là hành vi vi phạm pháp luật. 
Ngoài ra, tháng 5-2016, Cục PTTH-TTĐT đã có văn bản gửi Google và Apple đề nghị hợp tác, hạn chế tối đa người chơi Việt Nam tải các trò chơi sử dụng lá bài, mô phỏng trò chơi trong các sòng bạc được cung cấp trên kho ứng dụng của các công ty này. Bởi đây là những trò chơi chưa được cấp quyết định phê duyệt nội dung kịch bản theo quy định của pháp luật Việt Nam về trò chơi điện tử trên mạng, có yếu tố kinh doanh bài bạc bất hợp pháp, ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa và đạo đức xã hội.
Cần quy rõ trách nhiệm
Khi vụ án trên được công bố, vấn đề trách nhiệm của các nhà mạng di động, cũng như những cơ quan chức năng trong việc quản lý thẻ cào viễn thông và các cổng thanh toán trung gian được dư luận quan tâm, soi xét. Bởi theo cơ quan công an, hoạt động tổ chức đánh bạc qua game bài khó có thể thực hiện được với quy mô lớn như Rikvip, nếu không có các cổng trung gian thanh toán và các loại thẻ cào. 
Thế nhưng, nhiều chuyên gia viễn thông cho rằng, việc sử dụng thẻ cào viễn thông vào nhiều mục đích khác nhau, cũng như sự hình thành các cổng hỗ trợ thanh toán trung gian, là xu thế chung của thế giới. Đó là nền tảng để thương mại điện tử và các dịch vụ số hình thành, phát triển. Các hình thức thanh toán này mang lại rất nhiều tiện ích cho các bên tham gia. Vì vậy, không thể đánh đồng những dịch vụ tốt, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng với những hoạt động vi phạm pháp luật. Quan trọng hơn, trong vụ án nói trên, tất cả game cờ bạc đó đều không được cấp phép, hoạt động xuyên quốc gia, nhưng lại được một số cán bộ C50 - cơ quan có trách nhiệm chống tội phạm công nghệ cao - tiếp tay, bảo kê. Bởi lẽ đây chính là những người có trách nhiệm cao nhất trong phát hiện, xử lý, ngăn chặn các loại hình dịch vụ, tệ nạn phi pháp này, chứ không thể đổ hết trách nhiệm cho dịch vụ thẻ cào viễn thông hay các kênh hỗ trợ thanh toán trung gian. 
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra (Bộ TT-TT), cho biết bộ đã nghiên cứu và sẽ có đề xuất giải pháp ngăn chặn kênh thanh toán cho các dịch vụ bất hợp pháp; thanh toán qua ngân hàng hoặc bằng thẻ cào điện thoại một cách khoa học nhất. Việc ngăn chặn kênh thanh toán cho các dịch vụ bất hợp pháp bao gồm dịch vụ game lậu, game cờ bạc hoặc dịch vụ vi phạm bản quyền trên môi trường số. Đó là tín hiệu tốt để có thể từng bước ngăn chặn các loại game lậu, cờ bạc phi pháp trên mạng. Thế nhưng, một giải pháp ngăn chặn nguồn thanh toán cho các dịch vụ bất hợp pháp trên môi trường số, mạng internet sẽ khó thành hiện thực, hiệu quả khi không có sự hợp tác, đồng tâm của các bên liên quan, từ Bộ TT-TT, nhà mạng viễn thông, ngân hàng và nhất là Bộ Công an.
 Cơ quan công an cho rằng hoạt động đánh bạc online phi pháp này diễn ra do thiếu hành lang pháp lý chặt chẽ, Ngân hàng Nhà nước không quản lý được các cổng trung gian thanh toán một cách chặt chẽ, còn Bộ TT-TT không quản lý hoạt động thanh toán bằng thẻ cào. 


Các tin khác