Mở lối vào siêu thị ngoại

Sự đổ bộ ào ạt của các nhà bán lẻ hàng đầu khu vực và thế giới vào thị trường Việt Nam đang buộc các nhà bán lẻ trong nước phải bước vào một cuộc đua tranh quyết liệt để tìm chỗ đứng trong siêu thị ngoại trên toàn cầu.

Sự đổ bộ ào ạt của các nhà bán lẻ hàng đầu khu vực và thế giới vào thị trường Việt Nam đang buộc các nhà bán lẻ trong nước phải bước vào một cuộc đua tranh quyết liệt để tìm chỗ đứng trong siêu thị ngoại trên toàn cầu.

Bước đệm xuất khẩu

Chia sẻ với ĐTTC, ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển của thương hiệu thời trang Belluni (thuộc Tổng công ty 28), cho biết ngoài việc phát triển các cửa hàng bán lẻ của mình, Belluni sẽ có mặt ở nhiều trung tâm thương mại phức hợp của các DN trong và ngoài nước. Điển hình là việc Belluni có mặt trong trung tâm thương mại AEON Mall của Nhật Bản.

“Tham gia vào chuỗi bán lẻ của nước ngoài như AEON Mall, Belluni không chỉ nhanh chóng có mặt tại nhiều tỉnh, thành lớn trong nước mà đây còn là cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài. Và về lâu dài, thông qua chuỗi hệ thống này chúng tôi có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình” - ông Cẩn nhấn mạnh.

Trước thực tế mảng bán lẻ hiện đại đang ngày càng phát triển mạnh, xu hướng mua sắm hàng hóa tại siêu thị, trung tâm thương mại của người dân ngày càng phổ biến, dù muốn dù không các DN vẫn phải bằng mọi cách để sản phẩm, hàng hóa của mình có mặt trên các quầy kệ.

Kỳ vọng của ông Cẩn cũng rất có cơ sở vì trong năm 2013 vừa qua, Tập đoàn AEON đã xuất khẩu được 60 triệu USD hàng Việt Nam sang các siêu thị trong hệ thống ở Nhật Bản với các mặt hàng như dệt may, thực phẩm, giày dép… Không chỉ AEON mà nhiều nhà bán lẻ nước ngoài như Big C, Lotte… cũng đã và đang xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam sang các hệ thống siêu thị của mình trên nhiều nước.

Chẳng hạn thông qua Big C, năm 2013 đã có nhiều hàng hóa Việt Nam được xuất sang các chi nhánh của Tập đoàn Casino trên thế giới, trị giá khoảng 20 triệu USD, bao gồm các mặt hàng dệt may, sản phẩm nội thất làm bằng tre, các mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, trái cây… Đặc biệt, năm 2013, mặt hàng thanh long ruột trắng và đỏ có sản lượng xuất khẩu tăng trưởng mạnh với 160 container, tương đương 3.000 tấn, trị giá 2,4 triệu USD (năm 2012 là 1.200 tấn).

Việc xuất khẩu thông qua các hệ thống siêu thị lớn sẽ mang đến cho DN Việt Nam nhiều cái lợi như không phải mất công tìm kiếm nhà phân phối, có thể giữ được thương hiệu và đặc biệt không mất nhiều thời gian tìm hiểu các quy định nhập khẩu của các quốc gia này.

Ông Hong Won Sik, đại diện Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), từng chia sẻ những quy định nhập khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có nông sản, sang Hàn Quốc khá khắt khe nên việc tìm một đối tác am hiểu thị trường, đáng tin cậy là hết sức quan trọng. Họ sẽ cung cấp nhiều thông tin về pháp luật, giá sản phẩm, lộ trình kinh doanh như thế nào. “Tập đoàn Lotte hiện có Công ty Lotte Thương mại, phụ trách xuất nhập khẩu của tập đoàn, sẽ hỗ trợ các DN khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc cũng như các thị trường Lotte có mặt” - ông Hong Won Sik cho hay.

Vượt qua thách thức

Như đã nói, việc tham gia vào các chuỗi bán lẻ nước ngoài sẽ giúp các DN sản xuất trong nước có cơ hội mang hàng hóa của mình đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước, vì tham vọng bành trướng của những tập đoàn này không nhỏ.

Theo kế hoạch, Lotte sẽ có 60 trung tâm thương mại vào năm 2020, AEON Mall dù mới khai trương chưa lâu nhưng đã chuẩn bị có trung tâm thứ 2 tại Bình Dương, thứ 3 tại Hà Nội và kế hoạch của tập đoàn này là 20 trung tâm vào năm 2020. Rồi Big C, Metro… cũng không nằm ngoài cuộc đua bành trướng này. Quan trọng hơn, trong nhiều chuỗi bán lẻ ngoại tại thị trường nội địa, tỷ lệ hàng hóa Việt Nam đang chiếm áp đảo.

Đưa hàng hóa vào siêu thị ngoại xem như DN đã chen một phần vào thị trường nước ngoài. Ảnh: L.THANH

Đưa hàng hóa vào siêu thị ngoại xem như DN
đã chen một phần vào thị trường nước ngoài. Ảnh: L.THANH

Tuy nhiên, trên thực tế, để có thể chen chân vào các chuỗi ngoại, không ít nhà sản xuất của Việt Nam cũng  phải “mướt mồ hôi”. Sự khắt khe trong các khâu kiểm định chất lượng hàng hóa là điều đương nhiên, song có những điều DN cũng chưa giải thích được. Đại diện HTX Phước An cho biết hiện sản phẩm của HTX đã vào được hệ thống siêu thị Big C, Metro nhưng vẫn chưa vào được Lotte.

“Đại diện Lotte chỉ cho biết chờ họ sắp lịch gặp, nhưng chúng tôi chờ hoài vẫn chưa tiếp cận được đại diện của Lotte” - ông phân trần. Khi được hỏi thăm việc vào hệ thống siêu thị, đặc biệt là siêu thị ngoại, có quá khó khăn hay không, một chủ DN chia sẻ cũng không quá khó vì ở đâu có luật ở đó, quan trọng là DN có theo được hay không mà thôi. Chữ “theo” ở đây có lẽ còn rất mông lung với nhiều DN nhỏ. Nói cho công bằng, việc vào các chuỗi bán lẻ nội, hay ngoại của DN đều rất gian nan.

Một thách thức khác phải kể đến khi xuất hàng thông qua các siêu thị ngoại đó chính là rủi ro không giữ được thương hiệu, bởi hiện một số nhà bán lẻ nước ngoài muốn hợp tác để các DN trong nước gia công nhãn hàng riêng cho họ sau đó bán trong cả chuỗi hệ thống.

Tất nhiên, việc gia công nhãn hàng riêng cho nhà bán lẻ không còn quá mới, song việc cân nhắc thiệt hơn trước khi bắt tay là điều DN phải hết sức chú ý. Cơ hội và thách thức luôn song hành, DN sẽ phải là những vận động viên sáng suốt để lựa chọn con đường đến đích của mình. 

Các tin khác