“Mấy ngày nay, nghe thông tin Nhà máy đường Phụng Hiệp có kế hoạch tạm ngưng hoạt động, bà con ở đây lo lắng. Gần 900 ha mía của bà con trong xóm chín tới nơi. Mía nguyên liệu ở đây trồng chủ yếu để bán cho nhà máy đường. Nay nhà máy không mua bà con biết bán cho ai” – ông Tám Nguyên ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang lo lắng nói.
Phụng Hiệp hiện là một trong những địa phương còn diện tích trồng mía lớn nhất ĐBSCL với 4.723ha mía. ĐBSCL từ chỗ có 90.000ha trồng mía, nay giảm xuống chỉ còn khoảng 15.000ha - 16.000ha. Diện tích mía tập trung ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và một phần ở Cà Mau. Từ chỗ có 10 nhà máy đường hoạt động, nay ĐBSCL chỉ còn 3 nhà máy ở Hậu Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh còn khả năng hoạt động.
Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, dù diện tích mía giảm, nhưng tại Phụng Hiệp nông dân vẫn bám trụ trồng mía để tạo vùng nguyên liệu cho nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động. Thật khó hiểu, khi mới đây CTCP Mía đường Cần Thơ (CASUCO), lại đưa ra phương án tạm dừng sản xuất vụ 2021-2022 tại nhà máy Phụng Hiệp.
Cần nói thêm, tại Hậu Giang có hai nhà máy đường là nhà máy Vị Thanh và Phụng Hiệp đều là của CASUCO. Tuy nhiên, nhà máy đường Vị Thanh đã ngưng hoạt động hơn 2 năm qua. Và đến nay, vùng mía nguyên liệu ở Vị Thanh gần như bị “xóa sổ”. Việc đưa ra phương án tạm ngưng hoạt động nhà máy đường Phụng Hiệp gây bức xúc ngay trong các đại diện cổ đông lớn tại CASUCO.
Ông Phạm Quang Vinh, thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Casuco và cũng là đại diện nhóm cổ đông sở hữu trên 40% vốn điều lệ của công ty cho biết: “Việc quyết định tạm dừng sản xuất của nhà máy đường Phụng Hiệp vụ 2021-2022 này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nông dân trồng mía - những người đã gắn bó với cây mía, với CASUCO hơn 20 năm qua. Phía Công ty và cổ đông cũng sẽ thiệt hại vô cùng nghiêm trọng, có nguy cơ phải đóng cửa nhà máy vĩnh viễn do nông dân mất niềm tin, không sản xuất mía cho những năm tiếp theo, xoá sổ ngành sản xuất mía và chế biến đường của Hậu Giang. Thực tế Nhà máy đường Vị Thanh sau khi tạm ngưng sản xuất 1 vụ vùng mía nguyên liệu cũng không còn”.
Theo ông Phạm Quang Vinh, lượng mía nước (mía nông dân bán để ép nước uống) năm nay của nông dân không tiêu thụ được bởi giãn cách, tổng lượng mía để cung cấp cho nhà máy đường Phụng Hiệp sản xuất sẽ nhiều bất thường và cao hơn mức dự báo. Trong khi đó, nước lũ sắp về, việc thu hoạch mía chạy lũ của nông dẫn đa kề cận… đòi hỏi nhà máy đường Phụng Hiệp phải sẵn sàng ép mới đáp ứng được việc thu hoạch mía ngay đầu vụ trong thời gian ngắn vỏn vẹn 1,5 – 2 tháng.
“Trước khi giãn cách, có một số thương lái ở TPHCM và một số nơi xuống Phụng Hiệp mua mía nước (ép mía nước bán). Nông dân đã bán hơn 400ha, còn 200ha bỏ cọc rồi nhưng chưa đốn do giãn cách, hiện bán mía nước rất khó khăn. Chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo nhà máy đường qua điện thoại nhưng không ai nghe máy” – ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp cho biết.
Theo ông Lê, cái khó là mặt hàng mía không thể kêu gọi mọi người “giải cứu” như các mặt hàng khác. Hiện nhiều liếp mía đã chín nhưng nông dân không biết bán cho ai. Cả nông dân và lãnh đạo địa phương đang trông cậy nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động và mua mía nguyên liệu của nông dân.
Phụng Hiệp là vùng đất trũng - mùa lũ diện tích mía thường bị ngập nghiêm trọng -trong ảnh nông dân Phụng Hiệp thu hoạch mía trong mùa lũ năm 2019.
Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cơ quan chức năng sẽ sắp xếp làm việc với phía CASUCO trên tinh thần: không thống nhất đề xuất tạm dừng hoạt động nhà máy đường Phụng Hiệp.
“Quan điểm của ngành nông nghiệp là nhà máy đường Phụng Hiệp phải hoạt động, mua mía nguyên liệu của người dân đã xuống giống. Nhà máy đường có kế hoạch ngưng hoạt động phải công bố trước khi ngươi nông dân xuống giống. Còn hiện nay mía của nông dân đã trồng, chín và chờ thu hoạch” – ông Trấn Chí Hùng, giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết.
Trong khi đó hàng ngàn nông dân trồng mía Phụng Hiệp hiện như “ngồi trên đống lửa” khi CASUCO đề xuất nhà máy đường Phụng Hiệp ngưng hoạt động.