Mạo hiểm có kiểm soát

(ĐTTCO) - Nói đến việc giải ngân của các NĐT, người ta thường nghĩ đến xu hướng mua vào blue chip, nắm giữ dài hạn thay vì chạy theo những CP biến động mạnh mang tính “thị trường”. Nhưng xu thế phân hóa của thị trường trong 3 năm qua đã khiến các quỹ đứng trước áp lực thay đổi.

(ĐTTCO) - Nói đến việc giải ngân của các NĐT, người ta thường nghĩ đến xu hướng mua vào blue chip, nắm giữ dài hạn thay vì chạy theo những CP biến động mạnh mang tính “thị trường”. Nhưng xu thế phân hóa của thị trường trong 3 năm qua đã khiến các quỹ đứng trước áp lực thay đổi.

Blue chip cũng rủi ro

Từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 năm ngoái, VNM đã có một đợt tăng mạnh từ hơn 10.0 lên 14.0, nghĩa là suất sinh lời của CP được xem tốt nhất thị trường, đạt khoảng 40%/tháng, vượt ra rất nhiều mặt hàng đầu cơ khác. Nhưng sau khi tạo đỉnh 14.0, VNM lại trải qua 2 tháng điều chỉnh mạnh và phải đến gần cuối tháng 1 năm nay mới tạo đáy ở mức 11.5, nghĩa là giảm khoảng 18%. Những con số này chỉ ra rằng, trong ngắn hạn biến động của VNM, vốn là blue chip, cũng “bốc” không kém, thậm chí hơn cả hàng đầu cơ, đi kèm là một số rủi ro. Tháng 4 này, VNM đã quay trở lại và vượt mốc 14.0, nhưng thử đặt vấn đề nếu có một quỹ nào đó “lỡ” ôm VNM với giá 14.0 rồi 13.0 trong giai đoạn điều chỉnh thì dù đây là CP tốt đi nữa liệu có “gan” để chờ VNM tăng lại hay không?

Các quỹ muốn có lãi, tất nhiên sẽ phải “vận động” nhiều hơn trong việc tìm kiếm CP “bắt sóng”, “bắt đáy” và “canh đỉnh” để chốt. Năng động nghĩa là chấp nhận mạo hiểm nhưng kiểm soát được rủi ro, điều này khác với việc dài hạn, bài bản nhưng đôi khi lại bộc lộ sự thụ động.

CP tốt tăng giá trong dài hạn là điều ai cũng có thể nói, nhưng có dám giữ hay không lại là chuyện khác khi mà trong ngắn hạn thua lỗ hiển hiện trước mắt. Một số quỹ có chế độ tự động cắt lỗ khi CP giảm trong khoảng 10-15%. Và nói như vị lãnh đạo của một quỹ lớn có nhiều năm kinh nghiệm trên TTCK Việt Nam, ông rất buồn khi mỗi lần thấy VNM “được giá” lại tiến hành thoái vốn, nhưng thoái xong giá CP lại tiếp tục tăng.

 Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư VinaCapital (VNC), cho biết: “Năm rồi quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) gặp khó khăn ở 2 ngành, là dầu khí và ngân hàng (NH). May mắn là chúng tôi tham gia CP dầu khí ít hơn các lĩnh vực khác nên cũng giảm thiểu phần nào khó khăn. Một khoảng thời gian trong năm 2015, CP NH tăng giá rất mạnh, nhưng sau đó cũng điều chỉnh mạnh không kém. VOF nói riêng và các quỹ do VNC quản lý nói chung thường chú trọng đến các yếu tố cơ bản khi đầu tư. Nhưng sự đảo chiều của CP NH diễn ra quá nhanh trong khi quy mô của VOF là khá lớn nên không thể chạy theo được. Chiến lược đầu tư của VOF không phải thấy CP vừa tăng mua vào sau đó giảm lại bán ra trong ngắn hạn”.

Từ chia sẻ của ông Andy Ho, có thể thấy không chỉ khi blue chip giảm mới tạo ra rủi ro mà ngay cả khi tăng cũng như vậy. Khi blue chip tăng giá, nếu quỹ không mua vào khả năng có lãi theo thị trường sẽ bị ảnh hưởng, rất dễ bị NĐT chất vấn, trong khi mua theo sóng có thể lãi lớn nhưng ngắn hạn rủi ro lại không hề nhỏ.

Linh hoạt thay đổi theo thị trường

Những ngày gần đây, HSG là một trong những CP “hút hàng” nhất thị trường khi có 3 phiên tăng (trong đó có 2 phiên tăng trần) để từ mức 3.7 lên hơn 4.2. HSG hiện có vốn điều lệ (VĐL) hơn 1.310 tỷ đồng và với mức giá đóng cửa phiên 22-4 vừa qua 42.400 đồng/CP, vốn hóa của CP này đạt khoảng 5.555 tỷ đồng. Dù rằng VĐL và vốn hóa của HSG cũng chưa lọt vào top 10 của thị trường, nhưng CP này lại đang được nhiều quỹ nắm giữ và những quỹ này rõ ràng đã lãi rất lớn khi HSG tăng trong đợt sóng của ngành thép. Đáng chú ý, nếu theo dõi tỷ lệ sở hữu của các quỹ nắm HSG sẽ thấy có quỹ chỉ nắm dưới 5%, nghĩa là không phải cổ đông lớn, không chịu ràng buộc về mặt công bố thông tin khi giao dịch, khi cần có thể bán một cách rất nhanh chóng. Điều này cho thấy hiện nay các quỹ không chỉ dồn quá nhiều tiền vào những CP trong top 10, mà bắt đầu lan rộng hơn thành top 20 hoặc 50. Các yếu tố như vốn hóa, VĐL cũng trở nên linh động hơn, chỉ cần công ty có VĐL đủ lớn, chẳng hạn từ 1.000 tỷ đồng trở lên chứ không cần đến hàng chục ngàn tỷ đồng, rồi thanh khoản có thể từ vài trăm ngàn CP thay vì yêu cầu lên đến hàng triệu. Thậm chí, một số quỹ sẵn sàng “ôm” hàng trước lúc CP có thanh khoản chưa cao chờ đến ngày nổi sóng.

Nói đến đây sẽ thấy mấu chốt của vấn đề không nằm ở chuyện quy mô lớn nên quỹ khó giải ngân, mà nguyên nhân đến từ chiến lược đầu tư và quan điểm về rủi ro. Thí dụ: một CP kém thanh khoản, trong 3 năm không có tính thị trường nhưng có thể tăng giá 60%, tuy nhiên thời điểm tăng giá chỉ diễn ra trong nửa năm cuối cùng. Nếu một quỹ ôm vào CP này coi như có khoảng 80% thời gian… buồn ngủ vì CP cứ đi ngang. Trong khi đó, một CP khác cũng tăng giá trong 3 năm mỗi năm tăng 20% nhưng có sóng lên, xuống đều đặn, xem chừng lại tạo ra nhiều sự thú vị hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn các nhà quản lý quỹ sẽ phải đối mặt với bao nhiêu áp lực khi CP mình nắm giữ không tăng, trong khi CP khác lại nhảy múa. Cho dù không chịu áp lực từ phía NĐT thì áp lực từ chính bản thân cũng không hề nhỏ. Không thể phủ nhận việc giải ngân theo sóng có những rủi ro, song việc chấp nhận đối mặt với rủi ro và  thậm chí khi sai chấp nhận sửa sai lại biểu hiện cho bản lĩnh của các quỹ và hơn hết là phù hợp với xu hướng của thị trường.

Thẳng thắn mà nói, mục tiêu cuối cùng của đầu tư là lợi nhuận, sự chuyên nghiệp hay các chiến lược đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận. Một chiến lược dù hay, dù bài bản đến đâu nhưng cũng phải phù hợp với xu hướng chung của thị trường. Thị trường đang phân hóa rõ nét hơn bao giờ hết, VN Index tăng không có nghĩa là thị trường đều tăng, mà chỉ có một số nhóm CP hay ngành tăng, trong những ngành tăng đó, không phải CP nào cũng tăng như nhau.

Các tin khác