Marketing: Càng khó càng phải làm

Tình hình kinh tế suy giảm kéo dài đang khiến nhiều DN lâm vào tình thế phải tồn tại và cạnh tranh rất khó khăn. Điều này buộc các DN phải thay đổi chiến lược marketing phù hợp, đặc biệt là ở các ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Tình hình kinh tế suy giảm kéo dài đang khiến nhiều DN lâm vào tình thế phải tồn tại và cạnh tranh rất khó khăn. Điều này buộc các DN phải thay đổi chiến lược marketing phù hợp, đặc biệt là ở các ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Thay đổi thói quen tiêu dùng

Theo nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường AC Nielson, khó khăn của nền kinh tế đang khiến người tiêu dùng ở Hà Nội và TPHCM thay đổi thói quen mua sắm. 61% cho rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để mua sắm. 81% cho biết họ đang phải thắt chặt chi tiêu.

Người tiêu dùng Việt Nam đứng đầu khu vực châu Á về việc săn hàng khuyến mại, với 87% thường xuyên mua hàng khuyến mại so với mức trung bình 68% của khu vực.

Hiện nay hơn 80% DN vẫn tập trung kênh quảng cáo truyền hình, trong khi thực tế người dân - đặc biệt là lớp trẻ - ngày càng ít dành thời gian cho truyền hình và dành nhiều thời gian lên mạng. Chi phí quảng cáo trên internet rẻ hơn trên truyền hình rất nhiều nhưng quảng cáo trên internet chỉ mới chiếm khoảng 3% thị phần. Đây có thể là một gợi ý dù không mới dành cho các DN trong khi lập kế hoạch marketing cho năm 2012.

51% sẵn sàng mua nhiều nhãn hàng khuyến mại và thay đổi chỗ mua sắm khác có nhiều mặt hàng khuyến mại hơn.

Cũng có một thông tin đáng mừng cho các DN Việt Nam: Trong thời kinh tế khó khăn, có tới 90% người tiêu dùng ở TPHCM và 83% người tiêu dùng ở Hà Nội cho hay họ sẽ mua hàng Việt Nam nhiều hơn, do chất lượng hàng Việt Nam ngày càng tốt, mẫu mã không thua kém hàng ngoại, giá bán lại hợp lý hơn, có nhiều chương trình khuyến mại giảm giá sản phẩm.

Đó chính là lý do hiện nay rất nhiều nhãn hàng đang đẩy mạnh hoạt động khuyến mại để thu hút khách hàng, tiêu thụ sản phẩm. Thói quen của người tiêu dùng thay đổi, DN càng phải nặng gánh lo hơn.

Làm sao để không giảm chất lượng, không tăng giá bán, trong khi giá đầu vào vẫn tăng lên chóng mặt? Và làm sao để “cõng” thêm cả chi phí marketing?

Ông Nguyễn Khinh Phong, chuyên gia marketing, Giám đốc Công ty Aware Group, chia sẻ: “Các DN chuyên nghiệp đều có ngân sách dành cho truyền thông, tiếp thị hàng năm nên chắc chắn dù tình thế khó khăn họ vẫn chi tiền cho hoạt động này. Theo quan sát của tôi, chi tiêu cho truyền thông tiếp thị không hề giảm.

Các DN thường chọn cắt bớt các chi phí hoạt động khác. Về mặt kinh doanh, DN sẽ quy hoạch lại các dòng sản phẩm sao cho lợi nhuận/sản phẩm tối ưu nhất. Tạm gác lại các dự án dài hơi”.

Vẫn đẩy mạnh các chiến dịch marketing

Không có một quy định nào về tỷ lệ chi cho các hoạt động marketing, tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, thông thường các DN sẽ trích từ 3-5% doanh thu. Một số ít DN thuộc hàng “đại gia” có thể chi mạnh tay tới 10% hoặc cao hơn.

Ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Công ty Bánh kẹo Bibica, cho biết: “Bibica xác định trong thời kinh tế khó khăn hiện nay càng phải đẩy mạnh các hoạt động marketing. Hàng năm Bibica dành 4% doanh thu cho hoạt động marketing và sẽ không cắt giảm trong năm 2012. Tuy nhiên, trong hoạt động truyền thông, tiếp thị, công ty sẽ phải cân nhắc những kênh phù hợp, có hiệu quả cao”.

Các DN chuyên nghiệp luôn mạnh tay chi hoạt động truyền thông, tiếp thị. Ảnh: LÃ ANH

Các DN chuyên nghiệp luôn mạnh tay chi hoạt động truyền thông, tiếp thị. Ảnh: LÃ ANH

Dù không tiết lộ chi phí cụ thể trong chiến dịch truyền thông, quảng cáo nhưng bà Nguyễn Ngọc Hữu Trân, Giám đốc tiếp thị Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk), cho hay trong năm 2011 vẫn duy trì mức quảng cáo cạnh tranh so với các đối thủ trên thị trường, mở rộng khai thác các kênh quảng cáo mới đang phát triển như internet, truyền thông xã hội…

Dự kiến trong năm 2012 Vinamilk sẽ tiếp tục gia tăng các hoạt động quảng cáo truyền thông. Vinamilk vốn được biết đến là một trong những DN rất mạnh tay chi tiêu trong các hoạt động marketing. Còn nhớ, trong năm 2008 khi kinh tế thế giới khủng hoảng, Vinamilk vẫn nằm trong top 10 DN chi tiêu cho quảng cáo nhiều nhất (6,5 triệu USD) và kinh phí dành cho quảng cáo tăng mạnh nhất (tăng 79,3%).

Ngoài các hoạt động quảng cáo, chiến dịch “Quỹ sữa vươn cao Việt Nam” của Vinamilk cũng là một trong những hoạt động marketing mang lại hiệu quả.

Vinamilk và Bibica là hai thí dụ điển hình cho thấy ngành hàng FMCG vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch marketing. Tất nhiên, việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tiếp thị đến mức nào còn tùy thuộc vào từng mặt hàng, từng phân khúc và túi tiền của DN.

Các tin khác