Thống nhất cao với nhận định những kết quả trong việc mở cửa thị trường góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp, các đại biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến: "Mở cửa thị trường nông sản – cơ hội từ những thị trường khó tính" cho rằng, việc mở cửa thị trường đã khó nhưng giữ được thị trường và phát triển bền vững còn khó hơn, đòi hỏi mỗi nông dân, doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của từng thị trường.
Nhấn mạnh đến uy tín của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu chia sẻ: "Mở cửa một thị trường mất ít nhất từ 3 - 5 năm, doanh nghiệp khi làm một số sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ cũng mất đến 6 năm. Đây là nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đàm phán để mở cửa thị trường. Khi chúng ta đã mở cửa được thị trường thì vấn đề quan trọng là làm sao để duy trì và phát triển thị trường đó, đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng doanh nghiệp mà còn là vai trò của các địa phương của nông dân trong chuỗi liên kết để làm sao có thể phát huy được thị trường đó".
Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, muốn mở cửa được thị trường phải tăng cường liên kết không chỉ với nông dân mà còn cần kết nối giữa các ngành hàng, doanh nghiệp với nhau. Câu chuyện thị trường gắn với nhiều sự biến động. Đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết 18 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó nhiều Hiệp định gắn với các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản…
Theo ông Nam: "Chúng ta đa dạng hóa thị trường thì cũng phải tổ chức lại sản xuất theo tín hiệu của thị trường. Thực tiễn đòi hỏi phải có sự liên kết. Ngoài việc liên kết giữa các hộ nông dân với nhau thì phải liên kết các hộ nông dân với các cơ quan quản lý ở địa phương và cơ quan quản lý ở Trung ương. Ví dụ, làm xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc thực vật thì bắt buộc phải liên kết với Cục Bảo vệ thực vật, đây là một sự đồng hành rất chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước với nông dân, doanh nghiệp".
Chia sẻ về khó khăn cũng như cơ hội về thị trường trong năm 2023 đối với thủy sản, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, xuất khẩu thủy sản đã chững lại từ quý 4 năm nay và xu hướng này có thể kéo dài sang quý 1, thậm chí hết nửa đầu năm 2023 do lạm phát tăng cao và kéo dài cùng với đó là sở thích cũng như thói quen của người tiêu dùng thay đổi không đầu tư nhiều vào những sản phẩm có giá trị cao như trước mà chỉ chú trọng những sản phẩm ở mức giá trung bình. Do đó, lượng đơn hàng sẽ giảm sâu, thậm chí một số doanh nghiệp nhỏ sẽ không có đơn hàng.
"Khi những thị trường truyền thống như: EU, Mỹ, Nhật Bản có sự thay đổi lớn về sở thích tiêu dùng và nhu cầu đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam chúng tôi xác định thị trường Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng trong giai đoạn tới. Theo đó, sẽ phải có sự chuẩn bị và thay đổi để tiếp cận sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, từng phân khúc của các thị trường địa phương tại thị trường Trung Quốc" - bà Lê Hằng chia sẻ.