Nhân vật trong tuần

Mark Mobius vẽ lại bản đồ đầu tư

Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng một vài nhà đầu tư giỏi nhất thế giới hiện đang đầu tư mạnh tay vào các thị trường mới nổi, không phải vì đặt cược các thị trường này đã “bắt đáy”, mà để đón đầu một cuộc chạy đua lớn. Điển hình là động thái của Mark Mobius (Ảnh) mới đây.

Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng một vài nhà đầu tư giỏi nhất thế giới hiện đang đầu tư mạnh tay vào các thị trường mới nổi, không phải vì đặt cược các thị trường này đã “bắt đáy”, mà để đón đầu một cuộc chạy đua lớn. Điển hình là động thái của Mark Mobius (Ảnh) mới đây.

Với kinh nghiệm đầu tư 40 năm, Mobius được coi là nhân vật chủ chốt trong việc phát triển chính sách quốc tế cho các thị trường mới nổi. Năm 1999, ông được chọn vào Diễn đàn Quản trị doanh nghiệp toàn cầu (GCGF) của Ngân hàng Thế giới (WB).

Ông cũng được biết đến trong vai trò người phát ngôn của WB năm 1999 và đứng đầu nhiều nghiên cứu cho nhiều tổ chức, định chế tài chính uy tín, trong đó có Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ông được Carson Group chọn vào danh sách top 10 nhà quản lý tiền tệ của thế kỷ 20.

Quỹ đầu tư của ông từng được hãng tin Reuters bình chọn là “Quỹ Thị trường mới nổi số 1”. Hiện ông quản lý khoảng 50 tỷ USD tài sản cho Quỹ Franklin Templeton Investments với tư cách Chủ tịch điều hành. Mới đây, ông đầu tư hàng triệu USD vào thị trường bất động sản ở Romania, các ngân hàng ở Nigeria, các công ty dầu mỏ ở Kazakhstan và nhiều thị trường mới nổi khác.

“Những kênh đầu tư cũ nay không còn hiệu quả. Đã đến lúc phải vẽ lại bản đồ vì những cơ hội tốt nhất không còn nằm ở nơi bạn tưởng nữa” - Mobius nói.

Theo Mobius, những cơ hội tốt nhất nay không đến từ các nước trong nhóm BRICs (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), mà đến từ các nước MINT (Mexico, Indonesia, Nigeria và Thổ Nhĩ Kỳ), nhóm các nước N-11 (gồm các nước MINT và một số nước khác như Bangladesh, Philippines, Pakistan…), hoặc nhóm các nước VISTA (Việt Nam, Indonesia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina), hay nhóm các nước CIVETS (Colombia, Indonesia, Việt Nam, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi).

Theo giải thích của Mobius, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, các thị trường mới nổi không còn phụ thuộc hoàn toàn vào các nền kinh tế phương Tây hay nhu cầu ở đó. Điều này giúp các thị trường mới nổi không phụ thuộc quá nhiều vào những biến động về chính trị, tài chính và kinh tế đang diễn ra ở các nước phát triển.

Mobius cho biết nhiều cỗ máy đầu tư lớn như Goldman Sachs Group Inc., Fidelity, HSBC Holdings PLC… cũng tin rằng trong 10 năm tới các thị trường MINT và VISTA có khả năng mang lại lợi nhuận lớn như các nước BRICs 10 năm qua.

Các thị trường BRICs nay bớt hấp dẫn vì hệ thống tư bản ổn định hơn, thêm vào đó là mức lương tăng, chi phí sống tăng. Các công ty Trung Quốc và Brazil nay bắt đầu phải chuyển sang các thị trường có lao động rẻ ở bên cạnh như Việt Nam hoặc Colombia.

Cùng lúc đó, lãi suất ở các nước BRICs liên tục tăng do áp lực lạm phát, thí dụ Ấn Độ tăng lãi suất 12 lần trong vòng 18 tháng, Trung Quốc tăng 5 lần… Dù tăng trưởng GDP của các nước BRICs như Ấn Độ và Trung Quốc rất ấn tượng (8-9%), nhưng Mobius dự báo các nước MINT và N-11 còn có thể tăng nhanh hơn. 

Trong một bài viết trên blog của mình hôm 22-12, Mark Mobius cũng dự báo việc “chuyển giao quyền lực” ở Triều Tiên từ Kim Jong-il sang Kim Jong-un sẽ êm đẹp và nhiều khả năng Triều Tiên dưới thời “Kim con” sẽ tiến hành cải tổ theo mô hình Trung Quốc trước đây.

“Sự thay đổi lãnh đạo sẽ không có ảnh hưởng lớn tức thì đến các thị trường tài chính Bắc Á. Nhưng bất kỳ sự gia tăng căng thẳng nào trên bán đảo Triều Tiên cũng có thể dẫn đến tình trạng rút vốn khỏi Hàn Quốc sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Công. Tuy nhiên, chúng tôi không thấy những nguy cơ đó vào lúc này” - Mobius viết. 

Các tin khác