Đồi Đá Bàn (xã Thành Trực, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) bị nứt, sạt lở đe dọa hàng chục hộ dân bên dưới. Ảnh: DUY CƯỜNG
Nứt, sạt nhiều tuyến đường đèo
Có mặt tại đường tránh đèo Măng Rơi (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), chúng tôi chứng kiến đất đỏ nhão nhoẹt từ taluy tràn xuống mặt đường. Trên vách núi, nhiều mỏm đất, đá đang bị sạt lở, rơi xuống ngổn ngang. Nhiều vị trí taluy khác cũng đang chực chờ đổ sập.
Lo sợ sạt lở trên tuyến đường tránh nên người dân không dám đi đường này mà chọn đi con đường khác quanh co, dốc cao hơn. Theo Sở GTVT tỉnh Kon Tum, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã xuất hiện sạt lở ở một số tuyến đường, như tại đường khu tái định cư Thủy điện Plei Krông, tuyến ĐT 677.
Xuôi về tỉnh Đắk Nông, tại đèo Cùi Chỏ trên quốc lộ 28 đoạn qua xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong bị sạt lở nhiều điểm. Nhiều khối đất và cây rừng phía taluy dương sạt trượt xuống mương thoát nước và một phần mặt đường.
Cũng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, khu vực dốc Ông Bồ trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp) cũng bị sạt lở 2 bên taluy âm, kéo dài hàng chục mét.
Trong những ngày qua, mưa lớn khiến cơ quan chức năng không thể triển khai biện pháp khắc phục sạt lở tại Km2+900 đèo Tà Nung (tuyến ĐT 725 qua xã Tà Nung, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).
Riêng tại Đà Lạt, UBND TP Đà Lạt đã chỉ đạo các phường, xã tổ chức kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện các đoạn đường có nguy cơ mất an toàn giao thông, các đoạn đường bị hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông do mưa lớn gây ra.
Chủ động phòng tránh, kịp thời khắc phục
Từ tháng 5 đến tháng 9-2024, tại các tuyến đường trọng điểm nối trung tâm TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đi Khu du lịch Mũi Né như đường Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Thúc Kháng... liên tiếp xảy ra sạt lở, lũ cát đỏ. Ông Lê Trọng Nghĩa (ngụ phường Phú Hài, TP Phan Thiết) cho biết, mỗi khi có mưa lớn là nước kèm cát đỏ từ trên đồi cao lại ập xuống đường, rất nguy hiểm.
Cũng tại tỉnh Bình Thuận, tuyến quốc lộ 28B nối TP Phan Thiết với TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đang trong quá trình thi công cải tạo, nâng cấp nên nguy cơ sạt lở xảy ra rất cao.
Mưa lớn khiến công tác khắc phục sạt lở tại đèo Tà Nung, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) không thể triển khai. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu Sở GTVT rà soát, kiểm tra phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở trên các tuyến giao thông của tỉnh, trong đó có tuyến quốc lộ 28B; đồng thời sẵn sàng phân công lực lượng ứng trực, phương tiện xử lý, khắc phục ngay các vị trí bị sạt lở.
Tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, các địa phương cũng đã sẵn sàng các phương án sơ tán, dời dân trong các vùng đồi núi, ven sông có nguy cơ sạt lở cao. Trong đó, các huyện miền núi Trà Bồng, Sơn Tây, Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) thường có nguy cơ xảy ra thiên tai, sạt lở cực đoan, nguy hiểm nên tỉnh Quảng Ngãi đang dồn lực để xây dựng phương án ứng phó thiên tai, xử lý sạt lở tại các vùng núi này.
Tại huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) đã rà soát được 6 điểm nguy cơ sạt lở cấp độ 1, 32 điểm sạt lở nguy cơ cấp độ 2 và 2 điểm sạt lở nguy cơ cấp độ 3 (cấp độ nguy hiểm cao).
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết, đã thành lập các đoàn công tác mở các đợt kiểm tra, chỉ đạo các địa phương, người dân vùng xung yếu thiên tai sẵn sàng, chủ động ứng phó trước mùa mưa lũ.
Theo ghi nhận, dọc công trường thi công cung đường quốc lộ 19 Bình Định - Gia Lai, đoạn qua đèo An Khê, đến nay vẫn ì ạch. Khắp cung đường đèo này núi đồi đang được đơn vị thi công đào xẻ, cắt phá để tạo tuyến chính mở đường xuyên núi. Tuy nhiên, quá trình thi công còn rất chậm nên nhiều miệng núi mới mở còn toang hoác, rình rập nguy cơ sạt lở, gây mất an toàn cho phương tiện lưu thông.
“Chúng tôi đang đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương có các biện pháp an toàn công trình trước mùa mưa lũ, không để xảy ra các nguy cơ mất an toàn như những năm trước trên quốc lộ 19, đặc biệt là đoạn qua đèo An Khê.
Hiện, nhà thầu đã cam kết trước ngày 15-10 cơ bản làm xong đoạn đèo, đảm bảo an toàn đón mưa lũ. Đến cuối năm thì hoàn thành xong dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 19. Trong mùa mưa, chủ đầu tư phải đảm bảo các điều kiện an toàn giao thông như có hệ thống cảnh báo an toàn, cọc tiêu...
"Nếu để xảy ra tai nạn, chủ đầu tư, nhà thầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Chiến cho biết.
Tương tự, tại tỉnh Phú Yên, công trình thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An đang xẻ nhiều đồi núi. Đặc biệt, tại đoạn qua xã An Dân (huyện Tuy An), đồi núi đang được đào mở để phục vụ thi công. Tuy nhiên, công trường ngổn ngang vì vật liệu, đất đá trên đỉnh núi. Nhiều người dân lo ngại đất đá sạt đổ vùi lấp công trình, hoa màu, ruộng vườn.
Ngày 24-9, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa phối hợp với huyện Thạch Thành đang lên phương án xử lý sự cố tại đồi Đá Bàn (thôn Chính Thành, xã Thành Trực).
Mưa lớn kéo dài thời gian qua đã khiến đồi bị nứt, sạt, đe dọa trực tiếp 25 nhà dân ngay phía dưới.
Ngoài đồi Đá Bàn, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang có nhiều sự cố nứt, sạt lở đồi, núi đe dọa đến khu dân cư, trường học tại xã Thiết Kế (huyện Bá Thước), xã Lâm Phú (huyện Lang Chánh), xã Thanh Quân (huyện Như Xuân), xã Trung Lý (huyện Mường Lát),…
Cùng ngày, các điểm sạt lở trên quốc lộ 15C, 16 đã được khắc phục tạm thời, con đường huyết mạch từ miền xuôi lên huyện rẻo cao - biên giới Mường Lát được thông tuyến.
Theo Sở GTVT Thanh Hóa, trong đợt mưa lũ vừa qua các tuyến quốc lộ trên địa bàn bị 182 điểm sạt lở, đá lăn. Trong khi đó, tại Nghệ An có 70 điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ, 70 điểm trên đường tỉnh.
Ngày 24-9, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trên địa bàn mưa đã ngớt, mực nước lũ trên các sông La, Ngàn Phố, Ngàn Sâu đã giảm xuống dưới báo động 1. Trong ngày, tranh thủ nước rút, trời tạnh ráo, người dân đã triển khai dọn dẹp, vệ sinh môi trường.