Ngày 24-7, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đã tổ chức hội thảo khoa học khu vực Mekong với chủ đề “Kỹ thuật Hybrid can thiệp Stent Graft động mạch chủ”, với sự tham dự của gần 300 chuyên gia, bác sĩ công tác tại các đơn vị y tế trong nước.
Tại hội thảo các đại biểu cùng chia sẻ, cập nhật kiến thức, những kinh nghiệm, cũng như đóng góp vào việc phát triển lĩnh vực điều trị bệnh lý tim mạch tại khu vực ĐBSCL. Xoay quanh bệnh lý động mạch chủ, với nhiều chủ đề báo cáo như, phình và các hội chứng động mạch chủ cấp tính, kỹ thuật Hybrid trong điều trị bệnh lý động mạch chủ ngực và động mạch chủ bụng, vai trò của chẩn đoán hình ảnh trong bệnh lý động mạch chủ… Đặc biệt, các đại biểu được thực hành trên máy mô phỏng giả lập kỹ thuật Stent Graft trên mô hình động mạch chủ.
BS CKII Trần Phước Hòa, Phó trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long) cho biết, động mạch chủ là cấu trúc dẫn máu lớn nhất, xuất phát từ tim, cung cấp toàn bộ các nhánh nuôi các cơ quan trong cơ thể. Có hai bệnh lý thường gặp nhất ở động mạch chủ là bóc tách động mạch chủ và phình động mạch chủ; trong đó phình động mạch chủ là một trong số các bệnh thường gặp trong nhóm bệnh lý này.
Phình động mạch chủ là hiện tượng động mạch chủ tăng kích thước với đường kính trên 50% và biến dạng thành hình túi, hình thoi làm thành mạch căng ra rất dễ bị vỡ. Bệnh diễn tiến âm thầm trong nhiều năm, biểu hiện triệu chứng khi dọa vỡ hoặc vỡ. Biến chứng nguy hiểm nhất của phình động mạch chủ là vỡ mạch tại vị trí phình, là một trong những nguyên nhân gây đột tử.
BS Hòa cũng thông tin thêm, các bệnh lý có liên quan động mạch chủ rất nguy hiểm, đa số có diễn biến thầm lặng, giai đoạn đầu không có biểu hiện gì cho đến khi bệnh tiến triển có biến chứng như bóc tách hoặc dọa vỡ. Triệu chứng hay gặp nhất là đau ngực dữ dội, đau nhiều liên tục ở vùng bụng hoặc phía sau lưng, vã mồ hôi, khối u ở bụng...
Theo Ths BS Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc chuyên môn (Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long), tim mạch là một trong những lĩnh vực trọng điểm tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long. Qua thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm hơn 30% số ca tử vong do các bệnh mãn tính không lây nhiễm. Bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân gây tử vong và mắc bệnh hàng đầu ở Việt Nam, vẫn đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng.
Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nguyên nhân chính của bệnh tim mạch là sử dụng thuốc lá, thiếu hoạt động thể lực, chế độ ăn uống không lành mạnh và sử dụng rượu bia ở mức độ nguy hại. Hầu hết các bệnh tim mạch có thể phòng ngừa được bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh.
Vì thế, bác sĩ khuyến cáo người dân hãy chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường, giúp phát hiện bệnh sớm, giúp can thiệp kịp thời tránh những biến chứng không mong muốn.