Mở rộng những “vùng xanh” an toàn

(ĐTTCO) - Những ngày qua, các chốt bảo vệ “vùng xanh” - vùng an toàn với dịch Covid-19 xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp địa bàn TPHCM, giúp người dân yên tâm hơn. Chính sự nỗ lực không mệt mỏi của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của người dân, màu xanh đang lan rộng dần trên bản đồ Covid-19 TPHCM - có thời điểm chi chít vùng đỏ, vùng cam nguy cơ rất cao, nguy cơ cao với dịch.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ thăm hỏi, động viên người dân tham gia tự quản, bảo vệ “vùng xanh” ở quận 3. Ảnh: VĂN MINH
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ thăm hỏi, động viên người dân tham gia tự quản, bảo vệ “vùng xanh” ở quận 3. Ảnh: VĂN MINH
Người dân tự nguyện trực bảo vệ
Sáng 3-8, ông Trần Hoàng giao hàng đến chốt bảo vệ “vùng xanh” ở hẻm 51 Phan Huy Ích, khu phố 1, phường 15 (quận Tân Bình). Tại đây, ông Hoàng được đề nghị để hàng tại chốt kiểm soát ở đầu hẻm, thay vì đem hàng vào tận nhà người đặt như trước. Ở điểm chốt này, người trực xịt khuẩn cẩn thận vào gói hàng trước khi giao cho người dân mang về.
Gần 2 tháng nay, người dân khu phố 1 đã chủ động thiết lập chốt kiểm soát ở các tuyến hẻm, cửa ngõ trong khu dân cư và không cho người lạ ra vào. Ban đầu, không ít người cũng khó chịu vì sự bất tiện của các chốt kiểm soát này. Song, ở đợt lây nhiễm thứ 4, dịch bùng phát ở nhiều nơi mà khu phố không phát sinh ca mắc Covid-19 nào. Sự kiểm soát ấy mang đến sự an toàn cho người dân nên ai nấy rất vui mừng và đề xuất địa phương nhân rộng. Từ đó, danh sách người dân tự nguyện tham gia trực chốt càng ngày nối dài ra. Đến nay, phường đã chuyển hóa thành công 2 khu phố khác thành “vùng xanh”, bàn giao lại cho người dân bảo vệ.
Từ cuối tháng 5, quận Tân Bình cũng thiết lập “vùng xanh” ở chợ Tân Bình và toàn bộ khu vực xung quanh chợ thuộc phường 8, chia nhỏ vùng an toàn đến từng con hẻm, khu dân cư, từng hộ dân trong các khu vực có nguy cơ cao. Đến nay, quận Tân Bình đã có hơn 450 “vùng xanh” do người dân tự quản. Với sự hỗ trợ của chính quyền, người dân trong vùng an toàn tham gia trực kiểm soát ra vào 24/24 và nắm bắt thông tin trong khu vực, tổ chức hậu cần chăm lo đời sống người dân.
Tại hẻm 1074 Trường Sa (phường 12, quận 3) đa phần là bà con giáo dân, từ vùng có nhiều ca mắc Covid-19 nay đã được chuyển hóa thành “vùng xanh”, cùng nhau gìn giữ. Tương tự, ở hàng ngàn “vùng xanh” khác, người dân và chính quyền đang cùng nhau ngày đêm canh giữ để bảo vệ những khu vực an toàn trước dịch bệnh.
Tại huyện Bình Chánh, thực hiện chiến dịch “nở hoa trong vùng dịch”, đến nay huyện đã có 799 tổ nhân dân, tổ dân phố, 8 xã, thị trấn đăng ký mở rộng “vùng xanh”. Trong đó, xã Bình Lợi là xã đầu tiên đạt “vùng xanh” trên bản đồ Covid-19 của huyện. Từ một xã có 120 ca dương tính, từ ngày 25-7 đến nay, nhờ nỗ lực tự bảo vệ mà xã không còn phát hiện ca dương tính trong cộng đồng. Tại quận Phú Nhuận, từ 177 khu phong tỏa đến nay đã có 94 khu chuyển hóa thành vùng xanh an toàn.
Ở quận 7, từ địa bàn nhiều “vùng đỏ”, quận tập trung xét nghiệm, “làm sạch” F0 trong khu dân cư, chuyển thành “vùng xanh” giao lại cho người dân tự quản. Nhờ đó, các phường Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây và Bình Thuận, từ vùng bị phong tỏa toàn bộ diện tích với hơn 115.000 dân, hiện chỉ còn 15 điểm phong tỏa nhỏ với hơn 15.000 dân; còn lại đã chuyển hóa thành “vùng xanh”. Ngoài ra, quận cũng có 76 chốt bảo vệ “vùng xanh” được lập ra ở 7 phường không phong tỏa.
Lan rộng vùng an toàn
Thực tế cho thấy để bảo vệ “vùng xanh”, điều quan trọng nhất chính là sự đồng lòng, tự nguyện của người dân trong khu vực. Dù không phải địa bàn có dịch, nhưng người dân vẫn chấp nhận thiệt thòi, bất tiện trong sinh hoạt để tuân thủ nghiêm việc giãn cách như trong khu phong tỏa. Không chỉ vậy, nhiều người còn tình nguyện tham gia trực chốt.
Bên cạnh sự đồng lòng, chính là nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn dịch. Ông Bùi Thế Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 10, cho biết, đến ngày 2-8, trên địa bàn quận có 593/969 tổ dân phố được đánh giá là “vùng xanh”, đạt tỷ lệ 61,2%. Nhiều phường có tỷ lệ tổ dân phố đạt mức “vùng xanh” rất cao. Tới đây, quận mở rộng mô hình người dân tự quản bảo vệ “vùng xanh”, đồng thời thực hiện triệt để việc khoanh vùng, tách các F0 ra khỏi cộng đồng. Cùng với đó là lập tổ phản ứng nhanh, tổ tư vấn sức khỏe, chăm lo tốt đời sống để người dân yên tâm chống dịch.
Trong buổi kiểm tra các chốt bảo vệ “vùng xanh” ở quận 3 mới đây, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá rất cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ “vùng xanh”. Bên cạnh đó là sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng với nhân dân bảo vệ, mở rộng dần “vùng xanh” ở từng tổ dân phố, khu phố.
Không chỉ bảo vệ “vùng xanh” là khu dân cư, mà nỗ lực sản xuất an toàn của TPHCM cũng chính là xây dựng những “vùng xanh” an toàn trong sản xuất. Đến cuối tháng 7, TPHCM có hơn 600 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 điểm đến”. Làm việc tại Khu công nghệ cao TPHCM ngày 2-8, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu TP Thủ Đức và ngành y tế cần tập trung các biện pháp để Khu công nghệ cao TPHCM trở thành “vùng xanh”, nơi an toàn cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động, giữ vững giá trị sản xuất công nghiệp.
 6.000 “vùng xanh” đã được thiết lập ở các tổ dân phố, tổ nhân dân, khu phố, ấp, hẻm, chung cư trên toàn TPHCM. Hiện có hơn 156.000 người dân cùng tham gia gìn giữ “vùng xanh”. Theo mức độ nguy cơ với dịch, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 phân chia các vùng thành 4 màu. Màu xanh tương ứng với vùng bình thường mới, màu vàng là vùng nguy cơ, màu cam là nguy cơ cao và màu đỏ là vùng nguy cơ rất cao.

Các tin khác