Giảm sức ép cho doanh nghiệp và cán bộ kiểm dịch
Tại TP Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có 3 đơn vị kiểm dịch phục vụ cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa liên quan đến các sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật, thủy hải sản. Ba cơ quan này chịu trách nhiệm kiểm dịch các sản phẩm nêu trên cho hầu hết các tỉnh phía Bắc.
Theo ông Nguyễn Trường Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 1: “Chi cục đã hoạt động trên 5 tỉnh, hàng hoá xuất nhập khẩu chỉ yếu tập trung ở các cảng của TP Hải Phòng. Tất cả các trạm toàn bộ chi cục đã thực hiện cơ chế 1 cửa. Hiện nay Chi cục đang thực hiện cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật qua 1 cửa quốc gia. Đến nay Chi cục đã tiếp nhận trên 51 nghìn hồ sơ, trong đó trên 39 nghìn tiếp nhận, cấp giấy qua hệ thống 1 cửa quốc gia. Qua quá trình thực hiện tôi thấy rất thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước”.
Theo anh Bùi Văn Đức, Công ty Vận tải Lam Sơn Thái Bình – một đơn vị thường xuyên làm các thủ tục xuất nhập khẩu thực vật nhiều năm nay cho biết: “Thực tế trước đây trụ sở của Chi cục luôn tấp nập, thậm chí nhiều người phải xếp hàng để chờ đến lượt làm thủ tục thì hiện nay chỉ còn rất ít người đến làm một số thủ tục bằng giấy và nộp lệ phí. Thời gian cũng rút ngắn hơn nhiều, giúp doanh nghiệp giảm được chi phí lưu kho tại các bến cảng”.
Tương tự như lĩnh vực thực vật, ông Đoàn Thành Luỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng II cho biết, Chi cục Thú y vùng II đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch trên hệ thống một cửa quốc gia đối với sản phẩm động vật trên cạn xuất khẩu từ tháng 12/2015 và với sản phẩm nhập khẩu từ tháng 10/2017.
Từ khi cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch trên hệ thống một cửa quốc gia, Chi cục Thú y vùng 2 đã tiết kiệm được thời gian và nhân lực cho công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất nhập khẩu tại Cảng Hải Phòng.
Thực tế, thời gian từ khi thực hiện kiểm dịch tới khi cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch rút xuống còn 2-3 ngày đối với các lô hàng phải lấy mẫu kiểm dịch, 1 ngày đối với lô hàng chỉ kiểm tra cảm quan. Doanh nghiệp không phải tới Chi cục Thú y vùng 2, Cục Hải quan để nộp hồ sơ nên đã tiết kiệm chi phí đi lại. Cùng với đó, các cán bộ kiểm dịch làm thủ tục cũng bớt áp lực khi lượng người, lượng hồ sơ giấy nộp chồng chất và liên tục phải rà soát từng chút một, mỗi khi khai sai dù một phần nhỏ trong hồ sơ cũng sẽ mất công khai lại từ đầu.
Nhiều bất cập kỹ thuật
Tuy có nhiều ưu điểm khi triển khai hệ thống Một cửa quốc gia trong ngành nông nghiệp nhưng bất cập về mặt kỹ thuật khá nổi cộm khiến cả các cơ quan chức năng và người dân, doanh nghiệp làm thủ tục không tránh khỏi phiền hà.
Điển hình như tại Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I hiện nay, thông tin xuất xứ hàng hoá phục vụ thống kê chưa làm được. Cùng với đó việc chưa lấy được thông tin địa chỉ công ty trong hệ thống một cửa nên phải làm thủ công, rất mất công. Đặc biệt, “hệ thống đường truyền rất trục trặc gây khó khăn cho hoàn thiện hồ sơ. Tôi đã đề nghị lên Cục Bảo vệ thực vật nhiều lần cần nâng cấp hệ thống nhưng vẫn chưa được giải quyết. Có thời gian vì hệ thống trục trặc, hơn 1.000 hồ sơ đều không làm qua 1 cửa được nên phải làm hồ sơ trên giấy”, ông Nguyễn Trường Hà nêu thực tế.
Một vấn đề nữa, về phối hợp thực hiện, ông Hà đề nghị Tổng cục Hải quan thông báo cho các đơn vị nếu hệ thống bị lỗi từ trên xuống. "Từ 2017 đến nay, chúng tôi chưa nhận được thông báo từ Tổng cục Hải quan khi bị lỗi. Khi bị lỗi hệ thống, chúng tôi không thể liên lạc được với bên Hải quan để nắm được thông tin lỗi bao lâu để chủ động xử lý thủ tục linh hoạt", ông Hà nói.
Tại Chi cục Thú y Vùng II, ông Đoàn Thành Lũy cũng cho biết trường hợp lỗi mạng hoặc lỗi hệ thống, Chi cục phải cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thủ công bằng bản giấy thay thế nên có thể dẫn tới ùn tắc hồ sơ cục bộ. Nhiều trường hợp sau khi cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch điện tử, Chi cục vẫn phải cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch bằng bản giấy theo yêu cầu của doanh nghiệp vì các cơ quan hữu quan không chấp nhận Giấy chứng nhận kiểm dịch điện tử. Hệ thống phần mềm trên cổng thông tin một cửa quốc gia còn nhiều lỗi cần phải chỉnh sửa để đáp ứng được theo yêu cầu.
Ông Lũy cũng đề xuất cần phải cải tiến phần mềm để có thể trích xuất được dữ liệu báo cáo, thực hiện tìm kiếm và quản lý dữ liệu theo số Giấy chứng nhận kiểm dịch đã cấp, cùng một hệ thống thực hiện được việc kiểm dịch và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn cho thuỷ sản.
Ông Trần Thế Phong, Giám đốc Trung tâm chất lượng nông lâm, thủy sản vùng I cũng cho biết, các cơ sở dữ liệu dùng chung của hệ thống không được cập nhật một cách thường xuyên. Ví dụ như trong quá trình triển khai có một số doanh nghiệp thay đổi thông tin (tên doanh nghiệp, địa chỉ doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp,…) nhưng hiện tại chưa có đơn vị nào thực hiện việc cập nhật vào cơ sở dữ liệu dẫn đến không thể thực hiện việc cấp chứng thư theo cơ chế một cửa quốc gia.
Cùng với đó, máy chủ, đường truyền phục vụ cho việc thực hiện cấp chứng thư cho các lô hàng xuất khẩu theo cơ một cửa quốc gia thường xuyên không truy cập được dẫn đến đình trệ trong quá trình triển khai.
Một kiến nghị chung của các cơ quan thực hiện kiểm dịch, kiểm định chất lượng tại miền Bắc của Bộ NN&PTNT cùng đưa ra đó là việc xây dựng văn bản pháp luật để không phải thực hiện cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch bản giấy khi đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận điện tử. Vì thực tế nhiều đơn vị quản lý liên ngành vẫn không chấp nhận bản chứng nhận điện tử thay vì bản có dấu đỏ của cơ quan chức năng.