Nói đến hoạt động của NHTMCP Quân đội (MB - mã chứng khoán MBB), nhiều người sẽ nghĩ ngay đến 2 yếu tố nền tảng đó là quản trị rủi ro vượt trội và văn hóa thực thi nhanh. Việc luôn hoạt động xuyên suốt và không ngừng phát triển dựa trên 2 nền tảng này đã giúp MB trụ vững ngay tại những thời điểm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng.
Bí quyết “5C”
Năm 2013, kinh tế thế giới và trong nước đã có dấu hiệu cải thiện nhưng còn nhiều khó khăn. Tăng trưởng GDP khoảng 5,42%, tăng hơn so với 2012. Lạm phát được kiềm chế, CPI tăng 6,04% - mức thấp nhất hơn 10 năm qua. Dự trữ ngoại hối của NHNN gia tăng, tỷ giá được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên nền kinh tế chưa vững chắc: Tổng cầu chưa được phục hồi, tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp (DN) dừng hoạt động vẫn cao (con số ước tính khoảng 60.700 DN dừng hoạt động, tăng 12% so với 2012); hoạt động ngành ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt thấp với khoảng 11%, trong khi huy động vốn tăng 16%, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh nhưng nợ xấu vẫn có xu hướng tăng.
Chiến lược công nghệ (trong đó có ATM) được MB triển khai với nhiều dự án |
Trước những khó khăn về kinh tế, ban lãnh đạo MB đã đề ra 5 mục tiêu quản trị có tên “5C”, bao gồm: “Chiến lược, Con người, Công nghệ, Chất lượng, Công tác Đảng - Chính trị”. Đối với chiến lược, MB đã có 22 sáng kiến hoàn thành đúng tiến độ, tập trung 3 giải pháp bao gồm: tăng cường năng lực kinh doanh thông qua chương trình cải tổ bán hàng tại chi nhánh, thúc đẩy CBCNV đề xuất các sáng kiến kinh doanh; tăng năng lực hỗ trợ kinh doanh bằng cách đưa công tác thẩm định và vận hành tập trung về một mối; tăng năng lực quản lý thông tin, quản lý bán hàng và cuối cùng là thực thi xếp hạng tín dụng và phê duyệt tự động.
Về mặt con người, MB đã áp dụng 3 chương trình quan trọng bao gồm: đào tạo (trong năm 2013, MB đã tổ chức 522 khóa đào tạo cho 34.951 lượt nhân sự trong đó có 99 khóa nghiệp vụ và 423 khóa kỹ năng); quy hoạch nhân sự cao cấp thông qua chương trình Quản trị nhân sự tiềm năng (HIPO); áp dụng hệ thống chỉ số đo lường nổi tiếng KPIs cho từng vị trí chức danh.
Về chất lượng dịch vụ, việc ứng dụng một loạt tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng như ISO, 5S, SLA, LSS... đã giúp khách hàng không những nhận được nhiều tiện ích mà chính MB cũng kiểm soát được sự tuân thủ tại các vùng. Hệ thống kiểm soát, cảnh báo sớm rủi ro trong hoạt động vốn là thế mạnh của MB cũng tiếp tục được gia cố.
Chính vì vậy mà chiến lược công nghệ bằng một loạt các dự án công nghệ thông tin theo giải pháp như DW, BPM, F2B, CRM, MIS… đã được ngân hàng triển khai. Hệ thống máy chủ (DC), hệ thống dự phòng (DR), đường truyền dự phòng luôn được nâng cấp, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, công tác Đảng tại MB luôn giữ vững ổn định chính trị nội bộ đã góp phần quan trọng để toàn thể 6.128 CBCNV cùng quyết tâm vượt khó thành công. Tăng cường củng cố và tăng năng lực sức chiến đấu lãnh đạo của tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên. Tổ chức Đảng đạt trong sạch vững mạnh, các tổ chức quần chúng vững mạnh toàn diện.
Một loạt đơn vị thành viên thuộc MB Group cũng đã được tiến hành tái cơ cấu và hoạt động trở nên hiệu quả hơn trong năm 2013 và kết quả là tổng lợi nhuận trước thuế của nhóm này trong năm 2013 đạt 134,4 tỷ đồng (tăng 24% so 2012).
Trong đó CTCP Chứng khoán MB (MBS) đạt lợi nhuận trước thuế 2,3 tỷ đồng; hợp nhất thành công với công ty chứng khoán VITS - là công ty chứng khoán có thị phần môi giới đứng top đầu. Công ty Quản lý Quỹ MB (MBC) lợi nhuận trước thuế đạt 27,4 tỷ đồng; tăng vốn điều lệ đạt 200 tỷ đồng; xây dựng chiến lược 2013-2015 và định hướng 2020. Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) lợi nhuận trước thuế đạt 44 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh các mảng định giá, quản lý tài sản và tham gia các chương trình xử lý nợ đều đạt doanh số tốt; hoàn thành dự thảo chiến lược công ty năm 2013-2015 và định hướng 2020.
CTCP Địa ốc MB (MBLand) đạt lợi nhuận trước thuế 20 tỷ đồng; đẩy mạnh triển khai bán hàng các dự án đã hoàn thành. CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) đạt lợi nhuận 40,7 tỷ đồng; tái cơ cấu công ty, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng năng lực quản trị và đẩy mạnh chương trình bán chéo với MB (Bancas).
Vững chắc trong dài hạn
MB đã cải tổ mạnh mẽ trong giai đoạn 2004-2008, nên từ năm 2009 đến 2013 ngân hàng đã chuyển hướng sang mục tiêu phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả và đã được thể hiện qua các con số như tổng tài sản tăng 34%/năm, chất lượng tài sản được đảm bảo; vốn chủ sở hữu tăng 28,87%/năm; tín dụng tăng 43,57%/năm, nợ xấu dưới mức 2,5%, thấp hơn nhiều so với bình quân thị trường; lợi nhuận tăng 31,42%/năm; tỷ lệ cổ tức đảm bảo ở mức trung bình 12-15%, đặc biệt trong năm 2012 là 17%. Năm 2013, đặt trong bối cảnh hoạt động ngành ngân hàng khó khăn, MB vẫn duy trì được hoạt động ổn định, an toàn, các chỉ tiêu kinh doanh chủ yếu (huy động vốn, dư nợ) hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch, nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ.
Các chỉ số hiệu suất sinh lời ROA đạt 1,28%, ROE đạt 16,3%, là một trong những ngân hàng có chỉ số hiệu quả kinh doanh tốt nhất. Tổng tài sản hợp nhất đạt 180.381 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2012. Tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế (riêng ngân hàng) đạt 136.654 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2012. Dư nợ cho vay đạt 88.253 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2012. Tổng thu nhập ngoài lãi tăng 34% so với năm 2012.
Các hoạt động dịch vụ tăng khá: doanh số thanh toán quốc tế 7,35 tỷ USD, tăng 18% so với 2012; doanh số kiều hối đạt 885 triệu USD, tăng 130% so với năm 2012 (đứng top đầu các NHTMCP); hoạt động ngân hàng điện tử và thẻ đều tăng trưởng tốt (thẻ ATM tăng 65%, Bankplus tăng 153%, eMB tăng 36%). MB tuân thủ tốt các quy định của NHNN; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 11%, tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung, dài hạn là 12,8%, thanh khoản ngân hàng được duy trì tốt…
Năm 2014 được dự báo còn nhiều khó khăn. Mục tiêu điều hành của Chính phủ là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; định hướng tăng trưởng GDP 5,8%/năm, lạm phát dưới 7%/năm; tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu các DN nhà nước. NHNN thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý; định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng 16-18%, tăng trưởng tín dụng tăng khoảng 12-14%; giữ ổn định tỷ giá, kiểm soát giá vàng; tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tập trung xử lý nợ xấu.
Do vậy về mục tiêu điều hành, MB sẽ tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao chất lượng hoạt động, trong đó chú trọng dịch vụ và đặc biệt là hướng mạnh đến các khách hàng. Xây dựng các chương trình kinh doanh, sản phẩm phù hợp, bám sát định hướng chính sách của Chính phủ, NHNN, đặc thù địa phương. Tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính. Hoàn thiện và đẩy mạnh mô hình bán chéo sản phẩm dịch vụ giữa các phân khúc khách hàng (DN lớn, DN nhỏ và vừa, khách hàng cá nhân) giữa ngân hàng - công ty, giữa các công ty trong MB Group.