Đầu tư liều lĩnh, nặng gánh nợ nần, thị trường đi xuống và đánh mất lòng tin của khách hàng. Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của Công ty Môi giới chứng khoán Hoa Kỳ MF Global với số tiền nợ chính thức 39,7 tỷ USD. Theo giới chức tiền tệ Hoa Kỳ, khoảng 700 triệu USD của khách hàng MF Global đã không cánh mà bay.
Vấn đề đặt ra ở chỗ MF Global đã phạm vào nguyên tắc tối thượng của Phố Wall: Quỹ đầu tư của khách hàng phải được để riêng không dính đến tiền của công ty, đồng thời phải theo dõi thường xuyên tài khoản kinh doanh của khách hàng.
Nhưng làm sao sự việc nghiêm trọng như trên lại có thể diễn ra khi thị trường tài chính toàn cầu tưởng chừng đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm sau khi Ngân hàng Lehman Brother sụp đổ cách đây 3 năm?
Theo các nhà phân tích, cái chết của MF Global từ lỗi lầm của ông Jon Corzine, từng là Tổng giám đốc Ngân hàng Goldman Sachs và Thống đốc tiểu bang New Jersey của Hoa Kỳ.
Khách hàng MF Global Singapore ùn ùn đến rút tiền sáng 2-11. |
Tháng 3-2010, Jon Corzine trở thành Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc MF Global và được thị trường tài chính xem như một anh hùng với tham vọng biến công ty chứng khoán này thành một đại gia không thua kém Goldman Sachs.
Corzine vứt bỏ phương án “phòng thủ rủi ro” của người tiền nhiệm Bernard Dan và tuyên bố sẽ chuyển hóa MF Global từ một hãng môi giới chứng khoán thường thường bậc trung, chỉ ăn hoa hồng của khách hàng, thành một ngân hàng đầu tư toàn diện và kinh doanh rủi ro. Corzine đưa ra một kế hoạch cải tổ 5 năm.
Đầu tiên Corzine đặt cược vào các trái phiếu quốc gia (sovereign bond) châu Âu với khoản đầu tư lên đến 6,4 tỷ USD, hơn cả “người vàng” Goldman Sachs cũng chỉ dám sở hữu nợ quốc gia châu Âu 2,5 tỷ USD. Ông không đầu tư vào những nước quá rủi ro như Hy Lạp mà chỉ đưa quân bài của mình vào các quốc gia có mức độ tín nhiệm nợ tương đối thấp như Italia và Tây Ban Nha bởi tin rằng châu Âu sẽ không để cho 2 nước này sụp đổ.
Ông ta gạt bỏ mọi cảnh báo rằng khoản đầu tư như vậy là quá lớn và sự nghiệp trên Phố Wall và chính trường làm cho bản thân ông rất tự tin vào ván bài rủi ro này.
Nhưng chuyện phải đến đã đến: thực trạng nợ nần của Tây Ban Nha và Italia trầm trọng hơn dự đoán khiến MF Global phải sử dụng vốn của khách hàng để giao dịch. Sự mất cân đối về chỉ số thanh khoản và quan ngại về mức độ rủi ro của các khoản nợ châu Âu đã khiến giới chức tiền tệ Hoa Kỳ ra lệnh MF Global tăng vốn.
MF Global đành phải bán tháo một vài khoản nợ châu Âu của mình ra thị trường. Thứ ba tuần trước, MF Global công bố số tiền lỗ 186 triệu USD. 2 ngày sau đó, các hãng đánh giá tín dụng Moody’s và Fitch đã hạ bậc trái phiếu của MF Global thành… rác (junk bond). Chỉ trong 5 ngày, cổ phiếu của MF Global mất giá đến 67%.
Tại Singapore, MF Global bắt đầu hoạt động từ năm 1996. MF Global Singapore dần trở thành hãng môi giới chứng khoán đứng thứ tư về các sản phẩm chứng khoán phái sinh và cung cấp các dịch vụ thanh toán hợp đồng tương lai, quyền đặt mua trong khu vực châu Á và trên toàn cầu.
Khi MF Global tuyên bố phá sản, khách hàng của MF Global Singapore hoang mang, ùn ùn kéo đến rút tiền. Để trấn an, Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX), thông báo khách hàng của MF Global Singapore có thể thực hiện giao dịch tại các hãng môi giới chứng khoán khác.
Tuy nhiên, không ai lường hết được tổn thất xảy ra vì một hãng môi giới chứng khoán có tầm cỡ của Singapore là Kim Eng Securities cũng là đối tác của MF Global. Điều này có nghĩa khi MF Global Singapore chấm dứt mọi giao dịch, khách hàng Kim Eng cũng không thể truy cập vào các tài khoản của mình.
Rõ ràng, việc phá sản của MF Global đã kéo theo những hệ lụy nặng nề đối với hoạt động tài chính và kinh tế trong khu vực, trong đó nhà đầu tư cá nhân là những người thiệt thòi nhiều nhất.