Trên địa bàn TPHCM, không chỉ các bãi tạm giữ xe vi phạm thuộc CSGT, mà còn tồn tại nhiều bãi giữ xe ở bệnh viện, bến xe, sân bay, trung tâm thương mại… đều ẩn họa xảy ra cháy nổ.
Chất chồng phơi nắng mưa
Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh, TPHCM) có 3 bãi giữ xe và hiện ngày càng thu hẹp dần diện tích do tồn trữ xe vô chủ. Trong đó, bãi xe số 1 có gần 100 phương tiện vô chủ được chất chồng, phủ bạt. Còn tại bãi giữ xe số 3, một loạt xe gắn máy đủ nhãn hiệu nằm chỏng chơ, xiêu vẹo, hoen gỉ ở sát tường rào. Ông Phạm Viết Nghĩa, Trưởng Phòng bảo vệ Bến xe miền Đông cho biết, mỗi năm có thêm nhiều xe bị chủ bỏ lại do khách quên lấy, xe quá cũ nát nên bỏ luôn, chủ xe bị sự cố, hoặc liên quan tội phạm… “Hiện trong các bãi xe còn giữ khoảng 250 phương tiện vô chủ. Có xe gắn máy đã gửi từ năm 2018 đến nay”, một lãnh đạo Bến xe miền Đông ngao ngán.
Còn tại bãi giữ xe thuộc Bến xe miền Tây, các phương tiện vô chủ được xếp chồng lên nhau, có hàng rào khóa kín. Ông Nguyễn Văn Thành, nhân viên bãi xe, cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã rút hết xăng và nhớt của phương tiện, nhưng vẫn còn chất dễ cháy như nệm, bánh xe, phụ kiện nhựa. Do vậy, chủ bãi xe đã trích kinh phí dựng 1 nhà tạm để chứa phương tiện vô chủ”.
Ghi nhận cho thấy, phương tiện vô chủ không chỉ có ở bến xe, ngay nhà xe ở sân bay Tân Sơn Nhất cũng có khá nhiều xe vô thừa nhận, chủ yếu là xe gắn máy. Phương tiện bị bụi bặm phủ đầy, yên mục nát, bánh xẹp lép, méo mó… được xếp riêng với biển kiểm soát từ nhiều tỉnh, thành. Mặc dù xe vô chủ đã được rút xăng và đưa về một góc riêng biệt nhưng nguy cơ cháy nổ vẫn tiềm ẩn, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Thế nhưng, theo các đơn vị quản lý thì vẫn chưa có hướng giải quyết.
Cần thanh lý phương tiện vô chủ
Ông Đỗ Phú Đạt, Phó Tổng Giám đốc Bến xe miền Đông, cho biết, thời gian qua, đã liên hệ Công an phường 26, Công an quận Bình Thạnh để giải quyết số lượng phương tiện bị bỏ lại tại các bãi giữ xe trong bến. “Qua số máy, số sườn, chúng tôi đã được Phòng CSGT hỗ trợ thông tin về phương tiện và đã 2 lần đăng thông tin trên các phương tiện truyền thông.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng xử lý”, ông Đạt băn khoăn. Mới đây, Bến xe miền Đông đã có công văn gửi Sở Tài chính và Sở TN-MT TPHCM nhờ các cơ quan này hướng dẫn quy trình thẩm định giá, bán đấu giá công khai. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể tiến hành các thủ tục để thanh lý.
Để giải quyết hướng ra cho các phương tiện vô thừa nhận đang ẩn họa cháy nổ tại các bãi giữ xe, luật gia Trịnh Phi Long (Trung tâm Tư vấn pháp luật miễn phí Hội Cựu chiến binh TPHCM), cho rằng luật đã có quy định và có căn cứ để xử lý. “Việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu đã được quy định rất cụ thể tại Điều 228, Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, tài sản vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó. Người đã phát hiện, người đang quản lý tài sản vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác; nếu tài sản là bất động sản thì thuộc về Nhà nước”, luật gia Trịnh Phi Long phân tích.
Như vậy, theo quy định, xe bỏ lại tại bãi giữ xe chính là tài sản vô chủ và chủ bãi giữ xe chính là người đã phát hiện xe vô chủ. Theo luật định, chủ bãi xe không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu nhận lại.
UBND hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu. “Sau 1 năm kể từ ngày thông báo công khai, mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là động sản thì quyền sở hữu đối với động sản đó thuộc về người phát hiện tài sản. Trên cơ sở đó để thực hiện thanh lý hay bán hóa giá”, luật gia Trịnh Phi Long nhấn mạnh.