Móc ruột những dòng sông (K1): Vắt kiệt tài nguyên cát

(ĐTTCO) - Hoạt động khai thác cát, sỏi tràn lan trên các lòng sông trong những năm qua đang vắt kiệt nguồn tài nguyên dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, đe dọa cả tính mạng người dân. 
Để phản ánh rõ hơn thực trạng này, phóng viên ĐTTC đã có chuyến đi thực địa về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long - nơi diễn ra những vụ sạt lở nghiêm trọng do tình trạng khai thác cát quá mức.
Tại một số tỉnh miền Tây, trong lúc hàng loạt mỏ cát đóng cửa do hết hạn giấy phép, thì không ít chủ mỏ tìm mọi cách gia hạn giấy phép hoặc xin cấp mới rồi tăng cường phương tiện để tận thu nhằm khai thác cạn kiệt. Chính vì hoạt động khai thác cát diễn ra bừa bãi, tràn lan, mất kiểm soát, nhiều địa phương đang phải trả giá trước hệ lụy xói mòn, sạt lở bờ đê, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân.
Nhộn nhịp ngày cũng như đêm

Trong chuyến hành trình ghi nhận thực tế tại miền Tây, ĐTTC đã trực tiếp tiếp cận nhiều mỏ cát dọc tuyến sông Tiền, sông Hậu. Sáng ngày 15-8, chúng tôi theo chân Cảnh sát kinh tế Cần Thơ bằng cano về khu vực sông giáp ranh giữa cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, Cần Thơ) và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), nơi hoạt động khai thác cát diễn ra rất rầm rộ, sôi động với hàng chục xáng cạp nhấp nhô và nhiều sà lan nối đuôi nhau chờ “ăn” cát.
Mỏ cát lớn nhất về lượng phương tiện được cấp phép tại đây là mỏ An Lạc của CTCP An Lạc. Những người trong nghề cho biết mỏ này có thể múc số lượng cát từ lòng sông Hậu từ 4.000-5.000m3/ngày. Tuy nhiên, quản lý mỏ Nguyễn Tuấn Khoa cho biết hiện tại với 4 phương tiện đang hoạt động, mỏ chỉ khai thác khoảng 1.000m3 cát san lấp/ngày. Cát được cung cấp chủ yếu cho các công trình trên địa bàn tỉnh với mức giá tại nguồn khá rẻ 35.000 đồng/m3. 

Hiện ở ĐBSCL có khoảng 126 tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép khai thác tại các mỏ cát dọc sông Cửu Long, khối lượng khai thác hàng năm khoảng 28 triệu m³. Với tốc độ khai thác như hiện nay, toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu sẽ hết sau 30 năm nữa. Nếu khai thác toàn bộ trữ lượng này không xem xét tác động đến môi trường, hậu quả sẽ rất khó lường.
TS. Vũ Ngọc Long
Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam
Theo tìm hiểu, mỏ cát An Lạc được cấp phép khai thác lần đầu vào năm 2011. Sau 4 năm hoạt động, giữa năm 2015, CTCP An Lạc tiếp tục xin gia hạn thêm 3 năm, tức đến năm 2018 mới hết hạn. Diện tích mỏ cát công ty được phép khai thác 81,6ha, mức sâu khai thác -15m, trữ lượng khai thác tối đa hơn 1,4 triệu m3, công suất khai thác tối đa 480.000 m3/năm. 

Rời Cần Thơ, càng về phía thượng nguồn sông Tiền, hoạt động khai thác cát diễn ra càng sôi động và náo nhiệt hơn. Chiều 16-8, có mặt tại khu vực Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu quốc tế xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), giáp ranh với huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), dù trời đã nhá nhem tối nhưng bên dưới sông vẫn nhộn nhịp sà lan chờ đầy ắp cát tủa đi các tỉnh. Phải chờ đến sáng hôm sau, trong vai người mua cát, chúng tôi thuê đò để tiếp cận các sà lan.
Chỉ vài phút rời bến, trước mắt chúng tôi là một đại công trường với hàng chục xáng cạp đua nhau múc cát từ lòng sông, nước cuộn đục ngầu cả một khúc sông vài km. Khi chúng tôi hỏi mua cát với số lượng lớn, chủ một sà lan niềm nở tiếp đón và cam kết giao cát đẹp, số lượng bao nhiêu cũng đáp ứng, giá 100.000 đồng/m3. 
Móc ruột những dòng sông (K1): Vắt kiệt tài nguyên cát ảnh 1 Cảnh sạt lở tại sông Vàm Nao (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang). Ảnh: MINH TUẤN 
Trong lúc trao đổi với bà chủ sà lan về cách thức lách hóa đơn để giảm chi phí, chúng tôi đã bắt gặp nhiều ánh mắt dò xét, hồ nghi hướng về phía mình. Một thanh niên trong số ấy dường như biết ý đồ của vị khách lạ mặt nên đã tiến đến hét vào mặt phóng viên: “Các anh từ đâu đến?”, “Đến đây làm gì khai mau”. Theo người dân địa phương, cùng với nạn cát tặc, mỏ cát này hoạt động 3-4 năm trở lại đây. Trên sông lúc nào cũng túc trực hàng chục phương tiện khai thác, sà lan, ghe tàu lấy cát ra vào tấp nập hàng trăm chiếc như cái chợ. Lực lượng cò cát từ đó cũng mọc lên như nấm.

Móc ruột những dòng sông (K1): Vắt kiệt tài nguyên cát ảnh 2 Bất chấp hậu quả, nhiều công ty khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên cát. 


Dòng sông nổi giận

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở hiện nay tại các tỉnh miền Tây là do mất cân bằng bùn cát, thay đổi tỷ lệ phân lưu sông Tiền - sông Hậu, khai thác cát sỏi trái phép. Việc khai thác cát có phép hay cát tặc là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương lâu nay. Đâu đó có những đợt thanh tra, kiểm tra, truy quét nhưng nạn khai thác, tận thu nguồn tài nguyên này càng ngày càng nóng.
Theo các chuyên gia, sở dĩ hoạt động khai thác cát nóng hơn bao giờ hết do sự phát triển của ngành xây dựng quá nhanh, quá lớn. Lợi ích từ khai thác cát rất lớn, thu hồi vốn và kiếm lợi nhanh, chủ mỏ có thể bỏ túi từ hàng trăm, đến vài trăm triệu đồng/ngày. Tất nhiên, nguyên nhân sâu xa là sự yếu kém trong quản lý của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là chính quyền địa phương.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho thấy miền Tây hiện có 406 đoạn sạt lở, với tổng chiều dài 891km, đe dọa cuộc sống hàng ngàn hộ dân cùng nhiều công trình hạ tầng ven đê. Trong đó, nhiều nơi sạt lở đặc biệt nguy hiểm như tại sông Vàm Nao (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), sạt lở 600m tại bờ sông Tiền (đoạn qua xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), Kè Gành Hào ở huyện Đông Hải (Bạc Liêu) xói lở hơn 800m…

Trở lại điểm sạt lở kinh hoàng xảy ra cách đây 4 tháng tại tổ 12, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang), người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng lo sợ trước cơn giận dữ của dòng sông làm 14 căn nhà bị đổ sập xuống sông Hậu. Theo ghi nhận, đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 70m, ngoài làm 14 căn nhà sụp đổ chìm, gần 100 ngôi nhà lân cận hiện cũng được sơ tán khẩn cấp khiến khung cảnh hết sức hoang tàn, con đường liên xã này hiện đã được cơ quan có thẩm quyền rào chắn, cảnh báo nguy hiểm. Tại địa điểm sạt lở, kể từ nhiều tháng nay hàng trăm công nhân vẫn tích cực cho cát vào bao tải để lấp hố.

-----------------------------

Kỳ 2: Đường đi của cát lậu

Các tin khác