Mối lo Trung Quốc cấm nhập rác thải nhựa

(ĐTTCO) - Một số báo cáo vừa được công bố cho hay việc Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải nhựa đang đặt thế giới trước mối lo khi ước tính đến năm 2030, có khoảng 111 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra trên toàn cầu không biết đi về đâu.
Nỗi lo của thế giới bắt đầu vào ngày 18-7-2017 khi Bắc Kinh thông báo với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) rằng bắt đầu từ đầu tháng 1-2018, sẽ cấm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc 24 loại rác công nghiệp, trong đó có nhựa, giấy và vải sợi. Trung Quốc sẽ đóng cửa một số các nhà máy xử lý rác thải công nghiệp, tăng cường các biện pháp kiểm tra về chất lượng rác.
Lý do được Trung Quốc đưa ra bởi rác công nghiệp vừa nguy hiểm, vừa gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường của Trung Quốc. Bắc Kinh đang theo đuổi mục đích chống ô nhiễm trong không khí, trong đất đai và các nguồn nước ngọt.
Hiệp hội quốc tế xử lý rác công nghiệp (BRI) cho biết quyết định trên của Bắc Kinh đang khiến phương Tây hoang mang. Họ lo sợ khi Trung Quốc không còn là điểm đến rác thải của các nền kinh tế phát triển, trong khi Hoa Kỳ trăn trở với câu hỏi ai sẽ thay thế Trung Quốc thầu thị trường trị giá 5,6 tỷ USD rác thải của mình. Hàng năm Liên minh châu Âu (EU) xuất khẩu khoảng 50% rác thải nhựa đã qua tuyển lựa, trong đó 85% xuất sang Trung Quốc. Về phần mình, Hoa Kỳ xuất sang Trung Quốc năm 2016 hơn 1/2 lượng rác thải kim loại ngoài sắt, cùng với giấy và nhựa, tổng cộng khoảng 16,2 triệu tấn. 
Mối lo Trung Quốc cấm nhập rác thải nhựa ảnh 1 Trung Quốc là nguồn nhập khẩu rác thải số 1 của thế giới. 
Trung Quốc là nguồn nhập khẩu rác thải công nghiệp số 1 của thế giới. Theo thống kê của Bộ Môi trường Trung Quốc, đây là nơi 49,6 triệu tấn rác công nghiệp đổ về trong năm 2015. Giới quan sát nhận định quyết định không nhập khẩu rác thải của Trung Quốc sẽ đem lại những tác động to lớn đối với ngành công nghệ xử lý rác thải của bản thân Trung Quốc cũng như toàn thế giới. Theo thống kê của Liên hiệp quốc, trong năm 2015, khoảng 180 triệu tấn rác công nghiệp đã được xuất khẩu, trị giá khoảng 86 tỷ USD.
Thị trường mua bán và tái chế nguyên liệu vô cùng rộng lớn và là một nguồn cung cấp quý giá. Năm 2015, các nhà máy xử lý rác thải cho phép lọc lại đến 87 triệu tấn sắt thép, hơn 57 triệu tấn giấy, gần 12 triệu tấn nhựa đủ loại. Hoa Kỳ là nguồn xuất khẩu rác thải công nghiệp số 1 trên hành tinh, với 42,8 triệu tấn/năm, trị giá 23,7 tỷ USD. Trong đó, gần 6 tỷ USD hướng về “xưởng sản xuất của thế giới” Trung Quốc. Các chuyên gia kinh tế cho rằng dịch vụ tái xử lý rác thải là một con gà đẻ trứng vàng. Các hoạt động mua bán trái phép đang được phát triển mạnh, chủ yếu là rác điện tử, chiếm tới 20% các khoản xuất nhập khẩu rác công nghiệp trên thế giới.
Nếu không đưa rác sang Trung Quốc thế giới sẽ phải làm gì với đồ thải này? Đại diện BIR hy vọng sẽ tìm ra các thị trường nhập khẩu mới để thay thế, cụ thể là Ấn Độ, Pakistan hay Campuchia. Tuy nhiên, BIR cũng ghi nhận điều này sẽ phải mất nhiều thời gian, và trong hiện tại tình trạng rác thải ùn tắc tại châu Âu chắc chắn sẽ là mối đe dọa lớn về môi trường, bởi một số lớn lượng rác thải ùn tắc sẽ phải đem đi chôn, một số khác sẽ bị đốt.
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, người phát ngôn của Liên đoàn Hoa Kỳ về rác thải và tái chế Brandon Wright cho biết các doanh nghiệp đang tìm nơi để đặt số chất thải dôi dư, thậm chí một số buộc phải giữ tạm số rác thừa tại bãi đậu xe, hay tại các địa điểm của công ty ở xa.

Các tin khác