Dự án sai phạm vẫn công khai rao bán
Rất khó đoán định về thị trường BĐS Hà Nội thời điểm này, là nhận định chung của nhiều nhà đầu tư và cả những chuyên gia có thâm niên về phân tích và đánh giá thị trường địa ốc. Nguyên nhân chủ yếu do thông tin thiếu minh bạch, thực hư lẫn lộn, nhiều dự án quy hoạch chồng chéo nhau, sai phạm đan cài, trong khi chính quyền TP thiếu xử lý kiên quyết. Điều này khiến nhà đầu tư có tiềm năng dè dặt, trong khi cầu BĐS đang lắng xuống, trừ phân khúc nhà ở chung cư có tăng trưởng nhưng không đáng kể.
Thực tế năm qua, tình trạng xây dựng sai phép, không phép ở Hà Nội diễn ra ở mọi cấp độ, quy mô từ công trình nhà ở gia đình, tổ hợp văn phòng kết hợp nhà ở, chung cư mini, trường học và cả những tòa nhà đồ sộ lên tới hàng chục tầng. Đây là áp lực lớn cho chính quyền TP khi phải tiến hành xử lý những “chuyện đã rồi”, khiến thị trường BĐS thủ đô trở nên méo mó, tiềm ẩn rủi ro cao. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, có dấu hiệu chủ đầu tư một số công trình sai phạm đang trong giai đoạn thanh tra hoặc đang chờ xử lý, đã rao bán dự án để thu hồi vốn, bất chấp rủi ro đối với người mua.
Dự án Housinco Premium dù sai phạm nhưng vẫn công khai mở bán.
Đơn cử, dự án Tổ hợp văn phòng và nhà ở Housinco Tân Triều (Housinco Premium), do CTCP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nhà Hà Nội số 35 (nay là CTCP Tập đoàn Housinco) làm chủ đầu tư theo chủ trương xã hội hóa, nằm trên ô đất có ký hiệu CT5, được UBND TP Hà Nội quy hoạch xây nhà tái định cư với chiều cao 17 tầng. Sau khi được giao dự án, chủ đầu tư đã liên tục xin điều chỉnh quy hoạch từ 17 lên 21 tầng, sau thành 27 tầng. Dù sai phạm ngay từ các tầng thương mại, nhưng chủ đầu tư vẫn tổ chức thi công hơn 20 tầng căn hộ phía trên.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc cung cấp hồ sơ dự án Housinco Premium sang cơ quan công an và yêu cầu dừng xây dựng, kinh doanh căn hộ dự án này. Thế nhưng công trình vẫn ngang nhiên thi công, các hoạt động mua bán căn hộ tại đây diễn ra công khai.
Cụ thể, đơn vị phân phối chính thức của dự án là Đất Xanh Miền Bắc, đã quảng cáo Housinco Premium với rất nhiều hình ảnh đẹp, lời giới thiệu như gần đường giao thông, gần các công viên... hứa hẹn sẽ là quần thể đô thị hiện đại, đẳng cấp và đáng sống bậc nhất Hà Nội nói chung và khu vực Tây Nam Hà Nội nói riêng. Quảng cáo này còn bao gồm cả các tầng vi phạm khi giới thiệu dự án cao 31 tầng và 3 tầng hầm. Giá căn hộ rao bán được tính theo 2 hình thức, như diện tích bàn giao thô khoảng 26 triệu đồng/m2, bàn giao hoàn thiện 30-31 triệu đồng/m2.
Loạn đất ngoại thành
Loạn đất ngoại thành
Trong khi BĐS nội đô Hà Nội chồng chéo, nhiều dự án sai phạm chưa được xử lý dứt điểm, thị trường nhà đất các huyện ngoại thành cũng đang nhiễu loạn. Giá đất tại 4 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì đang biến động không ngừng, sau khi có thông tin Hà Nội xin cơ chế đặc thù để đưa các huyện này lên quận vào năm 2020.
Tại huyện Đông Anh, giá đất nền được rao bán 100-120 triệu đồng/m2. Ở khu vực Tiên Dương, giá đất thổ cư tại mặt đường lớn dao động 30-35 triệu đồng/m2. Tại nhiều con ngõ rộng tầm 3m dọc trục đường Võ Nguyên Giáp, đoạn thuộc xã Vĩnh Ngọc, lên đến 60 triệu đồng/m2; một số ngõ nhỏ hơn có giá 30- 40 triệu đồng/m2. Các khu vực xa hơn như Bắc Hồng, giá đất cũng lên đến 10-12 triệu đồng/m2, cao gấp 4 lần so với thời điểm sốt đất tại Đông Anh năm 2008. Các khu vực Xuân Canh, Nguyên Khê, Lễ Pháp… giá đất cũng bị đẩy lên gấp đôi.
Tại huyện Thanh Trì, đất phân lô ở Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp được môi giới thổi lên gấp 2-3 lần so với trước đây, dao động 55-65 triệu đồng/m2. Tại huyện Gia Lâm, đất trên đường An Đào A, Đào Nguyên A, giá chào bán môi giới đưa ra 38-45 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền Kiêu Kỵ, đường rộng 2 ôtô tránh nhau, giá chào bán 25-32 triệu đồng/m2 so với giá đầu năm 20-23 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền, kinh doanh tại thôn Ngọc Động (Đa Tốn) chào bán 22-25 triệu đồng/m2...
Điều đáng nói, nhiều diện tích đất nền được rao bán là đất nông nghiệp. Giới đầu cơ BĐS đã thu gom và mua lại từ người dân khi có thông tin các huyện trên sẽ quy hoạch lên quận, sau đó phân lô, nền để bán lại cho những ai có nhu cầu. Một nhân viên môi giới BĐS tại huyện Hoài Đức cho hay, từ đầu năm đến nay thị trường đất nền ở đây luôn sôi động. Nhu cầu của khách hàng tìm mua chủ yếu là đất nền diện tích lớn 5-10ha, với mục đích ban đầu để làm nhà xưởng. “Nhưng đó chỉ là vỏ bọc, sau khi các huyện lên quận, chắc chắn họ sẽ chuyển đổi mục đích xây dựng” - nhân viên này nói.
Hà Nội đã có bài học cay đắng khi hàng loạt khu sinh thái, homestay nghỉ dưỡng, biệt thự nhà vườn, như The Choai Villa Sóc Sơn, The Homie Sóc Sơn, The Moonlight Sóc Sơn, Thiên Phú Lâm - Sóc Sơn, Nhà bên rừng U-LESA, Trà hoa viên Sóc Sơn... xây dựng trái phép trên đất rừng huyện Sóc Sơn.
Hàng loạt cán bộ huyện Sóc Sơn và TP Hà Nội đã bị xử lý vì liên đới đến sai phạm này. Vì thế, đây là lúc chính quyền TP có những biện pháp mạnh tay và kiên quyết, chấn chỉnh tình trạng mua bán, trao đổi, chuyển nhượng và sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích đang diễn ra tràn lan.
Nếu TP Hà Nội không có những biện pháp mạnh tay và kiên quyết để chấn chỉnh tình trạng mua bán, trao đổi, chuyển nhượng và sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích đang diễn ra tràn lan, việc tái diễn “bài học” Sóc Sơn là điều có thể nhìn thấy trước. |