Kỳ vọng thành thất vọng
Phiên giao dịch ngày 4-6, ông H.T (TPHCM) bỏ ra 1,63 tỷ đồng mua 30.000 CTG với giá 54.500 đồng/CP, với kỳ vọng nhận được CP thưởng (tỷ lệ 29%) của nhà băng này trong tháng 7. Tuy nhiên, gần sát ngày chốt danh sách nhận CP thưởng, CTG sụt giảm mạnh, xuống chỉ còn 48.500 đồng/CP.
Trong phiên giao dịch không hưởng quyền (ngày 7-7), CTG được điều chỉnh xuống còn 39.000 đồng/CP. Tuy nhiên, nhiều NĐT đặt kỳ vọng vào CP của nhà băng này như ông H.T như “ngồi trên lửa”, khi giá CP liên tục giảm sau đó, và hiện đang giao dịch ở mức giá chưa đầy 33.000 đồng/CP.
Theo tính toán, sau khi nhận CP thưởng với tỷ lệ 29%, số CP CTG ông H.T nắm giữ là 38.720 CP. Với giá tham chiếu của CTG ở thời điểm hiện nay là 32.700 đồng/CP thì giá trị số CP mà NĐT này đang nắm giữ giảm xuống chỉ còn 1,26 tỷ đồng.
Sau nhiều lần đắn đo, ông H.T quyết định “cắt lỗ” toàn bộ số CP CTG với giá 32.000 đồng/CP, bởi nhận định cho rằng ngân hàng này không còn động lực tăng giá trong thời gian tới.
Mức giá này khiến ông H.T lỗ 400 triệu đồng.
CTG không còn động lực tăng trưởng
Trái ngược với mức tăng trưởng 3 chữ số trong quý I, CTG công bố kết quả kinh doanh quý II giảm mạnh hơn dự kiến (giảm 38%). Tuy nhiên, nhờ kết quả kinh doanh quý I nên lợi nhuận trước thuế 6 tháng vẫn vẫn khả quan, đạt 10.850 tỷ đồng (tăng 45%).
Dù kết quả bán niên 2021 hết sức tích cực, nhưng nếu nhìn vào những con số của quý II sẽ thấy nhiều tín hiệu không mấy khả quan. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế quý II chỉ ở mức 2.790 tỷ đồng. Con số này thấp hơn so với dự kiến trước đó, tại hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng, lãnh đạo ngân hàng cho biết ước tính lợi nhuận quý khoảng 5.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận quý II sụt giảm mạnh chủ yếu do chi phí hoạt động và chi phí dự phòng tăng vọt. Cụ thể, chi phí hoạt động tăng lên đến 4.187 tỷ đồng, tăng đến 27,6%, chi phí dự phòng rủi ro tăng tới gấp 3 lần, với 7.106 tỷ đồng.
Dự báo tỷ lệ trích lập dự phòng của CTG sẽ còn tăng hơn trong những tháng cuối năm, sau đợt bùng phát dịch bệnh và do sửa đổi Thông tư 03.
Tại ngày 30-6, tổng tài sản của CTG đạt hơn 1,47 triệu tỷ đồng (tăng 9,8% so với đầu năm 2021). Dư nợ cho vay khách hàng đạt trên 1,07 triệu tỷ đồng, tăng 6%; tiền gửi khách hàng đạt 1,03 triệu tỷ đồng, tăng 5%.
Đáng chú ý là nợ xấu tăng hơn 4.900 tỷ đồng, lên 14.476 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tương đương tăng tới 51,8%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,94% lên 1,34%.
Mới đây, CTG công bố giảm lãi suất cho vay giảm bình quân 1%/năm cho các khách hàng chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, triển khai thêm các chương trình tín dụng ưu đãi được cân đối từ nguồn vốn thương mại của ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh.
Theo tính toán, tổng số tiền cắt giảm lợi nhuận của CTG nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của Covid-19 trong năm 2021 vào khoảng hơn 6.000 tỷ đồng, cao hơn mức đã thực hiện năm 2020.
Những yếu tố trên chính là nguyên nhấn khiến cho CTG ngày càng kém hấp dẫn với NĐT.
Và không chỉ có NĐT nội, khối ngoại cũng tỏ ra mất kiên nhẫn với CTG. Theo thống kê, CTG nằm trong Top các mã CP bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng manh trong 6 tháng đầu năm 2021, với giá trị hơn 6.000 tỷ đồng.