Hội nghị do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm và đại diện 19 tỉnh, thành phố, một số cơ quan quốc tế tham dự.
Hội nghị đã phân tích, dự báo diễn biến tình hình thiên tai năm 2020, đồng thời chuẩn bị phương án ứng phó cho mùa thiên tai trọng điểm 2020 tại khu vực Nam bộ. Thống kê năm 2019, khu vực miền Nam đã xảy ra 141 trận dông lốc, sét; mưa lớn lịch sử tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang) với tổng lượng lên tới 1.173mm; triều cường ngày càng cao tại TPHCM và một số tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL, gió mùa Tây Nam gây sạt lở nghiêm trọng tại đê biển Tây Cà Mau… Mặc dù giảm thiểu nhưng thiên tai đã làm 16 người chết và mất tích, thiệt hại ước tính khoảng 466 tỷ đồng.
Những tháng đầu năm 2020, hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt tại ĐBSCL vượt mức lịch sử năm 2016 cả về thời gian và mức độ đã làm trên 50.000ha lúa bị thiệt hại, 96.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Chỉ riêng TPHCM, trong năm 2019 và đầu năm 2020 xảy ra 4 đợt lốc xoáy và mưa dông, có 7 đợt triều cường lớn, 5 vụ sạt lở bờ sông, kênh rạch đã làm hư hỏng 22 căn nhà, ngã đổ 256 cây xanh, 806m2 đất và 36 kè đá sạt lở.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho hay, trong những năm qua TPHCM đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp như thường xuyên ban hành các văn bản để chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; kiểm tra, chặt tỉa cây xanh để hạn chế thấp nhất sự cố khi xảy ra thiên tai; ưu tiên đầu tư các công trình phòng chống thiên tai, chống ngập úng, chống sạt lở…, từng bước nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.
Dự báo, từ nay đến cuối năm 2020 xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông; trong đó có khoảng 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền; bão tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020; lũ tại sông Cửu Long muộn và ở mức báo động 1-2.
Hội nghị cũng thảo luận, đề ra các giải pháp thiết thực, chủ động ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất, phấn đấu đến năm 2025 giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020; 100% lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng phòng chống thiên tai, chủ động trong dự báo, cảnh báo, phòng chống lũ quét, sạt lở đất.