Miễn, giảm, giãn thuế tạo tâm lý và hiệu ứng cao

Các phương án của Chính phủ trình Quốc hội miễn, giảm, giãn thuế đối với các tổ chức, cá nhân đang có nhiều quan điểm khác nhau trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội.

Các phương án của Chính phủ trình Quốc hội miễn, giảm, giãn thuế đối với các tổ chức, cá nhân đang có nhiều quan điểm khác nhau trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội.

Trao đổi với ĐTTC, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM TRẦN DU LỊCH thể hiện quan điểm:

Về quan điểm cá nhân, tôi đồng tình với hầu hết giải pháp Chính phủ đưa ra. Riêng về phương án giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tôi đồng tình với quan điểm của Ủy ban TC-NS. Đó là chỉ giảm 30% thuế TNDN cho tất cả DN nhỏ và vừa (DNNVV) (có khoảng 236.500 DNNVV trong tổng số 303.200 DN theo phương án giảm của Chính phủ) và các DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất da giày, dệt may, chế biến thực phẩm, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

Nhưng không mở rộng một cách chung chung như đối tượng đề xuất của Chính phủ là “một số ngành nghề sản xuất, kinh doanh quan trọng”. Bởi nếu mở rộng ra, có thể có sự lạm dụng trong thực thi, vì có rất nhiều DN thuộc hàng quan trọng, như ngành dầu khí chẳng hạn.

Các DNNVV đang chờ phương án miễn, giảm, giãn thuế được thông qua trong kỳ họp Quốc hội lần này. Ảnh: LÃ ANH
Các DNNVV đang chờ phương án miễn, giảm, giãn thuế được thông qua trong kỳ họp Quốc hội
lần này. Ảnh: LÃ ANH

PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về phương án miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của Chính phủ?

Ông TRẦN DU LỊCH: - Theo tôi, thay vì bàn chuyện nâng mức khởi điểm chịu thuế, chúng ta có thể miễn thuế bậc 1, nghĩa là nâng mức thu nhập phải chịu thuế để hỗ trợ một phần đối tượng nộp thuế đang gặp khó khăn.

- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc miễn thuế cho những người đến ngưỡng chịu thuế của bậc 1 thực chất không đáng là bao và không bù đắp trượt giá?

- Tôi cho rằng dù không nhiều nhưng điều đó cũng thực sự quan trọng, vì tâm lý người lao động cảm thấy trong bối cảnh khó khăn này có sự hỗ trợ của Nhà nước là điều đáng quý.

Thứ hai, cả đối tượng nộp thuế và cơ quan thu thuế cũng không mất nhiều thời gian, thủ tục trong việc khai thuế, quyết toán thuế. Những cá nhân hàng tháng có thể phải nộp chỉ 50.000 đồng thì miễn thuế cũng không giải quyết được khó khăn cho họ.

Nhưng như tôi đã nói, miễn thuế sẽ kéo theo giảm nhiều chi phí, thời gian, công sức của các đối tượng liên quan.

- Trong phương án của Chính phủ có đề cập đến việc giảm 50% mức thuế khoán (bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế TNCN, TNDN từ quý III đến hết năm 2011 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh… thuê). Theo ông liệu điều này có khả thi trong thực tế?

- Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có đến 90% các khu nhà trọ cho công nhân thuê cam kết không tăng giá. Đó là sự đóng góp rất lớn, nên việc Nhà nước chia sẻ khó khăn với đối tượng này là cần thiết để động viên sự tích cực của họ.

Tôi nghĩ, nếu chủ trương này được thông qua, để đảm bảo việc giảm thuế này đúng đối tượng, phải có trách nhiệm của cơ quan thuế. Với các chủ trương miễn, giảm, giãn thuế, ý nghĩa kinh tế cũng chỉ một phần nhưng nếu được thông qua thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội trong việc chia sẻ cho các đối tượng nộp thuế đang gặp khó khăn. Tác động tâm lý tốt và động viên đối tượng nộp thuế làm tốt hơn, từ đó chúng ta sẽ tạo ra nguồn thu mới.

Dù nền kinh tế khó khăn, DN đã đi nửa chặng đường của năm 2011, nhưng các phương án đề xuất vẫn hết sức cần thiết để từ đó các đối tượng nộp thuế tạo vốn cho năm 2012 nhằm phục hồi sản xuất - kinh doanh.

- Xin cảm ơn ông.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS:

Hết sức cân nhắc

Một số giải pháp miễn, giảm, giãn thuế là cần thiết, song cần hết sức cân nhắc ở thời điểm hiện tại. Chẳng hạn việc miễn thuế TNCN với người có thu nhập chịu thuế ở bậc 1 không tác động đến đa số người lao động và người làm công ăn lương, vì những đối tượng này không thuộc diện chịu thuế (số người thuộc diện chịu thuế trong khu vực hành chính sự nghiệp chỉ có hơn 172.000 người, số người thuộc khu vực kinh doanh 678.860 người so với dân số Việt Nam khoảng 86 triệu người). Mặt khác, số được miễn ở bậc 1 không cao nên việc miễn thuế không mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt, chỉ mang tính động viên. Ngoài ra, việc miễn, giảm thuế với số lượng như dự kiến chỉ bằng 1/10 số miễn, giảm của năm 2009; số tiền giãn thuế chỉ bằng 1/3 so với năm 2009 nên sức lan tỏa chính sách không cao nhưng lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối ngân sách. Trong bối cảnh khai thác nguồn thu hiện nay gặp nhiều khó khăn, việc giảm thu cần hết sức cân nhắc.

Ông ĐỖ HOÀNG ANH TUẤN, Thứ trưởng Bộ Tài chính:

Chủ trương tốt

Tôi nghĩ chủ trương giảm 50% mức thuế khoán (đối với các cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện hộ, cá nhân này giữ ổn định mức giá cho thuê, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2010) là rất tốt. Để đảm bảo tính khả thi, cần có sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương trong việc giám sát việc thực hiện cam kết của các chủ kinh doanh nhà trọ. Bên cạnh đó là trách nhiệm của các tổ chức công đoàn ở DN trong việc giám sát việc cung cấp suất ăn như cam kết.

ĐB ĐẶNG THÀNH TÂM (TPHCM):

Quan trọng là chính sách đầu vào

Tôi nghĩ bước giãn, giảm, miễn thuế Chính phủ đưa ra là bước cuối cùng trong một chính sách. Giống như người bị bệnh phải cho nghỉ an dưỡng. Đó cũng là một cách làm tốt. Nhưng tốt hơn là chúng ta phải tính trước đó chứ không phải đợi đến khi ốm yếu mới có chính sách. Thực ra các giải pháp đó chỉ là phụ trợ chứ không phải là cơ bản. Chẳng hạn chúng ta muốn tăng trưởng dựa vào xuất khẩu thì phải có giải pháp cụ thể hơn với những ngành này và tăng giá trị gia tăng trong nước. Thuế là nghĩa vụ đối với mọi tổ chức, cá nhân nhưng cái quan trọng hơn là chính sách khuyến khích cho đầu vào chứ không phải đầu ra.

Các tin khác