Du khách tham quan Tháp Bà Ponagar ở Nha Trang. Ảnh: QUỲNH ANH
Dấu mốc mở cửa từ 15-3 được nhiều người làm du lịch đánh giá có tác dụng “đánh động” là chính. Bởi lẽ phương án đón khách vẫn chưa được phê duyệt, chưa có những quy định rõ ràng về y tế…, khiến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong tâm trạng tiếp tục dò xét. Thực tế phía đối tác quốc tế tuy tiếp nhận khá tích cực thông tin Việt Nam mở cửa, nhưng họ cần thông tin rõ ràng.
“Cứ nói chủ trương cho mở cửa, nhưng cụ thể cần làm gì, văn bản hướng dẫn ra sao, điều kiện cách ly y tế hay xét nghiệm như thế nào phải rõ ràng, phải có kế hoạch… Do vậy cũng như nhiều công ty lữ hành khác, chúng tôi vẫn nghe ngóng, chưa hối thúc đối tác đưa khách vào”, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO Công ty AZA Travel cho biết.
Cùng chung lo ngại này, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtour nêu quan điểm, ngày 15-3 giống như phát súng lệnh đánh một dấu mốc đặc biệt đối với du lịch sau 2 năm hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, đây là mùa thấp điểm của du khách quốc tế. Nếu như trước đây, chúng ta có thể hướng tới thị trường khách du lịch Đông Á (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) để bù lấp ở mùa thấp điểm, thì hiện nay thị trường Trung Quốc còn đang đóng cửa, thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc mới dần phục hồi. Hơn thế nữa, khách du lịch quốc tế đi theo đoàn thường có xu hướng đặt dịch vụ từ rất sớm và rất lâu trước thời điểm đi du lịch. Bởi vậy sẽ không có tình trạng bị quá tải, và công ty vẫn đang xúc tiến kết nối các đối tác quốc tế để đón khách.
Cũng theo ông Hoan, trong tháng 3, công ty đã khởi động tổ chức được một số đoàn khách lên tới hàng trăm người. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn. “Nhiều dịch vụ giải trí về ban đêm như chợ đêm, karaoke, vũ trường… tại một số địa phương vẫn chưa được mở cửa trở lại, hoặc bị giới hạn thời gian mở cửa, cũng làm giảm đi tiện ích hưởng thụ của du khách”, ông Hoan chia sẻ.
Bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho biết, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch (chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam), với hơn 30.000 cơ sở lưu trú, 650.000 phòng, song công suất sử dụng hiện nay rất thấp, có những khách sạn chỉ đạt 5%, 7%, 15%. Mở cửa du lịch quốc tế, doanh nghiệp lưu trú hồ hởi, tuy nhiên, sau một thời gian dài đóng cửa, lực lượng lao động trong ngành du lịch nghỉ việc nhiều, bây giờ nếu hoạt động trở lại cũng cần có thời gian để thu hút, đào tạo lại nhân lực, tu sửa, chỉnh trang lại cơ sở hạ tầng.
Lãnh đạo Công ty VietSense Travel thẳng thắn: “Việt Nam chỉ là một điểm đến trên bản đồ du lịch thế giới, xung quanh chúng ta còn rất nhiều đất nước có thể thay thế. Với sự cạnh tranh như vậy, nếu chúng ta đặt điều kiện ngoặt nghèo thì khó thu hút được khách. Du khách sẽ chọn Thái Lan, Indonesia, hay bất cứ quốc gia nào chào đón họ một cách nồng hậu”.
* Ông PHẠM MINH NHỰT, Tổng Giám đốc Công ty CP Biển Hòn Tằm:Công ty đã chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, phục vụ tốt nhất lúc du khách tới tham quan, lưu trú. Tuy nhiên, dù mở cửa nhưng một số nước có chính sách kiểm soát Covid-19 khá gắt, ví như Trung Quốc duy trì chính sách “Zero Covid-19”; hoặc Hàn Quốc quy định, người đi nước ngoài trở về nước phải cách ly… Những điều đó đang ảnh hưởng nhất định đến du khách vào Việt Nam. |
Sửa đổi các quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh Ngày 14-3, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi các quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh cho phù hợp với tình hình mới theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 7-3. PHAN THẢO |