Hiện nay, công tác quy hoạch và quản lý cấp nước của thành phố Hà Nội đang thực hiện như thế nào? Có những bất cập gì? ."Vấn đề chúng em muốn nhấn mạnh về chất lượng nước, chúng em muốn dùng nước sạch. Chúng em xin chỉ đạo của thành phố về thay đổi nhà cung cấp nước từ Công ty Cổ phần nước Thanh Hà sang nhà máy Hawaco. Bởi theo Quy hoạch KĐT Thanh Hà được cấp nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà và sông Đuống, chúng em xin lại quyền lợi ban đầu".
"Cái nguồn nước không đảm bảo sức khỏe không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mình mà còn ảnh hưởng đến thế hệ mai sau . Đây là vấn đề cấp thiết và rất mong các cấp chính quyền làm đúng để cung cấp chất lượng nước sạch chuẩn cho cư dân Thanh Hà".
Trên đây là mong muốn của một số cư dân của Khu đô thị Thanh Hà, nơi đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung nước sinh hoạt những ngày qua và người dân không dám sử dụng nguồn nước cấp từ Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà do lo lắng về chất lượng.
Những lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở khi hàng chục kết quả xét nghiệm nước sinh hoạt do người dân tự mang đến các phòng xét nghiệm cho thấy hàm lượng một số chất nitrat (NO3), Amoni, Nitrit… tăng cao bất thường. Bên cạnh đó, không ít người dân bảy tỏ băn khoăn về vị trí của trạm cấp nước của Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà: "Nhà máy nước đang đặt rất gần nghĩa trang. Chúng em không biết vì sao nhà máy nước đặt gần nghĩa trang như vậy vẫn được cho phép xây dựng và đưa vào hoạt động. Chúng em rất cần câu trả lời từ Nhà máy nước và lãnh đạo chính quyền các cấp".
Lý giải về những băn khoăn về sự tồn tại của Trạm cấp nước của Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà, ông Lê Văn Du, Phó trưởng phòng hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo định hướng quy hoạch cấp nước của thành phố, khu vực đô thị Thanh Hà sẽ được cung cấp nước từ Nhà máy nước mặt Sông Đà và trong Quyết định điều chỉnh quy hoạch cấp nước năm 2016 bổ sung thêm Nhà máy nước sạch Xuân Mai.
Nước từ hồ được người dân tích trữ để dùng trong vệ sinh
Tuy nhiên, hiện nay, dự án Cấp nước sông Đà giai đoạn 2 quy mô công suất 600 nghìn m3/ngày đêm và Nhà máy nước sạch Xuân Mai bị chậm tiến độ, nên để đảm bảo nguồn cung, theo ông Du, thành phố Hà Nội đã có điều chỉnh:
"Năm 2018, thành phố đã cho phép là nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng trạm cấp nước cục bộ với quy mô công suất là 10.000 mét khối/ngày đêm và chất lượng của trạm cấp nước cục bộ cũng đạt được tiêu chuẩn cấp nước tại thời điểm năm 2018 là Quy chuẩn 01:2009 của Bộ Y tế.
Theo Thông tư 41 năm 2018 của Bộ Y tế, những công trình cấp nước hiện có theo Quy chuẩn 01: 2009 thì sẽ phải được điều chỉnh công nghệ để đạt Quy chuẩn 01-1:2018 từ 30/6/2021. Trong quá trình triển khai thực hiện, chủ đầu tư chưa kịp điều chỉnh công nghệ theo tiêu chuẩn đó dẫn đến việc là nhà đầu tư đã thực hiện việc dừng cung cấp nước để cải tạo điều chỉnh công nghệ, thay đổi công nghệ để đáp ứng được quy chuẩn 01-1:2018".
KTS Trần Huy Ánh, chuyên gia đô thị cho rằng, mặc dù nước sạch là nhu cầu thiết yếu của người dân đô thị, tuy nhiên trong các bản Quy hoạch thủ đô công bố năm 1998 (Quyết định 198) và năm 2011 (Quyết định 1259), các bản vẽ chú trọng phát triển các dự án bất động sản hơn là những vấn đề hạ tầng năng lượng, nước sạch.
Những vấn đề liên quan đến nước thải và cấp nước sinh hoạt của Hà Nội ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi thủ đô Hà Nội mở rộng. Theo KTS Trần Huy Ánh, quy hoạch đô thị chắp vá khiến quy hoạch về hạ tầng cấp, thoát nước cũng thiếu sự tính toán, chuẩn bị kĩ lưỡng: "Hà Nội sau khi mở rộng về phía Tây nhưng không có bất cứ sự chuẩn bị nào về năng lượng, nước sạch, giao thông, những tồn tại trở nên phức tạp hơn. Quy hoạch chắp vá, bản chất là chưa có quy hoạch, vì khi quy hoạch đã có hoạch định về không gian, chuẩn bị hạ tầng tốt để phát triển đô thị.
Nước chảy ra từ vòi nước của căn hộ 1920 tòa HH02A Khu đô thị Thanh Hà ghi nhận tại 12h trưa ngày 19/10/2023
Đô thị giống như một miếng áo vá, cứ vá rộng ra. Nhiều đô thị mới mọc lên nhưng không cần biết có nguồn nước hay không và nguồn nước đó nếu có đang tồn tại cũng là nối dài các đường ống cũ, nảy sinh ra các nguồn nước mới, khai thác tại chỗ".
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội, Quy hoạch cấp nước là một nội dung của Quy hoạch. Trong Quy hoạch cấp nước đã xác định nhu cầu dùng nước, cũng như phân vùng cấp nước, xác định vị trí, quy mô các nhà máy công suất lớn, mạng lưới truyền tải cấp 1, cấp 2 ….
Theo Quy định của Luật Quy hoạch đô thị, sau khi Quy hoạch chung Hà Nội được phê duyệt, Quy hoạch chuyên ngành cấp nước đã được lập nhằm cụ thể hóa Quy hoạch cấp nước trong quy hoạch chung và đây là cơ sở cho phép lập dự án đầu tư cấp nước.
Trong các quy hoạch được duyệt nguồn nước thô cho các nhà máy ưu tiên sử dụng nước mặt hạn chế và tiến tới dừng khai thác nước ngầm. Chất lượng nước sạch phải dụng Quy chuẩn Việt Nam về chất lượng nước dùng cho mục đích sinh hoạt do Bộ Y tế ban hành, và cho đến nay việc áp dụng thống nhất QCVN 01:2018/BYT.
Hiện đã có những quy định cụ thể về cấp phép xây dựng cho các dự án đầu tư nhà máy nước sạch (tuân thủ theo Quy hoạch về vị trí, quy mô…). Khi cho phép sử dụng nước ngầm để làm nguồn nước thô đầu vào cho các nhà máy xử lý nước, các cơ quan cấp phép cho phép khai thác nước ngầm đã phải xem xét đến chất lượng của nguồn nước đầu vào.
Xét cho cùng, muốn dân không khát nước, thì trong khâu thiết kế quy định và tổ chức thực thi, đừng để xảy ra “ăn mặn”.
Trong quá trình hoạt động, cũng đã có nhiều quy định liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước (kể cả nội kiểm và ngoại kiểm). Chủ dự án hệ thống cấp nước phải xây dựng Kế hoạch cấp nước an toàn trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét phê duyệt, trong đó bao gồm các nội dung nhận diện nguy cơ, xác định rủi ro và các giải pháp quản lý rủi ro để từ đó có các giải pháp phòng và ứng phó kịp thời. Mặc dù vậy, chúng ta cũng không thể dự báo được những bất thường có thể xảy ra.
Ông Tiến cho biết thêm, hiện nay, một số khu đô thị xây dựng vùng ven - độc lập, việc cung cấp, sử dụng nguồn nước cấp cho dân cư trong khu đô thị chỉ từ một nguồn duy nhất nên tiềm ẩn nhiều rủi ro khi gặp sự cố, không có nguồn nước cấp khác thay thế, bổ sung kịp thời.
Chính vì vậy trong quy hoạch, phê duyệt dự án phải lưu ý đến yếu tố này để có các phương án dự phòng nguồn nước khi có các sự cố xảy ra.
Để giải quyết vấn đề nguồn cung nước sạch cho Khu đô thị Thanh Hà, ông Lê Văn Du cho biết, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà thực hiện các giải pháp công nghệ đáp ứng Quy chuẩn 011-2018, đồng thời đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án Cấp nước sông Đà giai đoạn 2, nâng công suất của nhà máy nước mặt sông Đuống và nhà máy nước sạch Xuân Mai. Tuy nhiên, các dự án này phải sau năm 2025 mới có thể hoàn thành và cung cấp nước sinh hoạt.
Từ nay đến thời điểm Cty CP cấp nước Thanh Hà hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp công nghệ đáp ứng Quy chuẩn 01-1:2018 và đáp ứng các yêu cầu về nội kiểm, ngoại kiểm từ CDC Hà Nội. Thành phố sẽ tiếu tục điều tiết nước sạch từ các nguồn nước của Nhà máy sông Đà, sông Đuống và Hà Đông, và các nguồn nước bổ sung khác nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân tại Khu đô thị này.
Cấp nước sinh hoạt cho người dân là nhu cầu thiết yếu của cư dân đô thị. Tuy nhiên, một số địa phương vì chú trọng phát triển các dự án bất động sản, hình thành các khu dân cư mới nhưng thiếu sự chuẩn bị kỹ về hạ tầng kỹ thuật, trong đó có cấp nước, dẫn đến nhiều nơi bị thiếu nước hoặc sử dụng nước không “sạch”.
Bởi vậy, ngay từ khâu quy hoạch đô thị, quy hoạch cấp nước và trong quá trình thực thi cần phải thực hiện nghiêm túc để tránh những hệ quả lâu dài. Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOV Giao thông: Khát nước và “ăn mặn”
Khủng hoảng nước không phải bây giờ mới xảy ra tại các khu đô thị, khu chung cư tại Hà Nội. Trước đó, nó đã từng xuất hiện ở KĐT Linh Đàm (Q. Hoàng Mai) năm 2017, hay KĐT Đại Thanh (H.Thanh Trì) năm 2014, mòn mỏi hàng tháng trời.
Nhưng do trộn lẫn với các yếu tố khác như sự cố vỡ đường ống, hoặc cao điểm nắng nóng, nên rồi cũng nguôi đi và chưa được bóc tách rõ ràng. Cho đến khi nó trở lại ở KĐT Thanh Hà (H.Thanh Oai) hơn chục ngày nay, khiến cư dân khốn khổ.
Điểm chung của cả 3 khu vực nói trên, đều là những cụm chung cư, đô thị có quy mô dân cư lên tới hàng vạn người, được xây dựng độc lập hoặc “nhồi” vào một KĐT có sẵn, với hạ tầng kỹ thuật đã được quy hoạch, thiết kế cho một khả năng đáp ứng nhất định. Khi việc xảy ra, phương án cấp nước được minh bạch, mới cho thấy một sự “giật gấu vá vai”.
Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 bổ sung quy định: dự án đầu tư xây dựng khu đô thị phải “đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở hoặc công trình xây dựng khác theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt”
Trước đó, một trong các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng được quy định tại Luật Xây dựng 2014 là, phải “bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế, ..bảo đảm ổn định cuộc sống của nhân dân”.
Quy hoạch được nhắc tới ở đây, bao hàm cả quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật. Nhưng trên thực tế, quá trình phê duyệt án đầu tư xây dựng không phải lúc nào cũng tuân thủ các quy định và nguyên tắc.
Nên mới có chuyện, xây nhà trước, đường sá điện nước tính sau. Những điểm nóng về cấp nước tại Đại Thanh, Linh Đàm hay Thanh Hà, chỉ là hậu quả tất yếu của quá trình phê duyệt dự án, theo cách này.
Tiếp cận nước sạch là một trong các quyền cơ bản của con người, được Liên hợp quốc công nhận từ cách đây 13 năm. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 do Quốc hội ban hành đặt mục tiêu: Đến năm 2025, sẽ có 95-100% người dân thành thị và 93-95% người dân nông thôn có nước sạch để dùng. Chỉ hơn 1 năm nữa là đến “deadline”, nhưng ngay giữa đô thị hàng đầu, hàng vạn dân vẫn “khát”.
Ngoài câu chuyện về tuân thủ quy hoạch và phê duyệt dự án, thì còn có lý do từ thị trường nước sạch. Khi thiếu nước chỗ này, thành phố yêu cầu chỗ kia ứng cứu, doanh nghiệp vẫn chấp hành. Nhưng về tâm lý, không ai thoải mái với việc, phải “ứng cứu” cho khách hàng của đối phương, khi họ có nhu cầu và đủ năng lực đảm bảo tốt hơn việc cấp nước mà không thể chen chân vào một thị trường nào đó, chỉ vì “miếng bánh đã chia”.
Dù danh nghĩa là vì trách nhiệm xã hội hay cái gì, thì bản chất việc ứng cứu vẫn chỉ là “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”, theo góc nhìn doanh nghiệp. Điều này không phù hợp với quy luật thị trường.
Quy hoạch cấp nước là cần thiết, để đảm bảo sự phân chia tương đối phù hợp về địa bàn, tránh lãng phí xã hội và giảm thiểu xung đột, tranh chấp không đáng có. Nhưng biện pháp hành chính nếu can thiệp quá sâu sẽ triệt tiêu động lực của những doanh nghiệp muốn làm ăn lớn, và duy trì sức ì của một bộ phận quen với sự bảo bọc lâu nay. Trừ phi, sự bảo bọc đi kèm lợi ích cho cả đôi bên.
Sẽ không chỉ dừng lại ở khủng hoảng nhỏ lẻ, mà an ninh về cấp nước có thể đứng trước nhiều thách thức; các mục tiêu đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch có nguy cơ lỡ hẹn, nếu thị trường nước vẫn thế.
Một Luật riêng về nước sạch theo hướng tôn trọng các nguyên tắc của thị trường, với quy định rõ ràng về giới hạn vai trò quản lý nhà nước, sẽ là điều kiện cần để giải quyết bền vững bài toán nước sạch cho đô thị cũng như nhiều địa bàn khác trong thời gian tới.
Thiết kế quy hoạch, phê duyệt dự án là việc của con người. Pháp luật - sự mặc cả lợi ích giữa các nhóm trong cộng đồng, cũng là do con người thiết kế. Cho nên, xét cho cùng, muốn dân không khát nước, thì trong khâu thiết kế quy định và tổ chức thực thi, đừng để xảy ra “ăn mặn”.
Theo VOV