Miễn dịch cộng đồng - Chiến lược chống virus phù hợp cho nước nghèo?

(ĐTTCO) - Tranh cãi vì có nguy cơ tử vong cao, chiến lược miễn dịch cộng đồng từng được Anh dùng chống lại Covid-19 đã phải dừng lại.

Đánh dấu trên vỉa hè để giãn cách xã hội tại một khu chợ tạm ở Chennai vào ngày 7/4. Photo: Arun Sankar / AFP qua Getty Images
Đánh dấu trên vỉa hè để giãn cách xã hội tại một khu chợ tạm ở Chennai vào ngày 7/4. Photo: Arun Sankar / AFP qua Getty Images

Tuy nhiên, một số nhà khoa học tin rằng đây là giải pháp cho các nước nghèo, ít nguồn lực.

Theo một nhóm chuyên gia đang phát triển ý tưởng này, khả năng miễn dịch cộng đồng cho phép phần lớn dân số kháng virus bằng cách lây nhiễm và sau đó phục hồi, nhờ vậy có thể kinh tế ít bị ảnh hưởng hơn, và thậm chí ít người chết hơn, so với việc bị phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của nó.

An toàn cho kinh tế

Jayaprakash Muliyil, một nhà dịch tễ học nổi tiếng của Ấn Độ cho biết, không có quốc gia nào có thể có thể kéo dài thời gian phong tỏa mãi, ít nhất với một quốc gia như Ấn Độ.

“Bạn có thể đạt được một điểm miễn dịch trong cộng đồng. Và khi khả năng miễn dịch của cộng đồng đạt đủ số lượng thì dịch bệnh sẽ chấm dứt và người già cũng an toàn”, Jayaprakash nói.

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton và Trung tâm Động lực học, Kinh tế và Chính sách, một nhóm vận động y tế công cộng có trụ sở tại New Delhi và Washington, đã xác định Ấn Độ là nơi mà chiến lược này có thể thành công vì dân số trẻ lớn, sẽ phải đối mặt ít hơn nguy cơ nhập viện và tử vong.

Họ nói rằng việc cho phép virus được giải phóng một cách có kiểm soát trong bảy tháng tới sẽ mang lại 60% khả năng miễn dịch của người dân vào tháng 11 và do đó ngăn chặn căn bệnh này.

Tỷ lệ tử vong có thể được hạn chế so với các quốc gia châu Âu như Ý, vì 93,5% dân số Ấn Độ dưới 65 tuổi.

Đề xuất cấp tiến nhấn mạnh những thách thức mà các nước đang phát triển nghèo hơn - bao gồm cả các quốc gia như Indonesia và một số khu vực châu Phi hạ Sahara - phải đối mặt khi việc kiềm chế dịch bệnh bằng các biện pháp cách ly, phong tỏa như các nền kinh tế tiên tiến áp dụng.

“Sự bất khả thi của thực hành giãn cách xã hội trong điều kiện sống đông đúc như ở nhiều thành phố và làng mạc ở Ấn Độ, việc thiếu bộ kit xét nghiệm để phát hiện nhiễm trùng và sự đau khổ của người dân do phong tỏa cho thấy có thể cần một con đường khác ở những nơi này”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Để làm điều này, nhóm Princeton và CDDEP khuyên gỡ bỏ phong tỏa của Ấn Độ (đã được kéo dài đến ngày 3-5) và để phần lớn dân số dưới 60 tuổi trở lại cuộc sống bình thường, mặc dù giãn cách xã hội vẫn được khuyến khích, khẩu trang sẽ được khuyến khích và các cuộc tụ họp lớn sẽ bị cấm.

Việc mở lại sẽ đi kèm với một nỗ lực xét nghiệm càng nhiều người càng tốt và cách ly các trường hợp nghi ngờ và được xác nhận.

Những người trên 60 tuổi về cơ bản sẽ phải duy trì tình trạng cách ly xã hội cho đến khi đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng và được ưu tiên xét nghiệm và điều trị nếu bị bệnh.

Trong khi hiệu quả của việc cách ly, phong tỏa vẫn là dấu hỏi, thì phí tổn mà nó đem lại đã rõ ràng tại Ấn Độ: Chính quyền địa phương đã phải dựng trại để giữ 1,25 triệu người di cư rời khỏi thành phố khi họ mất việc, trong khi các trại lương thực nuôi 7,5 triệu người làm công ăn lương hàng ngày cũng bị thất bại do cách ly.

Ram We Lereminarayan, giám đốc của CDDEP và một nhà nghiên cứu của Princeton cho biết chúng ta phải đối phó với nạn đói và tất cả những thứ khác. “Bằng cách cho phép coronavirus lây lan một cách có kiểm soát, chắc chắn sẽ có những cái chết, nhưng nó sẽ nhỏ hơn nhiều theo cách này và chúng ta có thể mở lại nền kinh tế vào tháng 11”, ông nói.

Nhưng chiến lược này đã gây tranh cãi trên phạm vi quốc tế. Vương quốc Anh đã theo đuổi chiến lược này nhưng sau đó từ bỏ nó vì các dự đoán cho thấy hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ sẽ bị quá tải bởi số người nhập viện.

Rủi ro về con người?

Ngay cả ở một đất nước như Ấn Độ với dân số trẻ, khái niệm này có những rủi ro cố hữu. Cho phép mọi người bị nhiễm bệnh chắc chắn sẽ đưa nhiều bệnh nhân đến bệnh viện hơn. Các nhà nghiên cứu cho biết Ấn Độ sẽ phải khẩn trương mở rộng dịch vụ chăm sóc và cách ly giường bệnh để đảm bảo rằng nhiều đợt bệnh nhân không trở thành thương vong trước khi đạt được miễn dịch cộng đồng.

Một rủi ro khác là Ấn Độ có ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới và tỷ lệ tăng huyết áp và tiểu đường cao đã ảnh hưởng đến sức khỏe của những người trẻ tuổi, có nghĩa là tỷ lệ tử vong do virus có thể cao hơn dự kiến. Trong khi đó ý thức người dân kém, có thể không tuân theo các hướng dẫn giãn cách xã hội.

Và với việc Covid-19 chỉ mới xuất hiện lần đầu tiên ở người vào cuối năm ngoái, vẫn còn rất nhiều điều chưa biết. Miễn dịch với virus có thể là một quá trình phức tạp hơn dự kiến. Một nhóm các nhà nghiên cứu ước tính có tới 82% dân số sẽ phải bị nhiễm bệnh trước khi đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.

Các tin khác