(ĐTTCO) - Trước sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế những năm gần đây, ngoài những công ty hoạt động vì mục đích lợi nhuận, những công ty theo mô hình phi lợi nhuận cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Kỳ 1: Lấy lợi nhuận tái đầu tư
Thế nào là mô hình kinh doanh phi lợi nhuận? Mô hình kinh doanh phi lợi nhuận và mô hình kinh doanh không vì mục tiêu lợi nhuận có cùng bản chất? DN xã hội có phải là một mô hình kinh doanh phi lợi nhuận hay không?
Lợi ích của NPO
Kinh doanh theo mô hình phi lợi nhuận (non-profit – NPO) là một cách thức kinh doanh không mới đối với các quốc gia tiên tiến như Anh, Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Bởi lẽ, NPO chứng minh được sự hiệu quả của mình và được đón nhận như là một giải pháp cho việc đầu tư và phát triển của quốc gia. Hoạt động này rất thành công, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Các tổ chức y tế và giáo dục uy tín hàng đầu thế giới như Đại học Harvard, Đại học Stanford ở Hoa Kỳ, Keio ở Nhật Bản, Yonsei ở Hàn Quốc… đều hoạt động theo mô hình này. Tuy vậy, trong khoảng thời gian gần đây, đặc biệt là sau các sự kiện “Đại học phi lợi nhuận” hay Tập đoàn Vingroup tuyên bố chuyển đổi hệ thống Vimec (bệnh viên), Vinschool (trường học) sang mô hình phi lợi nhuận, cam kết dành 100% lợi nhuận cho mục tiêu phát triển xã hội, thì vấn đề NPO mới được các nhà đầu tư quan tâm.
Kỳ vọng lớn cho tương lai với giải pháp NPO trong sứ mệnh phục vụ cộng đồng. Song kèm theo đó là những thách thức và sự tranh cãi về tính chất “phi lợi nhuận” mà nhà đầu tư cam kết, trong khi thực tế NPO có thể tạo ra “siêu lợi nhuận”, hoặc một số nhà đầu tư cố tình dùng NPO để thu lợi. |
Tại Việt Nam, mô hình NPO vẫn còn khá phức tạp cả trên thực tế lẫn khía cạnh pháp lý. Thị trường giáo dục Việt Nam hiện tại chỉ có trường Đại học Fulbright đại diện tiêu biểu cho mô hình NPO này. Còn các tổ chức khác như RMIT chỉ “hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận” chứ chưa được cấp phép chính thức. Việc Vinmec và Vinschool vừa qua tuyên bố hoạt động theo mô hình NPO, về mặt xã hội có thể khẳng định đó là sự hội nhập tích cực của các DN lớn, không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội của Vingroup nói riêng, mà còn cho thấy sự thay đổi đáng mừng về tầm vóc cũng như tư duy phát triển của DN Việt Nam nói chung. Song về mặt pháp lý, vẫn còn thiếu một quyết định chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền.
Thực tế, nếu NPO được vận hành tốt sẽ tạo ra thặng dư giá trị xã hội rất lớn bởi nguồn tiền thu được để phục vụ cho mục đích tái đầu tư nhằm phát triển hơn nữa trong tương lai. Bản chất của NPO không phục vụ lợi ích cá nhân của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, do vậy sẽ rất dễ dàng trong việc huy động vốn từ các khoản hiến tặng. Nếu được vận hành theo NPO, tổ chức đó sẽ dễ dàng nhận được sự hợp tác hay tài trợ từ trong nước lẫn nước ngoài như các quỹ y tế, giáo dục quốc tế hay chính phủ các nước. Hơn nữa, NPO giải bài toán về cạnh tranh không lành mạnh, hướng môi trường kinh doanh sang mục tiêu xã hội tốt đẹp và mang lại giá trị cho cộng đồng. Song xuất phát từ nhiều lý do, lợi ích to lớn của NPO có thể là “cơ hội kiếm tiền” của một vài tổ chức, cá nhân “núp bóng” danh nghĩa. Vì lẽ vậy, pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định ràng buộc liên quan đến chế độ báo cáo cơ quan quản lý của các NPO.
NPO dưới góc độ kinh doanh
NPO khiến nhiều doanh nhân nghĩ nhiều đến mô hình kinh doanh không có lợi nhuận (chữ “phi” là từ Hán Việt, có nghĩa là chẳng có, không có). Người ta dễ dàng lầm tưởng hoạt động theo mô hình NPO tương tự một hình thức làm “từ thiện, thiện nguyện” đơn thuần. Song NPO không phải không có lợi nhuận. Thậm chí, nếu vận hành tốt và được sự ủng hộ của các nhà tài trợ, NPO có thể siêu lợi nhuận. Vì lẽ đó, yếu tố mang tính quyết định có phải là tổ chức phi lợi nhuận hay không phụ thuộc vào cách họ ứng xử với lợi nhuận, chứ không phải việc họ có lợi nhuận hay không.
Thí dụ về Đại học Harvard của Hoa Kỳ - trường đại học hàng đầu thế giới hoạt động theo mô hình một NPO. Lợi nhuận của Harvard công bố năm 2015 lên mức 4,5 tỷ USD, trong đó số tiền quyên góp được 1,6 tỷ USD. Các nguồn thu của Harvard đến từ các sinh viên, nhà tài trợ, các công ty con trong hệ thống Harvard như Trường Kinh doanh Harvard, Harvard Management Company… Tất cả tạo nên một “đế chế kinh doanh Harvard”, khiến nhiều công ty “vì lợi nhuận” khác phải trầm trồ. Thí dụ như vậy để thấy rằng, NPO có thể mang về cơ hội lợi nhuận rất lớn cho các chủ thể, chứ không phải là một hoạt động từ thiện, thiện nguyện.
![]() |
Trường ĐH RMIT Việt Nam chỉ “hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận” |
Tóm lại, mục đích hoạt động của mô hình mà nhà đầu tư đã hoạch định, NPO có thể được hiểu là toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh sẽ không được chia lại cho các chủ sở hữu, cổ đông mà tái sử dụng cho những hoạt động của tổ chức như đầu tư phát triển công ty, phục vụ cộng đồng. Vì vậy, thực chất kinh doanh theo mô hình NPO không khác gì với hoạt động kinh doanh thông thường, nhưng sức hút về vốn và ý nghĩa của nó đã chiếm được sự chú ý của các nhà đầu tư. Nhiều người thường bị sai lầm khi nghĩ rằng NPO sẽ không có lợi nhuận, hoặc cho rằng khi đưa vào hoạt động nó sẽ đem lại lợi ích miễn phí dành cho người sử dụng. Tuy nhiên, lợi nhuận ở đây bao gồm doanh thu của DN đã trừ đi các chi phí cho việc kinh doanh đó. Vì vậy, sẽ không có điều gì miễn phí.
Trong môi trường cạnh tranh như ở Việt Nam, kinh doanh theo mô hình NPO vẫn còn dừng lại ở mức độ “tuyên bố” hoặc “tôn chỉ, mục đích”. Ngoại trừ một số tổ chức không kinh doanh mà chú trọng mục tiêu từ thiện, còn hầu hết nếu kinh doanh sẽ “vì mục tiêu lợi nhuận”. Song thiết nghĩ, đã kinh doanh, vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận đều là “mục tiêu cao cả”. Vấn đề là cách làm, cách thực thi và kết quả. Doanh nhân cần hiểu rõ mô hình kinh doanh này để không đồng nhất với việc “hiến tặng” lợi nhuận trong kinh doanh của các công ty.