Cuối tháng 3 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã cho phép mật ong tươi của Việt Nam được xuất khẩu trở lại thị trường này. Đây được xem là cơ hội tốt cho các DOANH NGHIỆP (DN) cũng như uy tín của ngành xuất khẩu mật ong Việt Nam
Giảm phụ thuộc Hoa Kỳ
Nhìn lại thời điểm năm 2007, khi mật ong Việt Nam bị cấm nhập khẩu vào EU, hầu hết DN xuất khẩu đều phải chuyển hướng sang thị trường Hoa Kỳ. Cũng từ đó, Hoa Kỳ trở thành đối tác nhập khẩu mật ong lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 90% tổng sản lượng mật ong Việt Nam xuất khẩu.
Cũng như nhiều ngành xuất khẩu khác, việc phụ thuộc vào 1 thị trường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. 4 tháng cuối năm 2011, Hoa Kỳ trả lại khoảng 600 tấn mật ong Việt Nam với lý do sản phẩm nhiễm thuốc trừ nấm carbenzamin.
Dù chuẩn cho phép đối với chất này ở EU và Ủy ban Tiêu chuẩn quốc tế (CODEX) là 0,01mg/kg, nhưng Hoa Kỳ lại cấm hoàn toàn. “Quyết định của Hoa Kỳ khiến DN, người nuôi ong rất hoang mang, uy tín của mật ong Việt Nam trên thị trường thế giới bị ảnh hưởng” - ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam, tỏ ra lo ngại trước vấn đề này.
![]() |
Người tiêu dùng chọn mua mật ong Việt. |
Năm 2012, sản lượng xuất khẩu mật ong cả nước giảm khá mạnh so với năm 2011. Để tự cứu mình, các DN buộc phải tìm đến các thị trường mới như Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí có DN chấp nhận đi xa hơn khi sang tận thị trường các nước Trung Đông.
Chính vì vậy, thông tin Ủy ban châu Âu công nhận bản kế hoạch do Việt Nam đệ trình liên quan tới quản lý dư lượng các chất trong mật ong tươi để đảm bảo an toàn vệ sinh khi xuất khẩu vào thị trường EU trở thành cơ hội vàng cho các DN. Dự báo năm 2013 và những năm sau xuất khẩu mật ong Việt Nam sẽ có bước phát triển hơn nữa.
Một số công ty trước đây thường xuất mật ong đi các nước châu Âu như Phương Nam, Viethoney, Dakhoney… đều có kế hoạch tìm kiếm lại các khách hàng châu Âu cũng như có những chuyến khảo sát lại thị trường. Bà Nguyễn Thanh Thùy, đại diện Công ty Dakhoney, chia sẻ: “Việc được quay trở lại thị trường châu Âu sẽ giúp DN giảm phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ đang tiềm ẩn nhiều rủi ro do những quy định quá khắt khe”.
Nhưng điều này cũng không có nghĩa cánh cửa EU đã mở rộng. Năm 2007, chúng ta bị EU cấm nhập khẩu bởi chưa có sự đầu tư mạnh mẽ để quản lý chất lượng sản phẩm. “Đây là cơ hội cho chúng ta xây dựng lại uy tín của mật ong Việt Nam.
Cần giải quyết triệt để các vấn đề từ người nuôi đến quy hoạch, nghiên cứu của DN nếu không khả năng mất thị trường thêm lần nữa là hoàn toàn có thể” - ông Tâm nói. Hiện Việt Nam đang là nước xuất khẩu mật ong lớn thứ 6 thế giới và thứ 2 châu Á. Để duy trì và có sức bật lớn hơn nữa cần có những chương trình cụ thể cho ngành sản xuất, nuôi ong của Việt Nam.
Phòng tránh rủi ro
Một thực tế đang gây bức xúc cho DN xuất khẩu mật ong là việc nhập khẩu trái phép mật ong Trung Quốc vào Việt Nam sau đó “hô biến” thành hàng “made in Vietnam” để xuất khẩu, nhất là xuất sang Hoa Kỳ. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của các sản phẩm Việt Nam.
“DN chúng tôi không thể làm gì nếu thiếu sự chung tay của các cơ quan chức năng. Phải có sự vào cuộc mạnh mẽ mới mong bảo vệ được các DN trong nước” - giám đốc một công ty xuất khẩu mật ong tại TPHCM bức xúc. Trên thực tế, Hoa Kỳ hiện đang thực hiện các biện pháp mạnh tay trước những sản phẩm mật ong kém chất lượng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, dù từ nay các DN có thể xuất sang thị trường EU nhưng cũng không thể giảm mạnh xuất khẩu vào Hoa Kỳ ngay, bởi như đã nói hiện Hoa Kỳ chiếm gần 90% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Vì thế, DN phải tìm cách để loại bỏ hoàn toàn chất carbenzamin trong sản phẩm mật ong xuất khẩu.
Hiện những nỗ lực đàm phán giữa Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Việt Nam cũng như Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam với phía Hoa Kỳ để điều chỉnh tỷ lệ carbenzamin vẫn chưa có tín hiệu tích cực. Một gợi ý được phía DN đưa ra đó là Bộ NN-PTNT nên khuyến cáo, tập huấn cho người nuôi ong hạn chế sử dụng chất này, cùng với đó nên có nghiên cứu để thay thế bằng một chất khác không vi phạm quy định của nhà nhập khẩu.
Ngoài ra, để duy trì được nguồn nguyên liệu quý, các DN cũng như các cơ quan chức năng cần vào cuộc giúp người nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật để nghề nuôi ong có thể phát triển bền vững, người nuôi yên tâm với đầu ra ổn định.
Bởi nghề nuôi ong đang đứng trước một số những thách thức như nguy cơ dịch bệnh, giống bị thoái hóa… Hiện nay, tại một số tỉnh như Đắk Nông, Lào Cai… các sở khoa học công nghệ đã thực hiện nhiều đề án ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi, khai thác, chế biến mật ong đạt hiệu quả cao.