Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, năm 2022, đơn vị này được giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước 50.328 tỷ đồng, trong đó có 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài. Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án toàn bộ 4.877 tỷ đồng (100%) vốn nước ngoài.
Tính đến hết tháng 10/2022, các dự án ODA lũy kế giải ngân 3.237/5.731tỷ đồng, đạt 56,5% (gồm 2.991/4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 61,3% và 246/854 tỷ đồng vốn đối ứng, đạt 28,8%). Trong những tháng còn lại của năm nay, Bộ Giao thông Vận tải phải giải ngân 2.494 tỷ đồng.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu một số dự án chủ đầu tư cần tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân như kết nối Tây Nguyên, kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, dự án Tân Vạn-Nhơn Trạch…
Tuy nhiên, phía Bộ Giao thông Vận tải cũng nhìn nhận có 3 dự án ODA vẫn đang chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Cụ thể, tại dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ban quản lý dự án 2 phụ trách, 6/11 gói thầu đã được triển khai (XL01, XL05, XL06, XL08, XL09 và XL10), sản lượng thi công hiện đạt 12%, chậm khoảng 2% so với kế hoạch.
Hiện, 5 gói thầu còn lại đang trong quá trình đấu thầu. Trong đó, 3 gói thầu dự kiến khởi công đầu tháng 11/2022; một gói thầu dự kiến khởi công cuối tháng 11/2022. Gói thầu cuối cùng (XL-03), phía ADB đã có thư không phản đối kết quả lựa chọn nhà thầu, đang xử lý tình huống trong đấu thầu.
Cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ là một hợp phần rất quan trọng của dự án WB6 gồm nhiều hạng mục như xây dựng kênh nối giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ với chiều dài khoảng 1km; xây dựng âu tàu; cầu vượt kênh nối Đáy Ninh Cơ; hạng mục phụ trợ khác. Sau khi hoàn thành cụm công trình này giúp cho tàu có trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình, Ninh Phúc.
Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, dự án kênh nối Đáy-Ninh Cơ do Ban Quản lý dự án Đường thủy phụ trách, tính đến nay, sản lượng thi công mới đạt 60%, chậm khoảng 8% so với kế hoạch.
Để bù tiến độ bị chậm, Bộ Giao thông Vận tải đã có các văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án Đường thủy quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tăng mũi thi công, có giải pháp điều chuyển khối lượng, bổ sung, thay thế nhà thầu thi công nếu không đáp ứng tiến độ theo kế hoạch.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án Đường thủy chỉ đạo nhà thầu, tư vấn lập lại tiến độ thi công chi tiết, đảm bảo các gói thầu xây lắp hoàn thành trước ngày 31/5/2023 và nghiệm thu hoàn thành toàn bộ khối lượng công trình trước ngày 30/6/2023.
Với dự án xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên (An Giang), đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành, 3/3 gói thầu đang thi công, sản lượng đạt 27,5%, chậm 3,8% so với kế hoạch do thi công xử lý nền đất yếu chậm.
Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận có văn bản cảnh cáo các nhà thầu chậm tiến độ kéo dài; yêu cầu đơn vị quản lý dự án tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu thi công xử lý nền đất yếu, đẩy nhanh việc huy động cát đắp về công trường, bám sát kế hoạch đã chấp thuận.
Riêng 2 dự án ODA khác, phía Bộ Giao thông Vận tải đánh giá tiến độ vẫn đang trong tầm kiểm soát và cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Theo đó, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 19) có chiều dài hơn 143km đi qua địa bàn hai tỉnh Gia Lai (dài 126km) và Bình Định (dài 17km). Dự án được thiết kế với quy mô cấp 3, hai làn xe, bề rộng mặt đường 11m với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng.
Đến nay, dự án có tỷ lệ bàn giao mặt bằng đã đạt 97%, dự kiến bàn giao phần còn lại trong tháng 12/2022. Tất cả 8 gói thầu đang thi công với sản lượng đạt 33%.
Đối với dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các Quốc lộ đang đáp ứng được tiến độ yêu cầu, hiện công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành 2/4 gói thầu, dự kiến bàn giao toàn bộ trong tháng 11/2022. Đến nay, 4/4 gói thầu đã được triển khai thi công với sản lượng đạt 9,7%.