Móc ruột những dòng sông (K2): Đường đi của cát lậu

(ĐTTCO) - Trong khi các chuyên gia lên tiếng cảnh báo hoạt động khai thác cát quá mức sẽ làm cho tình hình sạt lở thêm nghiêm trọng, đe dọa hệ sinh thái thủy sinh... thì vấn nạn khai thác cát lậu vẫn đang nóng lên từng ngày. 
Không riêng gì đối tượng hút cát lậu, qua tìm hiểu của ĐTTC, những doanh nghiệp được cấp phép hẳn hoi cũng sử dụng nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi để khai thác vượt mức cho phép.
Đột nhập vào giới “cò cát”
Nước ta có trữ lượng cát, sỏi khá lớn, chủ yếu ở các dòng sông. Tính đến tháng 5-2017, cả nước có 824 mỏ cát, sỏi được cấp phép. Đến hết năm 2016, có 90 dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, đường thủy nội địa có tận thu sản phẩm cát và hơn 500 bến bãi kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép, cùng hàng trăm bến bãi tự phát. Chính vì vậy nhiều chuyên gia cảnh báo hậu quả sẽ rất khó lường nếu như tình hình khai thác cát bị buông lỏng.
Nhằm tăng cường quản lý đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi, các bộ, ngành có liên quan cần nhanh chóng triển khai các giải pháp trong lĩnh vực của mình. Các địa phương tăng cường thanh kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi và kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy khai thác cát, sỏi trái phép. Cần phân cấp mạnh cho các địa phương quản lý; xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương giáp ranh; điều chỉnh việc xử phạt để đủ sức răn đe (xử lý hình sự vi phạm nghiêm trọng); liên tục mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm trong khai thác cát, sỏi trái phép...
Phó Thủ tướng Thường trực
Trương Hòa Bình
Cũng như nhiều tỉnh lân cận, An Giang được xem là “thủ phủ” cát của miền Tây với số lượng trên 10 mỏ đang hoạt động và các dự án nạo vét. Chưa kể cát lậu, trung bình mỗi năm sản lượng cát đo đếm được đã vượt 3 triệu m3. Do vậy thời gian qua hoạt động khai thác cát trái phép gây bức xúc cho người dân địa phương do hứng chịu nhiều trận sạt lở.
ĐTTC đã nhập vai người có nhu cầu mua cát, trực tiếp gặp nhiều đối tượng “cò cát”, sà lan chở cát thuê hoạt động tại xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang để tìm hiểu phương thức, thủ đoạn khai thác, cũng như đường đi của cát lậu.
Khi được hỏi mua một khối lượng cát lớn đưa về TPHCM, ông H., một “cò cát” khẳng định: “Muốn mua bao nhiêu cũng có. Mua càng nhiều sẽ được ưu tiên lấy sớm, lấy đủ, với chất lượng cát đẹp ít tạp chất. Trong trường hợp anh không có nhu cầu xuất hóa đơn, tụi em có thể giảm giá cho anh, hoặc xuất hóa đơn thấp hơn khối lượng thực tế, hoặc xuất hóa đơn chỉ 1 chiếc sà lan cho 2 chuyến liền kề”.

Như vậy, từ manh mối và thủ thuật qua mặt cơ quan chức năng của giới “cò cát”, chủ sà lan nói trên đã phần nào hé lộ cách thức chủ mỏ tuồn cát lậu ra thị trường. Tiết lộ với ĐTTC, chủ một mỏ cát cho biết không ít doanh nghiệp sau khi được cấp phép khai thác cát đã tiến hành “bán mỏ” để kiếm lợi ngay.
Cách thức bán mỏ là ký hợp đồng thuê cần cẩu đưa vào khai thác. Để qua mặt cơ quan chức năng, chủ mỏ ký hợp đồng cung cấp cát với chủ cần cẩu, nhưng thực chất là giao khoán cho các chủ cần cẩu tự khai thác. Bằng hình thức trên họ sẽ khai thác tối đa công suất, sản lượng cát vượt quy định thông qua các đầu nậu, chủ sà lan, cò cát để tuồn về những thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn ở các tỉnh ĐBSCL hoặc khu vực Đông Nam bộ.
Móc ruột những dòng sông (K2): Đường đi của cát lậu ảnh 1 Phóng viên ĐTTC cùng lực lượng cảnh sát đường thủy Cần Thơ kiểm tra một mỏ cát đang hoạt động. 
Buông lỏng quản lý, giám sát Ghi nhận cho thấy hoạt động khai thác cát trái phép hiện diễn ra phức tạp tại các địa bàn giáp ranh tại một số tỉnh sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu... Trên tuyến sông Hậu, đoạn từ huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) về đến TP Cần Thơ, một số nguồn tin cho biết có đến hàng chục đối tượng khai thác, hút cát trái phép.
Vì lợi ích mang lại quá lớn, các đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động, sẵn sàng dùng bạo lực đe dọa, tranh giành địa bàn, nhân công, phương tiện để khai thác trái phép và đối phó với các cơ quan chức năng.

Không riêng gì cát tặc hút trộm trên sông, cát lậu trên thị trường hiện nay có dấu hiệu đi ra từ các mỏ được cấp phép. Hầu như tại các mỏ cát không có hệ thống nhật ký ghi chép thường xuyên bắt buộc, mà do các mỏ tự lập, tự theo dõi và tự báo cáo; không thực hiện đầy đủ thủ tục về đánh giá tác động môi trường; khai thác vượt quá khối lượng và số lượng phương tiện cho phép; giám đốc điều hành không tham gia quản lý khai thác mỏ mà chủ yếu giao khoán lại cho các tổ chức hoặc cá nhân không liên quan đến đơn vị chủ mỏ, sau khi các phương tiện bị tạm giữ mới hợp thức hóa bằng cách xuất hóa đơn sau.

Để hợp thức hóa khối lượng cát khai thác lậu, các đối tượng lập công ty ký hợp đồng mua cát với các mỏ, sau đó xuất khống hóa đơn hợp thức hóa nguồn gốc cát khai thác. Việc dùng biện pháp lách luật, đối phó ngày càng tinh vi đang khiến nhiều cơ quan chức năng lúng túng.
Tại Cần Thơ, gần đây xuất hiện nhiều trường hợp các phương tiện vận chuyển cát sử dụng hóa đơn do các doanh nghiệp không liên quan đến các mỏ xuất, đơn vị xuất hóa đơn ở nhiều địa phương cách xa mỏ như các huyện vùng sâu của An Giang, Đồng Tháp, thậm chí ở TPHCM, Long An. Những đơn vị này có dấu hiệu là công ty “ma”, mua bán hóa đơn bất hợp pháp để chứng minh nguồn gốc.

Trao đổi với ĐTTC, Thiếu tá Đỗ Thành Vũ, Đội trưởng Đội 2 (PC46, Công an TP Cần Thơ), xác nhận việc xác định sản lượng khai thác hiện nay chủ yếu giao cho doanh nghiệp tự kê khai theo sản lượng ghi trong giấy phép, còn thực tế không kiểm soát được do sơ hở của luật trong quy định thời gian khai thác mỏ theo dõi trữ lượng chưa được chặt chẽ. Qua kiểm tra thống kê khối lượng khai thác hàng ngày, chủ mỏ không xuất trình được ngay. Phải sau 1-2 ngày chủ mỏ mới kê khai thì sản lượng khai thác đã vượt xa quy định cho phép.

Tổng lực trấn áp cát lậu

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng cho biết trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản, từ năm 2012 đến nay TPHCM không cấp phép khai thác khoáng sản, chỉ đăng ký tận thu 5 dự án nạo vét tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông - Vận tải cấp phép. Tuy nhiên, thực trạng khai thác vận chuyển cát trái phép vẫn diễn ra phức tạp.
Từ đầu năm 2017 đến nay, TP đã bắt và xử lý 39 trường hợp khai thác cát trái phép, nổi cộm là khu vực biển Cần Giờ và sông Đồng Nai, thu giữ 86 phương tiện. Hiện TP đã phối hợp với 7 tỉnh, thành giáp ranh ký kết quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra hoạt động khoáng sản; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên tuần tra, kiểm tra đột xuất.

Tính đến ngày 28-5-2017, lực lượng PC46 và PC49 cũng đã kiểm tra tạm giữ 48 trường hợp phương tiện vận tải thủy vận chuyển 18.625m3 cát khai thác trên sông Tiền, sông Hậu tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Cần Thơ. Trong số các phương tiện bị tạm giữ, lực lượng chức năng phát hiện một khối lượng lớn cát “không có nguồn gốc hợp pháp” đã tiến hành xử phạt hành chính và tịch thu.
Căn cứ tạm giữ, theo cơ quan chức năng là do tại thời điểm kiểm tra không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp; số lượng thực tế nhiều hơn so với hóa đơn; hóa đơn có dấu hiệu nghi vấn sử dụng bất hợp pháp để hợp thức hóa. Sau khi tạm giữ, đã có nhiều trường hợp bổ sung hóa đơn, một số trường hợp không bổ sung để chứng minh.

----------------

Kỳ 3: Giá cát điên loạn nhảy múa

Các tin khác