Tại khu du lịch Sa Pa (Lào Cai), khu du lịch Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và nhiều nơi ở cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc (Hà Giang), đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), huyện Bắc Yên (Sơn La)... vẫn có băng giá trắng xóa do nhiệt độ xuống dưới ngưỡng 0°C.
Tại Lào Cai và Lai Châu, do khách du lịch ùn ùn kéo lên ngắm băng, săn tuyết nên quốc lộ 4D từ TP Lào Cai lên thị xã Sa Pa và đèo Ô Quy Hồ sang huyện Tam Đường - Lai Châu bị ùn ứ cục bộ. Sương mù dày đặc, xe cộ phải bật đèn, di chuyển với tốc độ chậm; nhiều phương tiện lưu thông từ hướng Lào Cai sang Lai Châu phải quay đầu vì ách tắc ở khu vực đèo Ô Quy Hồ, nơi liên tục xuất hiện băng giá trong hai ngày cuối tuần qua.
Chủ tịch UBND huyện Tam Đường Sùng Lử Páo cho biết, mặc dù nhiệt độ rất lạnh, có nơi dưới 3oC nhưng ở đây không có trâu bò bị chết rét. Phần lớn người dân đã cột, nuôi nhốt gia súc, che chắn chuồng trại để giảm thiệt hại. Phòng GD-ĐT huyện Tam Đường đã thông báo cho các trường nếu ngày 11-1, nhiệt độ dưới 7°C sẽ tiếp tục cho học sinh nghỉ học.
Tại nhiều khu vực vùng cao của tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái... hiện nay lạnh giá cả ngày lẫn đêm, sương mù, nhiệt độ giảm sâu, nhiều nơi có mưa nên càng tăng thêm rét buốt. Vì vậy, bà con ở đây hầu như đang phải ngưng trệ toàn bộ hoạt động sản xuất ngoài trời và phải ở nhà, sử dụng các thiết bị sưởi ấm để ứng phó với giá rét. Do điều kiện kinh tế của bà con khó khăn, không mua được thiết bị điện nên việc giữ ấm chủ yếu là đốt củi.
Tại Nghệ An, tối 10-1, thầy giáo Nguyễn Đình Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết, rét đậm rét hại xuất hiện 3-4 ngày nay. Nhiệt độ đo được tại vùng này vào ban đêm xuống đến 2°C. Trường có 508 học sinh, trong đó có 415 bán trú trong phòng xập xệ, thiếu quần áo ấm. Nhà trường đã liên hệ một số nơi để xin áo ấm cho các em nhưng mới được 200 cái. Để chống rét, thầy cô giáo hướng dẫn các em mặc “độn” các loại quần áo có được, đốt lửa sưởi ấm và chờ sáng thứ hai (ngày 11-1) có ý kiến của Phòng Giáo dục huyện để xem xét cho các em nghỉ học.
Ngoài khu vực Na Ngoi, các khu vực khác trong tỉnh Nghệ An như Mường Lống, Mường Ải (huyện Kỳ Sơn), Mai Sơn, Nhôn Mai (huyện Tương Dương), Tri Lễ (huyện Quế Phong)… cũng đang phải gánh chịu đợt giá rét khủng khiếp.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, chiều 10-1, khối không khí lạnh đã di chuyển miền Bắc và miền Trung. Dự báo, đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng ở phía Bắc nước ta sẽ còn kéo dài thêm nhiều ngày. Nhiệt độ ở Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế sẽ dưới 10°C (nhiều nơi tiếp tục dưới 0°C); các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hoà có mưa vào đầu tuần này.
Chiều 10-1, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cũng cảnh báo một đợt triều cường, nước dâng cao và nguy cơ ngập úng, sạt lở ven biển Nam bộ do ảnh hưởng của gió chướng (gió mùa Đông Bắc do không khí lạnh gây ra). Hiện tại, vùng ven biển Nam bộ đang vào kỳ triều cao, đỉnh triều ven biển Nam bộ đang lên; nước dâng do gió mùa cao từ 0,3-0,5m.
Do ảnh hưởng của thủy triều cao kết hợp với nước dâng do gió mùa, dự báo mực nước ven biển Nam bộ tiếp tục tăng trong mấy ngày tới; từ ngày 15-1 mới xuống dần. Do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với nước dâng do gió mùa, nguy cơ ngập úng có thể xảy ra tại các vùng trũng thấp, sạt lở đê biển tại ven biển các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ trong các ngày từ 12-1 đến 15-1.