Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Theo khoản 2, Điều 351 Bộ luật Dân sự, trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác, hoặc pháp luật có quy định khác. Dịch Covid-19 bùng phát và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố “Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu” vào ngày 31-1-2020.
Tại Việt Nam, ngày 1-2-2020, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 173/QĐ-TTg công bố Covid-19 là “Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu”, đồng thời chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành và địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Do đó, Covid-19 là sự kiện khách quan, nằm ngoài ý chí của các bên tham gia hợp đồng, các bên không thể lường trước được hậu quả mà Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, để Covid-19 có thể được xem là sự kiện bất khả kháng, cần đáp ứng thêm các điều kiện: Bên có nghĩa vụ đã nỗ lực áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép để khắc phục tác động của Covid-19 tới việc thực hiện hợp đồng; và Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp làm bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng.
Như vậy, Covid-19 có thể được xem là sự kiện bất khả kháng để bên có nghĩa vụ được miễn trừ trách nhiệm hay không, còn phụ thuộc vào từng loại hợp đồng đã ký kết, phạm vi nghĩa vụ phải thực hiện. Nếu Covid-19 không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ, thì Covid 19 sẽ không được xem xét là sự kiện bất khả kháng.
Trường hợp Covid-19 trở thành sự kiện bất khả kháng để miễn trừ trách nhiệm, thì các bên có thể đàm phán sửa đổi hợp đồng theo quy định tại Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015 do hoàn cảnh thay đổi. Bởi mục đích giao kết hợp đồng có đạt được hay không, không chỉ phụ thuộc vào việc tuân thủ hợp đồng, thực hiện nội dung của hợp đồng, mà còn bị chi phối bởi điều kiện, hoàn cảnh khách quan mang lại.
Do vậy, trong trường hợp nhận thấy khi Covid-19 diễn biến phức tạp, nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên, thì các bên có thể thỏa thuận sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được, một trong các bên có thể yêu cầu tòa án chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định, hoặc sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi. Cần lưu ý rằng trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng hay trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.