Nặng lòng với Trường Sa
Chính Tiểu Tân cũng không ngờ chuyến hải trình 7 ngày đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 của mình cùng Đoàn công tác số 12 - TPHCM lại mang đến quả ngọt và sức lan tỏa ngoài mong đợi.
Trong chuyến công tác ấy, từ quần đảo cách đất liền hàng trăm hải lý, Tiểu Tân đã gửi lá thư tay cho người chị thân thiết mang tên Thạch Thảo - một nhà báo đã in hằn dấu chân lên nhiều vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong suốt cuộc đời mình. Tiểu Tân viết: “Chị ơi, em đã thấy Cô Lin - Gạc Ma rất gần. Em đã đến Sinh Tồn, Núi Le B, Đá Tây B, đảo Trường Sa Lớn, nhà giàn…
Mỗi điểm đảo, từng vùng biển em qua đã khiến em càng thêm yêu Tổ quốc, hiểu và cảm thêm sự hy sinh, gian khổ và bao hiểm nguy mà người lính hải quân nơi đảo xa phải đương đầu để giữ gìn, bảo vệ và giữ vững chủ quyền thiêng liêng”.
Mọi thứ đến thật tự nhiên, khi đứng giữa biển trời thiêng liêng ấy, tình yêu Tổ quốc đã như dòng máu chảy dạt dào trong tim chị. “Là biển trời, là đất đai, là màu xanh của cây bàng vuông, hàng phong ba chắn bão, là lá cờ đỏ sao vàng tung bay tự hào nơi cột mốc khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc giữa trùng khơi. Và hơn hết, được trực tiếp chứng kiến những vất vả của người dân, cán bộ, chiến sĩ, tôi càng hiểu, càng thấy yêu hơn Trường Sa, yêu hơn Tổ quốc mình”, Tiểu Tân chia sẻ.
Trở về đất liền đã hơn 3 tháng, nhưng mọi cảm xúc và hình ảnh, câu chuyện của chuyến hải trình trong chị vẫn còn vẹn nguyên như mới hôm qua. Tiểu Tân quyết định vẽ lại mọi thứ bằng ngôn ngữ hội họa với bộ tranh mang tên “Thao thức Trường Sa”. Những bức tranh đã ra đời bằng tất cả lòng thương yêu và cả những khắc khoải khôn nguôi về Trường Sa.
Như vẻ đẹp một chiều hoàng hôn ở đảo Đá Tây B, tác giả giữ lại trong một bức tranh màu nước. Hay khoảnh khắc xúc động khi chị Nguyễn Thị Lành (50 tuổi, quận Tân Bình) vui mừng gặp con trai - Trung sĩ Huỳnh Thế Sơn (19 tuổi, đang thực hiện nghĩa vụ quân sự ở đảo Sinh Tồn), tác giả giữ lại bằng một bức tranh lụa mang tên “Gặp mẹ bên bờ sóng”. Tác giả lưu giữ hình ảnh trái bàng vuông, cây bàng vuông nhỏ chiến sĩ tặng người từ đất liền đến thăm trong tác phẩm màu nước “Món quà của biển”... các tác phẩm được thực hiện bằng chất liệu màu nước, lụa, giấy dó.
Tiểu Tân cho biết, ý định ban đầu của chị chỉ là vẽ - để thỏa nỗi nhớ Trường Sa. Nhưng khi được một thành viên trong đoàn công tác ngỏ ý mua tranh, chị bắt đầu nghĩ đến việc bán và gửi 100% lợi nhuận để gây quỹ. “Riêng về vẽ tranh Trường Sa, bản thân tôi chưa phải họa sĩ chuyên nghiệp mà chỉ là một người có duyên nợ với hội họa, nên tôi chọn những gì đơn sơ, thân thuộc để vẽ. Quá trình vẽ cũng có nhiều áp lực về thời gian, nhưng khi nghĩ sẽ góp được một phần kinh phí chăm lo cho trẻ em và động viên bộ đội hải quân, tôi lại cầm cọ lên và vẽ”, Tiểu Tân xúc động chia sẻ.
Họa sĩ, nhà báo Tiểu Tân trong chuyến đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 vừa qua cùng Đoàn công tác số 12 - TPHCM. Ảnh: ĐỨC MINH
26 tác phẩm trong bộ tranh của Tiểu Tân đã được bán hết sau 2 ngày công bố dự án, với số tiền thu về 260 triệu đồng. Tiểu Tân đã gửi toàn bộ số tiền này cho Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và Quỹ “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” của Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Bộ tranh của chị cùng nhiều tác phẩm nhiếp ảnh, thơ, nhạc về Trường Sa sau đó được trưng bày tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM. Ngày 20-8, ban tổ chức đã bán đấu giá 15 tác phẩm và mang về số tiền 1,04 tỷ đồng. Hiện nay, Tiểu Tân đang sáng tác 10 bức tranh mới, dự kiến sẽ tiếp tục đấu giá gây quỹ cuối tháng 9-2024. Ngoài là nhà báo có hơn 10 năm gắn bó với những bài viết xúc động trên Báo Sài Gòn Giải Phóng, Tiểu Tân còn là người cán bộ đoàn trẻ, năng động, đi đầu trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
Chị và Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức nhiều hành trình thiện nguyện cho đoàn viên, đến với những Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân Anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, đến vùng sâu vùng xa với trẻ em còn thiếu thốn… để trao quà, chia sẻ và lan tỏa yêu thương.
Nỗi đau của ngoại
Mãi đến tận bây giờ, bạn Mai Huỳnh Anh Hào (sinh năm 2002, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng), Đội trưởng Đội phục hồi di ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng và liệt sĩ trên địa bàn TPHCM, vẫn không thể quên ngày bà Cao Thị Lắm - người mà Anh Hào gọi thân thương là ngoại Lắm, ôm 5 tấm di ảnh trên tay, không ngừng khóc.
Đó là một ngày hè của năm 2022, Anh Hào được phân công đến nhà ngoại Lắm (xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi) để thu thập dữ liệu phục hồi di ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Nón. Khi lấy xong thông tin của Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Nón, Anh Hào vô tình nhìn thấy 4 di ảnh đã mờ nhòe, không còn nhìn rõ. Nghe ngoại Lắm nói đây là 4 anh trai - cũng là 4 liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng ảnh đã quá mờ và sợ làm phiền các cháu nên ngoại không đăng ký, trái tim Anh Hào đã lặng đi một nhịp.
“Lúc đó dù chưa có nhiều chuyên môn nhưng tôi thương ngoại quá nên vẫn mạnh dạn hỏi ngoại có thể cho con phục hồi tặng ngoại thêm 4 di ảnh này được không. Đến lúc mang ảnh về, tôi mới hình dung được độ khó của việc phục hồi 4 di ảnh, nhưng cả đội vẫn quyết tâm làm”, Anh Hào xúc động kể.
Đó là 4 di ảnh cũ đã lợt màu, không rõ ngũ quan, là những tấm hình thờ hiếm hoi còn giữ được qua chiến tranh nhưng đã mờ dần sau nửa thế kỷ. Đội phục hồi đã thức đêm 2 tuần ròng rã để vẽ tay lại từng chi tiết... Cả đội biết ngoại Lắm sẽ mong ngóng, trông chờ đến ngày có một tấm hình thờ rõ mặt - để không quên đi gương mặt của Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Nón và các anh.
“Ngày nhận di ảnh, ngoại Lắm cứ liên tục khóc, ngoại nói đây là anh Tám, kia đúng là anh Chín rồi. Ngoại Lắm nói, hồi chiến tranh anh trai hy sinh không dám khóc vì sợ bị địch bắt, đến giờ ngoại có thể ôm anh trai vào lòng và khóc thật lớn”, Anh Hào nhớ lại.
Chia sẻ lý do đăng ký tham gia Đội phục hồi di ảnh của trường vào năm 2021, Anh Hào cho biết, mình không hề có chuyên môn phục dựng ảnh nhưng rất muốn tìm hiểu về các Mẹ Việt Nam, Anh hùng liệt sĩ tại mảnh đất Củ Chi. Từ đó đến nay, Anh Hào đã cùng đội phục hồi hàng trăm di ảnh tại nhiều địa phương, mỗi di ảnh là một nỗi đau chiến tranh, nhưng trên tất cả - đó là lòng yêu Tổ quốc.
Năm 2024, nhằm thiết thực chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, UBND TPHCM đã chỉ đạo Thành đoàn TPHCM phối hợp với Sở LĐTB-XH TPHCM triển khai đội hình “Phục hồi di ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng và liệt sĩ trên địa bàn TPHCM”, nhân rộng từ công trình của sinh viên tình nguyện hè thành phố thực hiện từ năm 2022. Giai đoạn 1 năm 2024, đội hình đã thực hiện phục hồi 119 di ảnh.
Chia sẻ với chúng tôi, Anh Hào không khỏi tự hào: “Từ một đội hình cấp trường, chúng tôi được Thành đoàn TPHCM giúp kết nối với nhiều địa phương, hiện tại được UBND TPHCM tạo điều kiện, hỗ trợ. Đây vừa là sự ghi nhận, vừa là niềm động lực lớn lao cho mỗi thành viên của đội”. Dự kiến thời gian tới, đội phục hồi di ảnh sẽ tiếp tục duy trì và phát huy thực hiện công trình giai đoạn 2 với gần 800 di ảnh, trong đó có những trường hợp hoàn toàn không có di ảnh cũ - chỉ được tái hiện lại trong ký ức của thân nhân Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng liệt sĩ.
Thực tế, trong những ngày tháng lịch sử này, đã có rất nhiều công trình, phần việc ý nghĩa của thế hệ trẻ cả nước tri ân các Anh hùng liệt sĩ, người có công cách mạng trên mọi miền Tổ quốc. Những công trình, phần việc ý nghĩa đó là minh chứng cho sự biết ơn, tinh thần uống nước nhớ nguồn của thế hệ trẻ hôm nay với những công lao to lớn của thế hệ cha anh đi trước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông. Khi người trẻ nhận thức được trách nhiệm và lòng biết ơn, đó sẽ là mạch nguồn tốt đẹp chảy mãi trong lòng dân tộc!