TTCK sụt giảm mạnh trong năm 2012 đã ảnh hưởng đến lộ trình niêm yết của các doanh nghiệp. Theo thống kê của UBCKNN, trong cả năm 2012, toàn thị trường chỉ có thêm 25 doanh nghiệp niêm yết, thấp hơn một nửa so với năm 2011 là 52 doanh nghiệp.
Đáng chú ý nhất là trường hợp Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) tạm hoãn niêm yết 2,3 tỷ CP trên sàn trong năm 2012.
Năm qua, phía các doanh nghiệp niêm yết mới nổi bật là Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS) chào sàn với khối lượng rất lớn với 1,9 tỷ đơn vị, chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn thứ 2 thị trường (tương đương 11%); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) niêm yết bổ sung 1,8 tỷ CP thuộc phần vốn nhà nước, chiếm khoảng 11% vốn hóa thị trường hay CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) niêm yết bổ sung 158 triệu CP hoán đổi từ CTCP Vinpearlland (VPL) chiếm 9% vốn hóa thị trường.
Theo thống kê từ HOSE, số lượng CP mới niêm yết năm 2013 cũng sẽ tương đương năm 2012 do thị trường vẫn còn khó khăn. Cụ thể, hiện chỉ có 3 hồ sơ doanh nghiệp nộp xin và chờ niêm yết trên sàn HOSE là CTCP Cảng Cát Lái (29 triệu CP), CTCP Khoáng sản luyện kim màu (15,6 triệu CP) và CTCP Đầu tư Nam Long (95,5 triệu CP). Trong khi đó, HNX đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có thêm doanh nghiệp nào đăng ký niêm yết mới.
Ngược lại, số lượng doanh nghiệp bị hủy niêm yết trong năm 2012 lại tăng mạnh hơn so với những năm trước. Nguyên nhân chính của việc hủy niêm yết của doanh nghiệp gia tăng có nhiều lý do. Chẳng hạn, doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về công bố thông tin như: CTCP Sông Đà 3 (SD3), CTCK SME (SME), CTCP Cavico Việt Nam Khai thác mỏ và Xây dựng (MCV).
Các doanh nghiệp hủy niêm yết để sáp nhập như trường hợp của Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), hay CTCP Sông Đà 6.06 (SSS) sáp nhập vào CTCP Sông Đà 6 (SD6). Doanh nghiệp bị hủy niêm yết do không có giao dịch trong 12 tháng là CTCP Thương mại và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (VMG).
Doanh nghiệp không đủ điều kiện là công ty đại chúng như trường hợp của CTCP Vian (VIA). Các doanh nghiệp có CP đã được chấp thuận niêm yết nhưng chưa kịp đi vào giao dịch đã bị hủy là CTCP Dược Trung ương Mediplantex (MED), CTCP Viễn thông điện tử Vinacap (VTE), CTCP Đầu tư xây dựng HUD 4 (HU4) và CTCP Hóa chất và Phân bón dầu khí Đông Nam bộ (PSE).
Theo thống kê từ Vietstock, hiện có hàng chục doanh nghiệp trên cả 2 sàn đang đứng trước khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc.
Chẳng hạn, CTCP Container phía Nam (VSG) và CTCP Viễn thông Thăng Long (TLC) là 2 doanh nghiệp lỗ ròng 2 năm liên tiếp (2010, 2011), đi kèm với lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến tháng 9-2012 vẫn là những con số âm.
Với các doanh nghiệp lỗ ăn thâm vào vốn đứng đầu là CTCK Sacombank (SBS). SBS đã công bố BCTC quý IV-2012 của công ty mẹ với mức lãi 2 tỷ đồng và lũy kế cả năm lỗ ròng 127,6 tỷ đồng. Nếu BCTC hợp nhất kiểm toán năm của SBS vẫn không xoay chuyển được tình hình SBS sẽ không thoát được bản án hủy niêm yết bắt buộc do con số thua lỗ ở những năm trước quá lớn.
Tương tự, với gần 100 tỷ đồng lỗ vượt vốn, CTCP Xuất nhập khẩu Lâm thủy sản Bến Tre (FBT) xếp hàng thứ 2 trong danh sách những doanh nghiệp có nhiều khả năng bị hủy niêm yết. FBT hiện lỗ lũy kế 248 tỷ đồng tính đến 30-9-2012, vượt vốn điều lệ gần 100 tỷ đồng.
Như vậy, để không phải đối mặt với vấn đề rời sàn quý cuối năm công ty cần lãi ít nhất 100 tỷ đồng. Đây là kết quả kinh doanh rất khó đạt được, bởi từ trước đến nay FBT chưa có quý nào chạm được mức lợi nhuận 10 tỷ đồng.