Chiều 16-6, bên hành lang Quốc hội, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê đã trao đổi với báo chí xung quanh quyết định của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề mở rộng, phát triển năng lực của sân bay Tân Sơn Nhất (TSN).
° Phóng viên: Đoàn ĐBQH TPHCM có nhận được nhiều ý kiến của cử tri liên quan đến vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất ở khu vực sân golf?
- Ông PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ: Bản thân tôi cũng như đoàn ĐBQH TPHCM nhận được nhiều kiến nghị của các tướng lĩnh, cử tri xoay quanh việc đề nghị Chính phủ xem xét lại hoạt động của sân golf trong sân bay TSN. Qua các kiến nghị đó, có thể thấy mong mỏi của cử tri là TPHCM có thể tăng tốc phát triển, có thể đi trước về đích trước như Nghị quyết của Bộ Chính trị. Mật độ dân cư TPHCM rất lớn, việc kết nối giao thông đang cần được xem xét để giải quyết một cách tổng thể.
Từ đó, đoàn ĐBQH TPHCM đã có kiến nghị Chính phủ xem xét. Trong định hướng thì đó là khu vực vành đai đệm thuộc phạm vi đất quốc phòng, nhưng cử tri đánh dấu hỏi: nếu là đất quốc phòng thì tại sao lại giao cho các tập đoàn kinh tế, đặc biệt là sân golf.
Dù định hướng lâu dài Chính phủ đầu tư sân bay Long Thành là đúng, nhưng không phải vì đầu tư đó mà coi như xóa sổ sân bay TSN. Cử tri rất lo lắng có điểm gì uẩn khúc hay không trong việc làm kinh tế trong khu vực vành đai đệm thuộc phạm vi đất quốc phòng. Có phải hiện nay đang có sự xà xẻo quỹ đất dành cho quốc phòng hay không? Nếu đúng thì phải giải tỏa những tâm tư, thắc mắc của người dân.
Do đó, đoàn ĐBQH TPHCM sau khi lắng nghe, tiếp cận bước đầu thì mạnh dạn kiến nghị trên tinh thần giải phóng điểm nghẽn sân bay TSN. Lộ trình đến khi sân bay Long Thành hoạt động được thì còn 20 - 25 năm, vậy thì đây là lúc cấp bách để nâng cấp tạo thêm đường băng cất cánh, tạo thêm những cửa ngõ giao thông nhằm giải thoát điểm nghẽn đó.
° Với chủ trương nghiên cứu mở thêm một đường băng thì TPHCM sẽ có những bước chuẩn bị thế nào?
- Hiện nay mở lên hướng Bắc hay hướng Nam thì phải chờ một đơn vị tư vấn độc lập sẽ khảo sát, đánh giá và có phương án báo cáo cụ thể. Nhưng nếu khi được Chính phủ quyết định thì TPHCM sẵn sàng nhập cuộc cùng Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Cụm cảng hàng không sân bay TSN để thực hiện các công trình ở vị trí vành đai.
Ví dụ ở các cửa ngõ ra vào, phối hợp để có các dịch vụ mặt đất, tạo ra những điểm giao thông thuận lợi cho hành khách vào ra cũng như các dịch vụ vận tải có thể đáp ứng cho tần suất lớn của sân bay. Cũng từ đó sẽ thực hiện việc giải quyết tình trạng ngập úng không chỉ nội cục của sân bay mà của vành đai khu dân cư.
° Nếu xây dựng đường băng mới thì theo tính toán của các chuyên gia phải giải tỏa rất nhiều hộ dân mà chi phí tính toán từ năm 2014 là cần tới 9 tỷ USD. Theo ông có khả thi?
- Bây giờ chưa thể nói chi phí ra sao, dĩ nhiên trên phương án tối ưu được Chính phủ quyết định thì cũng sẽ phải tính toán. Nhưng không thể nói vì phải dành nguồn tài chính đó cho những việc khác mà chúng ta coi như đóng sổ chuyện phải giải quyết nút thắt giao thông sân bay TSN.
Tôi nghĩ Chính phủ sẽ tính toán một mức nào đó song song với việc tiến hành đồng thời với dự án sân bay Long Thành. Khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động thì sân bay TSN vẫn có thể khai thác đồng thời, là sân bay trung chuyển hoặc khai thác đường bay nội địa. Vấn đề là chúng ta tính toán giải thoát điểm nghẽn và tính toán phương án tổng mức đầu tư hợp lý.
° Ông có cho rằng điểm nghẽn lớn nhất gây ùn tắc ở sân bay TSN là sân golf?
- Thực sự thì không phải hoàn toàn do sân golf. Ý kiến cử tri cũng là mong Quốc hội giám sát việc sử dụng quỹ đất trong khuôn viên khu vực sân bay TSN, chỉ ra những mặt được, chưa được để có cái nhìn thoáng hơn và tạo điều kiện cho sân bay TSN hoạt động hiệu quả nhất.
Chúng ta đều thống nhất là tại thời điểm này không thể xác định mở rộng sân bay TSN về hướng Bắc hay Nam, mà phải chờ khảo sát của đơn vị tư vấn độc lập, kể cả việc phải tọa đàm để lấy ý kiến các chuyên gia, từ đó có phương án khả thi nhất.
° Sân bay TSN đang ách tắc không chỉ bên trong mà cả giao thông bên ngoài. Nếu giả thiết tư vấn khẳng định xây được đường băng thứ 3 thì ách tắc giao thông bên ngoài sân bay sẽ giải quyết ra sao?
- Chúng ta không nói một chiều rằng sân golf là giải pháp duy nhất để giải quyết ách tắc tại sân bay TSN. Đó là một phần thôi. Nhưng nếu sân golf được giao lại để mở rộng thêm đường băng, tạo sân đỗ cho máy bay thì sẽ tháo bớt được những điểm khó của sân bay TSN.
Khi chuyển giao được sân golf, TPHCM cũng sẽ tính toán lại những hướng ngõ vào sân bay để tạo ra một hành lang thông thoáng hơn cho sự kết nối bên trong và bên ngoài cả về giao thông, cấp thoát nước, chỉnh trang đô thị trong phạm vi bảo đảm cho an toàn bay.
° Trong trường hợp tư vấn đưa ra đề xuất mở đường băng số 3 kèm theo sự giải tỏa lớn thì TPHCM sẽ tính toán phương án ra sao?
- Nếu phải thu hồi và giải tỏa thì TPHCM sẽ phải có tính toán phương án để báo cáo Chính phủ, làm sao phải bảo đảm sự ổn định cho cuộc sống của người dân, vì họ đã phải hy sinh cho sự tăng trưởng của quốc gia. Phải tính toán sự ổn định của người dân trước khi tiến hành thu hồi, giải tỏa.
- Nếu phải thu hồi và giải tỏa thì TPHCM sẽ phải có tính toán phương án để báo cáo Chính phủ, làm sao phải bảo đảm sự ổn định cho cuộc sống của người dân, vì họ đã phải hy sinh cho sự tăng trưởng của quốc gia. Phải tính toán sự ổn định của người dân trước khi tiến hành thu hồi, giải tỏa.
° Cảm ơn ông!