Merck yêu cầu cấp phép sử dụng khẩn cấp cho thuốc uống để điều trị Covid-19 ở Mỹ

(ĐTTCO)-Nhà sản xuất thuốc Merck của Mỹ đã đệ đơn xin Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho loại thuốc viên kháng virus điều trị mắc Covid-19.

Trong thông báo ngày 11/10, đại diện của Merck cho biết công ty này đã đệ đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp cho thuốc viên Molnupiravir điều trị cho các bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc Covid-19. Kết quả thử nghiệm lâm sàng của công ty này tháng trước cho thấy loại thuốc này có khả năng giúp giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong của người mắc Covid-19 khoảng 50%. Loại thuốc này cũng được cho là có khả năng chống lại các biến chủng mới của SARS-CoV-2 bao gồm cả Delta.

Merck yêu cầu cấp phép sử dụng khẩn cấp cho thuốc uống để điều trị Covid-19 ở Mỹ ảnh 1

(Ảnh minh họa - KT)

Nếu được các cơ quan quản lý cho phép, Molnupiravir sẽ là thuốc kháng virus Covid-19 uống đầu tiên. Loại thuốc này ban đầu được phát triển để điều trị bệnh cúm, được thiết kế để đưa các lỗi vào mã di truyền của virus, ngăn không cho virus lây lan trong cơ thể.

Merck là công ty đầu tiên báo cáo kết quả thử nghiệm và xin cấp phép sử dụng khẩn cấp cho thuốc viên điều trị Covid-19, nhưng các công ty khác cũng đang nghiên cứu các phương pháp điều trị tương tự.

Merck cho biết dự kiến sẽ sản xuất 10 triệu gói Molnupiravir vào cuối năm 2021. Chính phủ Hoa Kỳ đã đồng ý mua 1,7 triệu gói thuốc trị giá 1,2 tỷ USD nếu thuốc này được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm chấp thuận. Merck cũng đã đồng ý bán loại thuốc này cho một số nước khác bao gồm Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Australia.

Cựu Cao ủy Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ Scott Gottlieb đã gọi molnupiravir là yếu tố thay đổi cuộc chơi và dự đoán dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm kết thúc khi các loại thuốc kháng virus cũng như vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi được phê duyệt. Tuy nhiên, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm ở Mỹ, TS. Anthony Fauci lại nhấn mạnh tới tầm quan trọng của vaccine trong việc ngăn ngừa lây nhiễm, nhập viện và tử vong do Covid-19.

Các tin khác