Microsoft quyết thay đổi để tránh tụt hậu

Dù doanh thu của Microsoft trong quý thứ ba tài khóa 2015 (kết thúc ngày 31/3) đã tăng 6% lên 21,7 tỷ USD, con số cao hơn dự báo ban đầu, song lợi nhuận ròng của Microsoft lại giảm 12% xuống 4,985 tỷ USD. Trước tình hình này, Giám đốc điều hành (CEO) Microsoft Satya Nadella đang đẩy mạnh đa dạng hóa đầu tư vào các dịch vụ mới và thiết kế lại hệ điều hành Windows để gia tăng tính tương thích với các dòng điện thoại thông minh (smartphone) và ứng dụng di động.
 

Sau 40 năm hình thành và phát triển, Microsoft Corp. đã trở thành người khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ, với đại bản doanh rộng lớn tại vùng Redmond, thuộc thành phố Seattle (Mỹ). Tuy nhiên, những khó khăn trong hoạt động kinh doanh khi phải cạnh tranh gay gắt trước sự vươn lên của các đối thủ không chỉ từ chính nước Mỹ mà còn từ bên ngoài, đã buộc Microsoft phải thay đổi chính mình.

Dù doanh thu của Microsoft trong quý thứ ba tài khóa 2015 (kết thúc ngày 31/3) đã tăng 6% lên 21,7 tỷ USD, con số cao hơn dự báo ban đầu, song lợi nhuận ròng của Microsoft lại giảm 12% xuống 4,985 tỷ USD. Trước tình hình này, Giám đốc điều hành (CEO) Microsoft Satya Nadella đang đẩy mạnh đa dạng hóa đầu tư vào các dịch vụ mới và thiết kế lại hệ điều hành Windows để gia tăng tính tương thích với các dòng điện thoại thông minh (smartphone) và ứng dụng di động.

Tuy nhiên, sự suy giảm liên tiếp trong lĩnh vực máy tính cá nhân (PC) đã khiến cổ phiếu của Microsoft gặp nhiều sức ép trong những tháng gần đây, chấm dứt giai đoạn “trăng mật” khi giá trị cổ phiếu của Microsoft tăng ổn định kể từ tháng 2/2014 sau khi ông Nadella lên đảm nhiệm cương vị CEO.

Các nhà phân tích phố Wall cho rằng 2015 là năm mà CEO Nadella cần thể hiện rõ hơn rằng chiến lược thay đổi của ông đang tạo ra sự khác biệt cho Microsoft. Tình hình kết quả kinh doanh của Microsoft đã ghi nhận tầm quan trọng trong các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của CEO Nadella. Doanh thu từ mảng điện toán đám mây đang tăng nhanh chóng, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng “móc hầu bao” để sử dụng các trung tâm dịch vụ dữ liệu đám mây do Microsoft cung cấp. Tập đoàn này dự báo có thể đạt doanh số bán trên 6 tỷ USD chỉ trong phân khúc điện toán đám mây năm 2015.

Mặc dù vậy, Microsoft vẫn phụ thuộc nhiều vào việc bán các phần mềm truyền thống, phân khúc đang đóng góp lớn nhất trong tổng doanh thu 21,7 tỷ USD nói trên, nhưng lại giảm tới 26% doanh thu từ bản quyền hệ điều hành Windows cho máy tính cá nhân và giảm 19% doanh thu bản quyền Windows cho máy vi tính doanh nghiệp.

Sau khi chạm đỉnh 50,05 USD/cổ phiếu hồi tháng 11 năm ngoái, cổ phiếu của Microsoft hiện được giao dịch quanh ngưỡng 43 USD/cổ phiếu. Doanh nghiệp này hy vọng lợi nhuận của họ sẽ được cải thiện khi trình làng hệ điều hành mới Windows 10 trong năm nay, với các tính năng vượt trội và tương thích tốt cho cả PC và thiết bị di động. Đây được coi là bước đi mà CEO Nadella hướng phần mềm của Microsoft vào tay người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng smartphone và máy tính bảng hơn là sử dụng PC.

Điều này có thể ảnh hưởng tới doanh thu của Microsoft trong tương lai gần, song chuyên gia phân tích tại Bernstein Research, Mark Moerdler cho rằng chiến lược nói trên có thể được bù đắp bằng cách sẽ có nhiều người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của Microsoft hơn, giống như công cụ tìm kiếm trực tuyến Bing và bộ ứng dụng văn phòng Office 365.

Cạnh tranh là một chuyện và thích ứng với đối thủ cũng là mục tiêu quan trọng của Microsoft. Microsoft đã tung ra các ứng dụng Office mới chạy “nuột” trên nền tảng hệ điều hành của các đối thủ như Apple và Google. Dù các ứng dụng này là hoàn toàn miễn phí với người dùng phổ thông, song Microsoft hy vọng có thể đạt doanh thu từ các dịch vụ gia tăng hay phiên bản cho người dùng doanh nghiệp.

“Chiến lược này sẽ tạo ra những giá trị và ý nghĩa tích cực, song quá trình chuyển đổi cấu trúc như vậy cần nhiều thời gian thích ứng”, nhà phân tích Ted Shadler tại Forrester nhận định. Câu hỏi là: Liệu thời gian có chờ đợi Microsoft hay không?

Các tin khác