Kế hoạch mua gom của bên mua đã không bị phát hiện trong một thời gian dài, khi giá cổ phiếu VCF dao động quanh mức 50.000 đồng/cổ phiếu.
![]() |
Theo Công ty chứng khoán Bản Việt, đơn vị tư vấn cho Masan Consumer, tính đến ngày 11-10, Masan Consumer đã sở hữu 13,32 triệu cổ phiếu VCF của CTCP Vinacafé Biên Hòa.
Tại sao trong một thời gian rất ngắn, Masan Consumer đã hoàn thành mục tiêu kiểm soát 50,11% số cổ phần VCF, thâu tóm thành công thương hiệu cà phê hòa tan có thị phần lớn nhất thị trường nội địa?
Theo tiết lộ của Bản Việt, ý tưởng của Masan Consumer được hình thành cách đây 2 năm. Trong suốt thời gian đàm phán mua, về phía đơn vị tư vấn, chỉ lãnh đạo cao nhất nắm toàn bộ thông tin.
Nhiều chuyên viên tư vấn tham gia thương vụ chỉ nắm thông tin giới hạn trong phạm vi công việc từng mắt xích đơn lẻ.
Tương tự, bên mua chỉ có một người biết rõ vấn đề là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Consumer và Masan Group, người đã từ nhiệm thành viên HĐQT VCF vào tháng 5-2010.
Khi VCF chính thức giao dịch trên sàn, phần lớn 7% cổ phiếu thuộc về cán bộ công nhân viên VCF đã được chuyển nhượng. Một thời gian dài, kế hoạch mua gom của Masan Consumer không bị phát hiện khi giá cổ phiếu VCF dao động quanh mức 50.000 đồng/cổ phiếu.
Bước quan trọng nhất giúp thương vụ sáp nhập tiến một bước dài là việc Tổng công ty Cà phê Việt Nam giảm tỷ lệ sở hữu tại VCF từ 50,26% xuống còn 37% vào tháng 5-2011.
Ngay sau đó, cổ phiếu VCF được đầu cơ mạnh, ngược với diễn biến thị trường tăng 50% trong thời gian ngắn lên trên 70.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng khớp lệnh qua sàn lên hàng trăm ngàn đơn vị, cao đột biến so với trước đó. Lượng cổ phiếu bên ngoài được giao dịch mạnh.
Khác với các thị trường phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam có hạn chế lớn về thanh khoản nên hoạt động chào mua công khai thời gian qua mang tính hợp thức hóa các giao dịch ngầm trước đó.
Masan Consumer chọn công bố quyết định chào mua công khai đến 50,11% cổ phần của VCF vào 31-8, thời điểm cũng không thể trì hoãn hơn vì ntgay sau đó, Tập đoàn mẹ Masan lên kế hoạch lớn khác để huy động vốn quốc tế.
Thương vụ thâu tóm chính danh đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại với thành công của Masan Consumer. Nhưng trước mắt, thử thách lớn nhất với Masan Consumer là tái cơ cấu VCF.