Song cũng có nhiều người xác định không về quê mà chọn ở lại thành phố tìm việc làm thời vụ, bán thời gian để kiếm thêm một khoản thu nhập, dành dụm sau đại dịch.
Chị Trần Thị Thúy (quê Quảng Ngãi, bán tàu hũ dạo) năm nay không về quê đón tết mà ở lại TPHCM mưu sinh
Tất bật tăng ca, làm thêm
Còn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán 2022, nhưng nhiều công nhân, NLĐ đang sinh sống và làm việc tại TPHCM vẫn chưa nghĩ đến chuyện về quê đón tết, bởi trong họ vẫn canh cánh nỗi lo tiền bạc. Những tháng cuối năm, mọi thứ trở nên bộn bề, lo toan hơn vì một cái tết khó trọn vẹn.
Tại một dãy trọ gồm 20 phòng trên đường Nguyễn Thị Tú (quận Bình Tân), đa số là công nhân các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn đến thuê ở. Sau giãn cách, hầu hết công nhân đã đi làm trở lại, trong đó có nhiều người đăng ký làm tăng ca, làm ngoài giờ để có thêm thu nhập, dành dụm trang trải cuộc sống. Trong căn phòng khoảng 15m2, vợ chồng chị Nguyễn Thị Trang và anh Bùi Văn Hùng đang vội vàng ăn cơm tối để chuẩn bị bắt đầu ca làm thêm. Anh Hùng cho biết, hai vợ chồng đều quê ở tỉnh Cà Mau, ban ngày anh làm phụ hồ, còn buổi tối tranh thủ chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm tiền, nhưng thu nhập không được là bao. “Đợt dịch vừa qua, hai vợ chồng đều bị mắc Covid-19, hầu như phải ăn đồ từ thiện sống qua ngày. Bây giờ cố gắng làm thêm, tích lũy để tết còn về quê đoàn tụ với gia đình”, anh Hùng nói.
Ở chung dãy trọ là chị Vũ Thị Hồng Hạnh, quê tỉnh Quảng Ngãi, công nhân tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (quận Bình Tân). Chị Hạnh làm công nhân may mặc được 5 năm, đồng lương khá thấp. Trong đợt dịch vừa qua, chị phải nghỉ việc tạm thời suốt 4 tháng, toàn bộ tiền tiết kiệm đều đã cạn, nên sau giãn cách chị đăng ký làm tăng ca để có thêm thu nhập. “Dịp tết đến, nhiều khoản chi phí đè nặng lên vai, nên tôi phải cố gắng làm tăng ca. Trung bình mỗi tháng kiếm thêm được 2,5 triệu đồng, dù khá mệt nhưng được đồng nào hay đồng ấy. Đến nay, tôi vẫn chưa có ý định mua vé về quê đón tết cùng gia đình, do còn rất nhiều chi phí phát sinh”, chị Hạnh tâm sự.
Cùng tâm trạng, chị Kim Thị Lý, quê tỉnh Trà Vinh, hiện là công nhân trong một công ty xây dựng tại TP Thủ Đức, cũng canh cánh trong lòng những nỗi lo tiền bạc, nhất là khi tết đang cận kề. Sau giờ làm, chị nhận đồ gia công may mặc để làm thêm buổi tối tại phòng trọ, mỗi tháng thu nhập khoảng 2 triệu đồng. Nhắc đến chuyện về quê đón tết, chị Linh thở dài: “Thu nhập công nhân khá thấp. Trong đợt dịch vừa qua, mọi khoản tiết kiệm cũng tiêu hết, phải vay mượn thêm bạn bè, cả năm làm việc không tích lũy được đồng nào nên tôi rất buồn. Mong lắm bữa cơm đoàn tụ với gia đình”.
Hẹn mùa tết năm sau
Vào thời điểm này ở những năm trước, nhiều công nhân, NLĐ tại TPHCM đã chộn rộn với việc mua vé xe, vé tàu… để chuẩn bị về quê đón tết. Nhưng năm nay, không khí có phần trầm lắng hơn. Tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên nhiều NLĐ không có ý định về quê để tiết kiệm chi phí, thay vào đó họ ở lại thành phố để tìm việc làm thời vụ, dành dụm tiền, mong cuộc sống ổn định hơn.
Chị Đặng Thị Nguyệt, quê tỉnh Đắk Lắk, hiện là công nhân xây dựng tại TPHCM, quyết định không về quê ăn tết mà ở lại TPHCM để tiếp tục làm việc thời vụ. Chị lo lắng: “Năm nay có làm được đồng nào đâu mà về quê, nghỉ làm hơn 4 tháng nên hiện tại cuộc sống tôi rất túng thiếu, tiền nhà trọ cũng phải xin khất chủ nhà mấy tháng nay”.
Cuộc sống ở quê khó khăn, chị Trần Thị Thúy từ Quảng Ngãi vào TPHCM bán tàu hũ dạo hơn 10 năm nay. Thu nhập từ gánh tàu hũ chỉ đủ để hai mẹ con sống qua ngày, nhiều lúc thiếu trước hụt sau. “Trong đợt dịch vừa qua, hai mẹ con cố gắng dè sẻn từng đồng, vay mượn người thân bám trụ lại thành phố. Sau giãn cách, tôi quay lại với công việc buôn bán. Năm nay là năm đầu tiên tôi không về quê ăn tết, ở lại thành phố tìm việc làm thêm cùng con gái để dành dụm tiền và trả nợ”, chị Thúy tâm sự.
Nhằm tạo điều kiện cho thanh niên và NLĐ tìm được công việc bán thời gian, thời vụ trong dịp Tết Nguyên đán 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM đang phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các quận, huyện đoàn, Thành đoàn TP Thủ Đức tổ chức chương trình “Việc làm thời vụ tết”, kết nối NLĐ với doanh nghiệp qua ứng dụng Zoom Meeting, bắt đầu từ ngày 15-12-2021 đến hết ngày 15-1-2022.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Dịch vụ việc làm (Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM), cho biết: “Nhu cầu tuyển dụng việc làm thời vụ dịp tết năm nay khá cao, tuy nhiên, do một lượng lớn NLĐ từ các tỉnh chưa trở lại TPHCM nên số lượng việc làm còn trống khá nhiều, cung không đủ cầu. Việc làm bán thời gian, thời vụ trong dịp Tết Nguyên đán tập trung vào các lĩnh vực như: bán hàng, phục vụ bếp, thu ngân, chăm sóc khách hàng, giao hàng… với mức lương dao động 3-10 triệu đồng/tháng”.
Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đang lên kế hoạch phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức hỗ trợ sinh viên, thanh niên công nhân khó khăn về quê dịp Tết Nguyên đán 2022. Chương trình do Trung ương Đoàn phát động, vận động quyên góp gây quỹ tổ chức, trao tặng tổng cộng hơn 3.200 vé máy bay, ô tô, vé tàu khứ hồi cho sinh viên, thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng và chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19 về quê đón Tết Nguyên đán. |